Biên độ của rap

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khi các rapper Việt chơi rap trên sân khấu chính thống, đương nhiên họ có cách để Việt hóa, nhằm phổ cập rap. Điển hình như Đen Vâu. Những bài hát của anh có nội dung như nhạc pop nhưng đậm chất riêng tư hơn, do đó gần sát hơn với nỗi niềm của thanh niên đương thời, bao gồm giới văn phòng.

Nói chung rap cho các nghệ sĩ một diễn đàn, một không gian rộng rãi hơn hẳn các dòng nhạc khác để có thể nói về gần như bất cứ điều gì họ muốn, miễn không vi phạm pháp luật. Nhưng vẫn còn một ranh giới mà các rapper không thể không để ý. Đó là tiêu chuẩn cộng đồng.

Dubbie tại tập 2 Rap Việt mùa 3 không phải rapper đầu tiên đưa lãnh tụ vào phần trình diễn. Nhưng lãnh tụ không phải chủ đề chính trong bài hát mang tính chất tự bạch này. Và câu rap của anh cũng có tính chất tôn vinh, thể hiện việc danh nhân lịch sử đi vào đời sống đương đại của một người trẻ. Nhưng điều khiến dư luận không đồng tình là việc anh chiết tự sai tên.

Dù cũng chỉ với dụng ý tạo không khí thân mật mà thôi, nhưng chỉ cần như thế cũng đủ gây sốc cho không ít khán giả. Vì với những nhân vật ở tầm cỡ đó, cần có sự tôn kính khi nhắc tới. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu không có lòng yêu kính, hoặc có thể nói là hâm mộ, chắc chắn Dubbie không nhắc đến trong bài rap.

Thôi thì hãy để sự việc khép lại nhẹ nhàng với động thái cắt bỏ những phần gây phản ứng nhạy cảm trong bài rap của Dubbie. Nhưng nghe qua nội dung của một số bài cùng thi trong đêm đó thấy khá trùng lặp. Những câu chuyện mà các rapper kể không có nhiều dấu ấn hay đúc rút mang tính cá nhân.

Dù sao cũng có thể thông cảm với các rapper xứ ta khi hoạt động trong một bối cảnh vốn không quen thuộc với rap. Do đó buộc họ phải động não, nhìn trước ngó sau nhiều hơn. Tóm lại là tài năng cần thời gian nhưng nhà tổ chức không thể ngừng làm chương trình. Ngay cả nghệ sĩ đã vào hồi kỳ cựu như Trấn Thành lên sóng nhiều quá nói đôi khi cũng tối nghĩa.

Chẳng hạn chắc vì có chút choáng ngợp khi nhận ra người quen là Quán quân Giọng hát Việt nhí mà MC thốt ra: “Tôi cảm thấy thích thú vì bạn ấy không còn là một version (phiên bản) nào khác mà bạn ấy biến ra một version hoàn toàn không liên quan...”. Chắc là anh cũng không muốn bị lạc lõng trong một môi trường đối đáp ngày càng xôi đỗ kiểu: “Anh có thể feel được em, anh respect điều đó ở em...”. Chương trình kỳ này mời hẳn một HLV Việt kiều sinh trưởng tại Mỹ và chỉ rap bằng tiếng Anh.

Và đương nhiên HLV này sẽ không thể sâu sát đến từng từ ngữ, từng ngóc ngách diễn đạt trong tiếng Việt mà các thí sinh thể hiện. Có lẽ rap bằng tiếng Việt khó quá nên Rap Việt muốn định hướng cho các rapper tương lai quay sang dùng tiếng Anh (Mỹ) chăng?!

MỚI - NÓNG