> Trung - Nhật đua nhau “tấn công quyến rũ” Đông Nam Á
> Trung Quốc sẽ mềm mỏng hơn trên Biển Đông?
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, sau 46 năm thành lập và phát triển, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc duy trì, thúc đẩy môi trường hòa bình, ổn định khu vực, thúc đẩy liên kết kinh tế nội khối một cách hiệu quả, thu hút nhiều đối tác quan trọng trong khu vực cũng như toàn cầu... Tuy nhiên, ASEAN vẫn phải đối mặt nhiều thách thức, trong đó có vấn đề tranh chấp lãnh thổ, xung đột giữa các quốc gia trong khối và diễn biến phức tạp trên biển Đông.
Theo ông Vinh, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải biển Đông gắn chặt với hòa bình, an ninh ở khu vực Đông Nam Á, Đông Á, thậm chí toàn cầu. Cho nên, ASEAN coi đây là mối quan tâm chung và rất nhiều nước ủng hộ điều này.
Biển Đông có vai trò quan trọng, nên lâu nay các nước có chung cam kết đóng góp cho môi trường hòa bình, ổn định quốc tế, và tranh chấp về chủ quyền phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Khuôn khổ quan trọng nhất để giải quyết tranh chấp là luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
“Trong khi tình hình biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, các bên cần kiềm chế, thực hiện tốt các quy định của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)”, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nói.
Trước ý kiến cho rằng ASEAN và Trung Quốc đã bắt đầu tham vấn chính thức về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), nhưng quá trình này chưa thực chất vì các quan chức tham gia tham vấn không có quyền đưa ra quyết định nào có ý nghĩa, ông Vinh cho rằng, ASEAN và Trung Quốc làm được bước đầu - hai bên lần đầu tham vấn chính thức về COC.
Vấn đề đặt ra là làm sao từ tham vấn chính thức đi đến thương lượng thực chất và cuối cùng đạt được COC càng sớm càng tốt.
“Ý kiến cho rằng quy trình tham vấn giữa ASEAN và Trung Quốc không thực chất là không đúng, vì kênh cao nhất, thường xuyên nhất mà ASEAN và Trung Quốc đang trao đổi với nhau là quan chức cấp cao. Như vậy là một điểm khởi đầu tốt đẹp”, ông Vinh nói.
Hệ lụy khi các cường quốc can dự
Ngoài diễn biến trên biển Đông, các quan chức ngoại giao Việt Nam cho rằng, một thách thức không nhỏ khác là vai trò của các nước lớn trong khu vực. Việc các nước lớn tăng cường can dự vào ASEAN vừa mang lại thuận lợi, vừa đặt ra nhiều thách thức, trong đó có cả hệ lụy về xây dựng lòng tin, vượt qua nghi kỵ, lợi ích riêng hẹp hòi. Điều này có thể tác động không nhỏ đến sự đoàn kết và vai trò của ASEAN trong khu vực.
Ông Nguyễn Tiến Minh, Vụ trưởng Vụ ASEAN - Bộ Ngoại giao, cho rằng, điều quan trọng nhất mà cộng đồng ASEAN mang lại cho người dân là hòa bình, an ninh và ổn định. Trước kia, Đông Nam Á bị chia làm hai trận tuyến đối ngược nhau, nay đã bắt tay nhau và cùng tiến tới Cộng đồng ASEAN (mục tiêu là vào năm 2015). Đó là quyết định rất quan trọng, tạo cơ sở vững chắc để giữ vững hòa bình, ổn định trong khu vực, để người dân và các quốc gia cùng phát triển.
Liên minh châu Âu là cộng đồng theo hình thức siêu quốc gia, có cơ quan trung tâm và kiểm soát nhiều hoạt động của quốc gia. Còn ASEAN là cộng đồng theo hình thức liên chính phủ, tức là các nước gắn bó với nhau trong một cộng đồng phấn đấu vì mục tiêu chung nhưng vẫn giữ chủ quyền, ông Minh cho biết.
Theo Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, một số thành tựu nổi bật nhất về thương mại trong khối là mức thuế quan ưu đãi nội khối đã gần xuống mức 0%, chỉ 6 nước còn áp dụng mức 0,6%; ASEAN đang thực hiện hệ thống tự chứng nhận trong khối, trong đó cho phép các đơn vị xuất khẩu lựa chọn tự chứng nhận giấy tờ xuất khẩu của mình. Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN đến năm 2015 được thí điểm tại 3 nước để cho phép hàng hóa quá cảnh được vận chuyển qua biên giới tới điểm cuối cùng trong ASEAN với giấy tờ liên quan được trao đổi theo thời gian thực... |