> Được rót hàng chục tỷ đồng, trường vẫn vắng sinh viên
Gần đây, khu nhà tập thể giáo viên Trường THPT Tứ Kiệt (Cai Lậy, Tiền Giang) đón thêm một thành viên khá “đặc biệt” vào cư trú, đó là em Võ Thị Huỳnh Như - học sinh lớp 12A1 của trường. Nghe Như kể về hoàn cảnh cũng như bước đường đầy gian nan trong việc tìm chữ, chúng tôi ngỡ như là một câu chuyện cổ tích giữa đời nay.
Dù cuộc sống khó khăn, nơi ở không ổn định nhưng Huỳnh Như vẫn quyết tâm bám trường, bám lớp, hy vọng sau này có tương lai tươi sáng hơn.. |
Vừa học, vừa tìm chỗ nương thân
Cha và mẹ Huỳnh Như chia tay khi em vừa học xong mẫu giáo. Mẹ Như là chị Nguyễn Thị Thúy phải dắt 2 con về nương tựa nhà ngoại. Hàng ngày, mẹ Như đi bán vé số để nuôi con. Vé số ế ẩm, cụt vốn nên mẹ của Như bỏ nghề đi giúp việc nhà một người ở Đồng Tháp. Do bà ngoại già, lại có ông cậu ruột bị bệnh tâm thần hay phá phách nên bà ngoại gửi hai chị em Như cho dì Năm nuôi.
Ở dưới dì Năm được 2 năm, ông dượng cứ đuổi hoài, có hôm nửa đêm đem quần áo, đồ đạc của hai em Như quăng ra ngoài sân đuổi đi. Thương cháu, dì Năm của Như chỉ biết ôm hai cháu khóc. Chị em Như lại phải đến nương nhờ nhà ông cậu ruột ở Cai Lậy để tiếp tục đi học. Tuy nhiên, hai chị em Như sống yên ổn được vài năm, đến cuối năm lớp 11, cậu Như bị bệnh mất, hai em lại không có chỗ nương tựa.
Mẹ của Như từ Đồng Tháp trở về đi làm thuê cho một người ở xã Đông Hòa Hiệp, Cái Bè. Ông chủ thấy hai chị em Như không chỗ ở nên bảo với chị Thuý đưa hai chị em Như về ở chung. Từ ngày Như về ở nhờ nhà ông chủ ở Cái Bè, hàng ngày Như đi học rất xa, cả đi lẫn về gần 50 cây số. Hiểu được hoàn cảnh của gia đình, thương mẹ vất vả, Như luôn tự nhủ phải cố gắng học tập với mong ước sau này có một nghề nghiệp ổn định trả hiếu cho mẹ và giúp đứa em trai học nghề.
Bất ngờ, tai hoạ ấp xuống ngày 10/4/2013, trên đường đi học về Như bị tai nạn giao thông. Mọi người đưa Như đi cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy. Ở đây các bác sĩ chẩn đoán em bị chấn thương đầu và cho nhập viện ở khoa sọ não. Em nằm ở đây điều trị 1 tuần lễ, sau đó gia đình túng tiền nên xin chuyển về BV Đa khoa Tiền Giang điều trị cho đỡ tốn kém.
Sau 3 tuần lễ nằm điều trị, Như được các bác sĩ cho xuất viện. Tuy nhiên, sức khỏe của Như còn yếu, lại bị chấn thương đầu, các bác sĩ khuyên em phải nghỉ ngơi không được tập trung suy nghĩ nhiều, tốt nhất là Như phải tạm gác việc học hành.
Trốn mẹ, vượt gần 50km đi ôn thi
Từ ngày vào ở nhà tập thể với các cô giáo, Như thầy sức khoẻ tố hơn, nhất là được cô Loan tận tình chỉ bảo bài vở Như thấy rất an tâm trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. . |
Dù sức khoẻ không tốt, Như thường xuyên bị nhức đầu mỗi khi tập trung suy nghĩ, hoặc đi ra ngoài nắng. Nhưng Như vẫn xin mẹ đến trường để dự thi lại học kì 2 (do Như nằm viện nên chưa thi) và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Thấy Như còn yếu, mẹ của Như không cho em đi học nữa sợ ảnh hưởng đến sức khỏe thì khổ cả nhà.
“Ở nhà, nhìn các bạn đến trường em buồn lắm, nhất là mỗi khi em suy nghĩ đến công sức của mẹ vất vả nuôi em 12 năm ăn học, bỗng chốc tiêu tan hết, em không đành lòng! Bởi vậy, mấy tuần trước em đợi mẹ đi làm không có nhà, em đón xe buýt đến trường dự thi lại học kỳ 2. Sau khi có kết quả thi lại, em đủ điểm dự thi tốt nghiệp, em tiếp tục đến trường ôn tập chuẩn bị thi tốt nghiệp. Nhưng việc đi học lại em chỉ giấu mẹ được 1,2 tuần đầu thì mẹ cũng phát hiện. Mẹ em lên trường nhờ thầy cô vận động cho em chịu nghỉ học, ở nhà nhưng rất may các thầy cô lại tạo điều kiện cho em tiếp tục bám lớp, bằng cách cho em vào ở nhà tập thể của các thầy cô” - Huỳnh Như chia sẻ
Thấy Như quá ham học, nếu cho em nghỉ có lẽ Như sẽ buồn và bị sốc. Nhà Như thì quá xa, đi lại không tiện. Mẹ đi làm thuê, lại không có xe để đưa đón nếu để Như đi một mình thì sợ sức khỏe không đảm bảo. Cô chủ nhiệm Huỳnh Thị Cẩm Loan đề nghị nhà trường và mẹ của Như cho em xuống ở nhà tập với các cô giáo, vừa tiện việc ăn ở, cũng tiện việc các cô giáo bồi dưỡng thêm cho Như. Giải pháp này liền được mọi người chấp nhận.
Thế là, Như đem hành lí và sách vở đến “nhập hộ khẩu” với các cô giáo ở nhà tập thể Trường THPT Tứ Kiệt. Buổi sáng, em đến lớp ôn bài cùng các bạn. Tối về, em được các cô chỉ bài thêm. Như cho biết: Các thầy cô ở đây rất thương và chăm sóc em tận tình, nhất là cô chủ nhiệm. Hàng ngày, các cô nấu cơm cho em ăn, mua thức ăn để em bồi dưỡng cho có sức khỏe, bảo em đừng tạo áp lực cho mình, chỉ bài cho em học…
Ngoài ra, Như cũng cho biết từ ngày ở nhà tập thể, không phải vượt quãng đường gần 50km đến trường giữa cái nắng như thiêu đốt, nhất là được thầy cô quan tâm, được ăn uống đầy đủ, không khí thoáng mát nên em không bị nhức đầu như trước nữa, tiếp thu bài cũng tốt hơn. Mỗi ngày Như luôn khuyên mình phải cố gắng học thật tốt đạt kết quả cao trong những kì thi quan trọng sắp tới và bước tiếp vào cánh cửa đại học. Theo Như đây là một cách em tri ân thầy cô, bạn bè và mẹ.
Cô Huỳnh Thị Cẩm Loan cho biết: “Hoàn cảnh gia đình của Như nghèo, gặp nhiều khó khăn nhưng em vẫn nỗ lực học tập trong suốt 12 năm qua là một tấm gương đáng khen. Bởi vậy, thời gian qua, các thầy cô, ban giám hiệu nhà trường tìm nhiều phương cách để giúp được Như hoàn thành ước mơ".
Theo Dân trí