Bí thư Thành ủy xin lỗi dân làng cổ

Bí thư Thành ủy xin lỗi dân làng cổ
TP - Ngày 21/5, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã dẫn đoàn công tác về làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) để lắng nghe ý kiến người dân nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm.

> Đối thoại với dân làng Đường Lâm
> Bí thư Hà Nội nói về vụ dân Đường Lâm 'trả di tích'

Khổ vì “làng di sản”

Ngay từ sáng sớm, đoàn công tác do Bí thư Thành ủy Hà Nội dẫn đầu đã có mặt tại làng cổ Đường Lâm. Ngoài đông đảo cánh phóng viên báo chí, tham gia đoàn công tác còn có rất nhiều nhà khoa học, các nhà quản lý trong lĩnh vực văn hoá. Đối với người dân làng cổ, khi hay tin người đứng đầu Thành ủy về thị sát nên từ sáng sớm, đông đảo bà con từ già tới trẻ đã tập trung có mặt ở đầu làng.

 Tôi xin thay mặt cơ quan quản lý xin lỗi và chia sẻ những bức xúc với người dân. Những bất cập như trên có phần trách nhiệm của các cấp các ngành. Mỗi nơi có một trách nhiệm khác nhau nhưng tổng hợp lại chúng ta giải quyết chậm.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị

Với người dân làng di sản thuần nông, họ rất tự hào khi đón nhận di tích làng cổ đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, từ đó cái từ làng cổ cũng đè nặng lên đôi vai của nhiều hộ dân nơi đây. Chính vì thế, khi thấy phóng viên và đoàn công tác đến, nhiều người dân sẵn sàng mời vào nhà để trình bày những khó khăn mà họ phải chịu đựng gần chục năm qua.

Nhiều người còn cầm lá đơn kiến nghị trên tay chạy theo đoàn công tác để tận tay đưa cho Bí thư Thành ủy nhằm giãi bày nguyện vọng muốn nhà nước tìm ra cơ chế phù hợp với cuộc sống của họ và phát huy được giá trị văn hóa của ngôi làng cổ.

"Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc để có nhà để ở ổn định, chứ ở lâu thế này chúng tôi chịu hết nổi”, bà Giang Tú Oanh, một người dân làng Đường Lâm nói. “Việc người dân bức xúc về điều kiện sống thì lâu lắm rồi, do không chịu được nữa nên mới bùng ra. Chỉ vì xây nhà không đúng quy định mà bị cắt điện, cắt nước”, bà Oanh trình bày với Bí thư Phạm Quang Nghị.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) những bức xúc của người dân trong làng là hoàn toàn chính đáng.

Phải vận dụng cho phù hợp

Theo báo cáo của UBND thị xã Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm được xếp hạng “Di tích kiến trúc-nghệ thuật cấp quốc gia” ngày 28/11/2005. Hiện có 1.500 hộ với hơn 6.000 nhân khẩu đang sinh sống tại khu vực di tích làng cổ.

Cụ thể, theo Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Đặng Vũ Nhật Thăng, làng cổ Đường Lâm là một quần thể di tích có mật độ dày đặc với 50 di tích có giá trị, trong đó, nhiều di tích đã được nhà nước xếp hạng gồm 7 di tích cấp quốc gia, 2 di tích và 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp tỉnh. Ngoài ra, ở đây còn lưu giữ được 37 ngôi nhà cổ giá trị đặc biệt có niên đại 200-400 năm, 74 ngôi nhà cổ loại 1.

Lãnh đạo thị xã Sơn Tây cho biết, trong 8 năm qua, chưa thực hiện giãn các hộ dân trong khu vực di tích làng cổ (hiện nay có khoảng 320 hộ cần phải giãn dân; dự kiến đến năm 2020 có khoảng 300 hộ nữa cần giãn dân). Bên cạnh đó, hiện trong làng cổ Đường Lâm tồn tại nhiều công trình xây dựng sai phép.

“Chúng tôi đã lập biên bản xử lý 89 hộ xây dựng nhà ở vi phạm, đình chỉ 71 hộ, tuyên truyền vận động 24 hộ dân tự tháo dỡ công trình vi phạm, cưỡng chế dỡ bỏ tầng hai 1 hộ thuộc khu vực I của di tích. Riêng trong quý I/2013, trong khu vực di tích làng cổ có 22 hộ dân xây dựng, trong đó có 3 hộ xây dựng, sửa chữa nhà sai quy định tập trung ở thôn Mông Phụ”, lãnh đạo thị xã Sơn Tây nói.

Trước những thực tế của làng cổ Đường Lâm, PGS Đặng Văn Bài- Phó Chủ tịch hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, việc người dân phản ứng với di tích như làng cổ Đường Lâm không phải là cá biệt.

“Ngay ở Hội An lúc đầu cũng có những vướng mắc nhưng nhờ có chính sách phù hợp nên đã xử lý hài hòa giữa lợi ích của người dân và việc bảo vệ di sản. Theo tôi, chính quyền phải gần dân hơn để cảm thông, chia sẻ khó khăn vướng mắc với họ”, ông Bài nói.

GS Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng di sản Văn hóa Quốc gia cho biết: “Không phải xếp hạng di tích để rồi làm khó cho dân. Đã là di tích thì cấp tỉnh, quốc gia hay thế giới đều phải tôn trọng như trong Luật Di sản quy định. Hôm nay đến đây tôi chia sẻ những bức xúc của người dân. Nhưng trong di tích ai cũng xây nhà cao, cửa rộng liệu du khách có tìm đến nữa không. Để giải quyết vấn đề này cách tốt nhất là gắn quyền lợi và nghĩa vụ của người dân với di tích”.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, thành phố rất chia sẻ những khó khăn của người dân Đường Lâm, vì phải làm trách nhiệm của “người dân di tích” mà phải chịu đựng rất nhiều khó khăn.

“Vì sự chậm trễ đối với sự việc ở làng cổ Đường Lâm, tôi xin thay mặt cơ quan quản lý xin lỗi và chia sẻ những bức xúc với người dân. Những bất cập như trên có phần trách nhiệm của các cấp các ngành. Mỗi nơi có một trách nhiệm khác nhau nhưng tổng hợp lại chúng ta giải quyết chậm. Thời gian qua chưa quan tâm một cách rốt ráo, kịp thời phù hợp với di sản văn hóa có tính đặc thù rất cao. Tinh thần tới đây phải có sự vận dụng rất linh hoạt. Những gì không thay đổi được thì buộc phải chấp hành nhưng có những vấn đề phải vận dụng cho phù hợp với thực tiễn... Đây là việc lớn, là việc khó phải tháo gỡ dần dần, phải có lộ trình bước đi nhưng tinh thần phải khẩn trương, phải tích cực”, ông Phạm Quang Nghị nói.

Bí thư Thành ủy yêu cầu trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay tại làng cổ Đường Lâm. Trước tiên, cần khẩn trương hoàn thành Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm.

Đồng thời, hoàn thành dự án quy hoạch xây dựng khu tái định cư để tổ chức giãn các hộ dân trong khu vực di tích làng cổ; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh phí trong việc giao đất giãn dân, tu sửa nhà ở, hỗ trợ vốn phát triển kinh tế hộ gia đình trong khu vực làng cổ.

“Hiện nay cần phải tập trung vào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; mặt khác cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để có được sự đồng thuận của nhân dân”, ông Phạm Quang Nghị nhấn mạnh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.