Vào 13 giờ chiều nay (1/11), tâm bão số 7 đang cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 550km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/giờ), giật cấp 14. Đây là thời điểm bão số 7 đạt cường độ lớn nhất.
Dự báo trong khoảng 24 đến 60 giờ tiếp theo, bão số 7 tương tác với không khí lạnh và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau suy yếu thành vùng áp thấp trên vùng biển phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông, rất ít khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Trên biển, do tác động của bão số 7, vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-12, giật cấp 14, sóng biển cao 6-8m, vùng gần tâm bão 9-11m, biển động dữ dội.
Biển Đông có thể đón thêm 1-2 cơn bão/áp thấp nhiệt đới trong tháng 11. |
Vùng biển phía Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, tháng 11 vẫn là cao điểm mùa mưa bão trên Biển Đông. Dự báo sau cơn bão số 7, Biển Đông có thể đón thêm 1-2 bão/áp thấp nhiệt đới, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Theo các chuyên gia, những năm La Nina tác động như năm nay, mưa bão thường dồn dập cuối năm, trong đó khả năng cao xuất hiện những cơn bão mạnh, dị thường, trái quy luật.
Dự báo xa hơn cho thấy, từ nay đến tháng 4/2023, trên khu vực biển Đông có thể xuất hiện khoảng từ 2-4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó 1-2 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Không loại trừ khả năng, đến tháng 1/2023 vẫn có bão hoạt động trên khu vực Nam Biển Đông.