Theo thông tin từ Bộ Công an, cùng với việc khởi tố, bắt tạm giam các ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội), ông Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN) và Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế) để phục vụ điều tra hành vi sai phạm liên quan vụ Công ty Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đang tiếp tục rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản của các bị can để đảm bảo triệt để thu hồi cho Nhà nước.
Với hành vi phạm tội bị khởi tố, nhiều người thắc mắc các căn biệt thự lớn của ông Chu Ngọc Anh tại khu đô thị Vinhomes Gardenia (quận Nam Từ Liêm) và căn biệt thự của ông Nguyễn Thanh Long Long (ở khu liền kề số 671 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) có bị kê biên, để đảm bảo công tác thi hành án sau này hay không?
Lối vào khu biệt thự mà gia đình ông Chu Ngọc Anh cư trú. |
Trả lời câu hỏi, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết, trong tố tụng hình sự, việc kê biên tài sản là biện pháp cưỡng chế của Nhà nước áp dụng đối với người phạm tội mà theo quy định của Bộ luật Hình sự, có thể bị phạt tiền hoặc tịch thu tài sản để đảm bảo trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả.
Theo luật sư Bình, “đại án” xảy ra tại Công ty Việt Á, ban đầu cơ quan chức năng công bố cho thấy, doanh thu từ việc nâng khống giá kit lên 45% đạt hơn 4.000 tỷ đồng, chi hoa hồng lên tới 800 tỷ.
“Từ số tiền lợi nhuận và chi hoa hồng, tôi cho rằng cơ quan điều tra cần thiết kê biên các tài sản của ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long trong đó cả căn biệt thự lớn hai ông này đang sinh sống để đảm bảo cho công tác thi hành án về sau”, luật sư Bình nói.
Một góc khu biệt thự nơi gia đình ông Chu Ngọc Anh cư trú. Theo một số chuyên gia bất động sản đánh giá những căn biệt thự tại khu nhà ông Chu Ngọc Anh có giá thị trường dao động từ 80-100 tỷ/căn. |
Cùng quan điểm nêu trên, một lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cho hay, Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế của Ban Bí thư cũng nhấn mạnh yêu cầu: Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.
Xe của cơ quan chức năng có mặt tại khu biệt thự liền kề nơi ông Nguyễn Thanh Long cư trú vào ngày 7/6. |
Theo vị này, trong vụ án, cơ quan điều tra sẽ có tính toán để xác định thiệt hại của những đối tượng tham gia, liên đới trách nhiệm bồi thường. Nếu các khoản tiền liên quan đến hành vi nhận hối lộ, hoa hồng như lãnh đạo CDC một số tỉnh thành thì sẽ bị cơ quan điều tra thu hồi, yêu cầu bị can nộp lại.
Trường hợp liên quan đến vi phạm các quy định gây thất thoát tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn thì cơ quan điều tra sẽ rà soát các tài sản của bị can liên quan để kê biên, phong tỏa phục vụ cho việc thu hồi tài sản sau này được đảm bảo.
Vẫn theo vị lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự Hà Nội, trước đây có rất nhiều vụ án mà bản án của tòa tuyên mức bồi thường rất lớn nhưng tài sản đảm bảo thi hành án rất nhỏ, khiến cơ quan thi hành án dân sự gặp vô cùng nhiều khó khăn. Sau khi Ban Bí thư có Chỉ thị số 04-CT/TW việc kê biên, phong tỏa tài sản ngay từ giai đoạn điều tra được làm chặt chẽ, kỹ lưỡng, quyết liệt hơn.
Do đó, căn biệt thự của gia đình ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long và nhiều tài sản khác của các ông này hoàn toàn có thể bị cơ quan điều tra xác minh, tiến hành các thủ tục để kê biên, phong tỏa. Sau này, khi tòa án xét xử sẽ xác định rõ trách nhiệm của các ông ấy phải liên đới bồi thường thiệt hại cụ thể ra sao, phải nộp lại bao nhiêu tiền.
Nếu số tài sản bị kê biên quá nhiều so với số tiền phải thu hồi theo bản án thì cơ quan thi hành án sẽ làm thủ tục gỡ bỏ lệnh kê biên, phong tỏa để trả lại tài sản cho người liên quan.