Chị Cao Kim Mơ, Bí thư xã đoàn Tân Long bên bức tranh làm bằng vật dụng tái chế
Tại trường tiểu học Tân Long 1, xã Tân Long (Phụng Hiệp, Hậu Giang) trong lúc học sinh nghỉ học, các thầy cô giáo đã tận dụng những chất liệu 'vứt bỏ' như vỏ chai, vỏ xe, chay nước... để trồng hoa cho bức tường vốn cũ kỹ trở nên sinh động.
Mỗi bức tranh là một chủ đề khác nhau như cổ tích Mai An Tiêm, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, sự tích cây vú sữa. Ngoài ra, đối với học sinh lớp 1 tạo nên bức tranh về giữ gìn vệ sinh, 'cho tôi rác', cây kỹ năng học sinh rèn luyện, lễ phép, sạch sẽ, chăm sóc cây cảnh... đều từ sản phẩm tái chế.
Chị Cao Kim Mơ, Bí thư xã đoàn Tân Long cho biết, thay vì những bức tường cũ kỹ, trong thời gian này xã đoàn phát động làm những bức tranh, mô hình lên bức tường bằng những chất liệu vứt bỏ như vỏ chai, vỏ xe, chay nước... để trồng hoa cho bức tường sinh động. Đồng thời dạy cho học sinh tình yêu thiên nhiên, giảm thiểu rác thải nhựa. Ngoài ra, giáo dục cho các em học sinh ý thức vệ sinh môi trường, yêu thiên nhiên, trong đó lồng ghép tuyên truyền giảm thiểu rác thải nhựa. "Những chậu hoa đều làm bằng nhựa, thứ mà người dân sử dụng xong rồi vứt đi gây ô nhiễm môi trường. Các thầy cô tận dụng nó trang trí trồng hoa để tô điểm trong bức tranh", chị Mơ bộc bạch.
Bà Nguyễn Thị Thạch, Phó hiệu trưởng trường tiểu học Tân Long 1 cho biết, qua những bức tranh này nhằm giáo dục các em học sinh về kỹ năng sống, vì những cây xanh tốt cần có sự chăm chút hằng ngày, mỗi mảng có chủ đề riêng mang tính giáo dục sâu sắc cho các em.