Các nhà khoa học Việt Nam đã xây dựng kịch bản BĐKH. Với kịch bản trung bình, nhiệt độ nước ta được dự báo sẽ tăng khoảng 1,9-2,4 độ C vào năm 2100. Cùng với đó, nước biển dâng trung bình 58cm. Với kịch bản cao, nhiệt độ nước ta có thể tăng tới 3,3-4 độ C, nước biển dâng trung bình 78cm (dao động từ 52-107 cm). Nếu nước biển dâng 1m, khoảng 40% đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập vĩnh viễn. Nhiệt độ tăng kéo theo hàng loạt vấn đề thiên tai phức tạp, khó dự đoán như mưa bình quân năm tăng trên cả nước. Số lượng cơn bão mạnh sẽ gia tăng trong tương lai, số ngày nắng nóng tăng, hạn hán sẽ khốc liệt hơn.
Ông Đào Xuân Lai, Trợ lý giám đốc quốc gia, Trưởng phòng Môi trường và Biến đổi khí hậu, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho biết, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước chịu tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan. Tác động do BĐKH đến tính mạng con người và tài sản rất lớn. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của Việt Nam.
Theo ông Lai, xuất hiện những xu hướng tác động mới của BĐKH. Vì vậy, Việt Nam không nên chỉ tập trung vào chuẩn bị hay ứng phó mà cần giải pháp đồng bộ như lập kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, khi phát triển các dự án đầu tư phải xác định đến rủi ro của BĐKH và thời tiết, ví dụ như khi xây dựng đường, đập phải tính kỹ đến đường sá, công trình hạ tầng không làm cản đường thoát lũ hoặc gây ngập úng ở các vùng khác.
Theo các chuyên gia, sức khỏe con người là một trong những yếu tố chịu tác động mạnh của BĐKH. Bà Nguyễn Thị Liên Hương, chia sẻ, BĐKH làm gia tăng nguy cơ mắc sốt xuất huyết, tiêu chảy, tay chân miệng và tăng tỷ lệ nhập viện. Khi nhiệt độ tăng 1 độ C, tăng 3,4-4,6% số trẻ em nhập viện, tăng 7-11% nguy cơ mắc sốt xuất huyết và 5,6% nguy cơ mắc tay chân miệng.