Bình Dương vừa chặn dịch vừa tăng sản xuất thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
Công nhân đến nhà máy được kiểm tra sức khỏe. Ảnh: H.C
Công nhân đến nhà máy được kiểm tra sức khỏe. Ảnh: H.C
TP - Ðể đáp ứng đơn hàng cuối năm, các doanh nghiệp (DN) tại Bình Dương vừa phải tăng công suất, vừa phải căng mình ngăn dịch COVID-19 nhằm đảm bảo không thiếu lao động vì bị F0.

Theo ông Bùi Minh Trí, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, hầu hết DN trên địa bàn đã quay trở lại sản xuất, đồng thời tăng công suất đảm bảo đơn hàng dịp cuối năm. Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp VSIP, cho biết, công tác phòng, chống dịch bên trong các công ty, nhà xưởng được duy trì rất nghiêm ngặt. Công nhân lao động đeo khẩu trang và thực hiện nghiêm túc các biện pháp trong nhà máy và nơi ở.

Chặn dịch

Công ty Cổ phần Bê tông Terra Yameken hiện có 1.200 lao động. Ông Nguyễn Thế Thiện, Giám đốc hành chính nhân sự, cho biết, hơn một tháng nay, khi quay lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới, công ty vẫn tuân thủ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh rất nghiêm. Hằng tuần, công ty thực hiện đều việc test nhanh, khử khuẩn, ăn, ở hợp vệ sinh... Vì thế, toàn công ty chỉ mới xảy ra một vài ca F0 nhưng không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Theo ông Thiện, nguồn lao động khan hiếm, trong khi công việc cuối năm rất nhiều. Nếu doanh nghiệp lơ là phòng, chống dịch sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thiếu lao động bất cứ lúc nào nếu F0 tràn lan. “Chúng tôi lập một nhóm Zalo các DN để trao đổi, chia sẻ với nhau về công tác phòng, chống dịch bệnh và sinh hoạt hằng tuần. Qua đó, chúng tôi học hỏi nhau rất nhiều trong phòng, chống dịch và cách ứng phó tốt nhất khi phát hiện có F0”, ông Thiện nói.

Ông Vũ Quốc Huy, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Showa Glove, cho hay, dù trở về trạng thái bình thường mới, DN đã ổn định sản xuất, kinh doanh, song vẫn rất thận trọng với dịch bệnh. Người lao động trước khi vào nhà máy phải quét QR, sau đó khử khuẩn tại buồng khử khuẩn tự động đặt ngay cổng vào công ty, đo thân nhiệt tự động, bảo vệ chỉ đứng xa giám sát. Mỗi tuần, công ty test nhanh 2 lần để kịp thời phát hiện, sàng lọc... Công ty cũng bố trí 2 phòng cách ly dành cho F0, F1. Khi phát hiện ca bệnh, công ty sẽ liên hệ với y tế gần nhất để xử lý nhanh, an toàn.

Để đảm bảo số lượng lao động đáp ứng công việc, đến nay Công ty TNHH Bao bì Việt vẫn duy trì mô hình “3 tại chỗ” và được người lao động ủng hộ. Ông Trần Bình Trọng, Giám đốc Công ty, cho hay, người lao động được bố trí nơi ở, ăn ngày 4 bữa kèm chế độ trợ cấp thêm 100.000 đồng/ngày nên rất sẵn sàng ở lại sản xuất. “Nhiều người lao động thấy an tâm khi ở lại công ty thay vì về khu trọ chật hẹp”, ông Trọng nói.

Anh Nguyễn Thành Luân, nhân viên tổ cơ khí Công ty TNHH Yazaki (Bình Dương), nói: “Công ty thực hiện nghiêm test sàng lọc 2 ngày/lần, vì thế nhanh chóng phát hiện F0, không để lây lan dịch bệnh trong nhà máy. Đặc biệt, các tổ phòng, chống dịch trong công ty hoạt động rất hiệu quả. Công ty phun khử khuẩn thường xuyên tại những nơi có người tụ tập, nghiêm cấm người lao động tụ tập trao đổi khi không thật sự cần thiết”.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Thanh Toàn, cho biết, các DN quyết tâm bảo vệ nhân lực, tránh tình trạng thiếu lao động vì có F0. Theo đó, DN chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch và áp dụng các quy định nghiêm ngặt đối với người lao động trong quá trình sản xuất. Ngoài việc duy trì Tổ COVID-19, DN thường xuyên tổ chức xét nghiệm, lập vách ngăn bàn ăn, ăn giãn cách theo từng múi giờ, lập đội tự quản phòng, chống dịch bệnh, lập phần mềm khai báo y tế, theo dõi lịch trình đi lại của công nhân…

“Công tác phòng chống dịch tốt, hoạt động sản xuất, kinh doanh mới bền vững. Do đó, ngành chức năng luôn theo dõi sát sao để kịp thời hỗ trợ DN sản xuất an toàn trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp”,

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh

Tránh thả F0 về nhà

Ông Toàn cho biết, ngay khi trở về trạng thái bình thường mới, địa phương có văn bản hướng dẫn về việc trao quyền chủ động cho DN tái hoạt động, cơ quan quản lý nhà nước hậu kiểm. Theo đó, Bình Dương cho phép các DN tự xét nghiệm và công nhận kết quả cho người lao động. Để giảm kinh phí, ngành chức năng tỉnh Bình Dương đã giới thiệu cho các DN tiếp cận nguồn bộ xét nghiệm đạt chất lượng với giá chỉ vài chục nghìn đồng/bộ.

Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết, số ca mắc COVID-19 mỗi ngày trong tỉnh hiện vượt 600. Trong đó, người lao động tại các DN mắc chiếm tỷ lệ cao nhưng hầu hết không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Theo ông Chương, để DN an toàn sản xuất, tại nhà máy đều phải bố trí phòng cách ly, điều trị F0 dưới sự hỗ trợ từ lực lượng y tế lưu động. Để người dân, công nhân lao động tiếp cận y tế sớm nhất, Bình Dương đã thành lập 99 trạm y tế lưu động tại các xã, phường thị trấn; trong đó có 43 trạm đặt trong cụm, khu công nghiệp. Ngoài ra, còn có 20 tổ y tế lưu động của quân y. “Chúng tôi đã khuyến cáo các DN tuân thủ quy định phòng dịch, tránh tình trạng khi phát hiện có F0 thì không báo ngành chức năng mà để F0 về nhà tự lo”, ông Chương nói.

MỚI - NÓNG