Biệt đội cứu hộ cá heo

Anh Lê Chiến, thành viên đội đang chăm sóc cho chú cá heo bị thương dạt vào bờ biển tỉnh Quảng Nam. Ảnh: NVCC
Anh Lê Chiến, thành viên đội đang chăm sóc cho chú cá heo bị thương dạt vào bờ biển tỉnh Quảng Nam. Ảnh: NVCC
TP - Họ là những bạn trẻ không chịu đứng yên khi nhìn thấy cá heo gặp nạn, nên đã cùng nhau thành lập đội cứu hộ tình nguyện. Biệt đội này hoạt động tại Đà Nẵng, nhưng sẵn sàng chạy đi bất cứ đâu để giúp những chú cá heo không may.

Câu chuyện của Sa Sa

 Anh Lê Chiến (34 tuổi, thành viên của nhóm) dáng người thấp nhỏ, nước da ngăm đen “bắt bài” khi tôi chưa kịp mở lời: “Chắc hiếu kỳ với cái tên của đội lắm đúng không? Đó là kỷ niệm cũng là bài học rất lớn của chúng tôi”. Một ngày cuối tháng 6/2018, chú cá heo chừng nửa năm tuổi dài 1,2m dạt vào bờ biển Đà Nẵng được một nhóm bạn trẻ phát hiện và đã cố đẩy cá bơi trở lại. Tuy nhiên vì bị thương nặng trên thân nên cá không thể ra xa bờ, càng lúc càng đuối sức. Anh Chiến cùng những người yêu thích cá heo biết tin đã nhanh chóng có mặt để sát trùng vết thương, cho cá uống sữa và nhờ một nhóm bảo vệ động vật tiêm thuốc giảm đau cho cá. Suốt đêm, mọi người cùng nhau ở lại túc trực bên chú cá đáng thương. Ngày hôm sau, bác sĩ thú y cùng các chuyên gia đã có mặt trực tiếp kiểm tra sức khỏe  rồi chuyển vào Nha Trang bằng đường bộ để có điều kiện chăm sóc tốt hơn.

“Khi đó chúng tôi chỉ hỗ trợ cá bằng những gì mình biết, thật sự khá bỡ ngỡ. Cho tới lúc bác sĩ, chuyên gia tiếp cận mình mới “sáng” ra. Thì ra vết thương trên cơ thể chưa chắc đã là vấn đề, còn phải trấn an giúp cá khi nó lạc khỏi đàn và bị con người vây quanh. Nếu không nó sẽ hoảng loạn, bơi mất phương hướng, đâm đầu vào đá, san hô…khiến sức khỏe suy yếu thêm. Và còn rất rất nhiều kỹ năng khác nữa”, anh nói. Anh Chiến dằn vặt mình, nếu lần sau gặp trường hợp như vậy mình sẽ làm gì, chẳng lẽ lại lúng túng như lần trước? Anh lân la đi nhiều vùng biển, nghe ngư dân thật thà rằng cá trôi vào bờ chưa chết, nhưng vì đưa mãi không bơi nổi ra xa, cũng chẳng biết cứu bằng cách nào nên…vác lên bãi đợi tắt thở rồi đem chôn. Có nơi lại vì phong tục miền biển, cứ thấy “ông” vào bờ là mặc nhiên sửa soạn lễ lược, cúng bái chuẩn bị chôn cất cho đàng hoàng.

Nỗi canh cánh ấy thôi thúc anh kêu gọi những bạn trẻ khác cùng lập đội cứu hộ cá heo với cái tên Sa Sa - đặt theo tên của người phát hiện ra chú cá nói trên, cũng là nhắc nhở mọi người phải tìm hiểu, học hỏi thật nhiều kiến thức, kinh nghiệm để giúp những chú cá bị nạn tốt hơn nữa. Hiện tại đội có 7 thành viên cắm chân ở Đà Nẵng, sẵn sàng lên đường cứu hộ cá heo gặp nạn ở các địa phương khác.

Cứu cá chuyên nghiệp

 Sau khi thành lập, các thành viên chia nhau tham gia lớp tập huấn về cá heo, cứu hộ, siêng năng rèn luyện thế chất, nhất là kỹ năng bơi, lặn. Đội đưa thông tin và đường dây nóng đến với các vùng biển hay có cá dạt vào để bà con tiện liên hệ. Tháng 7 vừa rồi, thêm một “ca” khẩn cấp được người dân gần bãi biển Kỳ Hà (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) báo ra. Chú cá heo với vết thương to bằng cánh tay trên thân, sức yếu xìu cứ lừ đừ quanh vùng biển sát bờ. Các thành viên nhanh chóng tiếp cận và sát trùng vết thương, sau đó cùng nhau vỗ về, trấn an cá cho đến khi nhịp tim, nhịp thở của nó ổn định trở lại. “Lần này chúng tôi đã có kinh nghiệm nên “nói chuyện”, dỗ dành cá nhiều hơn. Vì cá heo rất thông minh, khi nó biết mình không có ý đồ xấu thì nó sẽ bớt hoảng loạn, rất hợp tác với mình”, anh Chiến nói. Suốt đêm hôm đó mọi người đầu đội mưa, thân ngâm nước thay nhau túc trực “động viên” chú cá heo. Đến sáng, cá phục hồi sức khỏe, mọi người tập cho bơi một quãng rồi tiếp tục luồn chăn dưới bụng di chuyển ra vùng biển rộng hơn. Sau chừng nửa tiếng, cá bơi bình thường, còn rượt theo cả con  mồi.

Các thành viên chia sẻ rằng việc tập bơi này rất quan trọng, trước tiên giúp đuôi cử động liên tục, không bị tê, sau là định hướng lại cho cá heo không bỡ ngỡ khi bơi tìm lại đàn. “Nếu ai từng trải qua cả ngày đêm vỗ về, nói chuyện với cá, chắc chắn cảm thấy sự kết nối, có sự giao tiếp rất sâu giữa mình và cá. Bằng ngôn từ mình không tả được cả giác ấy. Rồi nhìn nó chần chừ quay lại ba bốn vòng như cám ơn mình trước khi ra khơi xa, thực sự rất kỳ diệu. Chính những khoảnh khắc ấy làm chúng tôi yêu mến công việc này hơn”, một thành viên chia sẻ. 

Ngoài công việc cứu hộ cá heo, các thành viên trong đội còn dành bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày để lặn cắt lưới “ma” - những tấm lưới của ngư dân bị rách, vướng hoặc vứt bỏ xuống vùng biển Sơn Trà. “Đó là thảm họa sinh thái, nó có thể giết những rặng san hô, bẫy chết cua, cá…”, anh Chiến nói. Hiện tại, nhóm đã cắt được gần 100kg lưới.                 

MỚI - NÓNG