Bí quyết thành công của ngành dược Ấn Độ

Bí quyết thành công của ngành dược Ấn Độ
TP - Nhiều năm nay, Ấn Độ ít khi chấp nhận bằng sáng chế của những công ty dược nước ngoài vì cho rằng những công ty này chỉ thay đổi các sản phẩm chút xíu để kiếm thêm lợi nhuận.

> Kiếm lợi nhuận từ mục đích cộng đồng
> Chưa nhập khẩu vaccine cúm mùa bị thu hồi của Novartis

Ấn Độ từ chối công nhận bằng sáng chế của nhiều hãng dược đa quốc gia. Nguồn: Corbis
Ấn Độ từ chối công nhận bằng sáng chế của nhiều hãng dược đa quốc gia. Nguồn: Corbis.

Bằng cách đó, Ấn Độ giúp ngành công nghiệp dược trong nước phát triển mạnh cũng như mang lại cơ hội mua thuốc giá rẻ cho hàng triệu người dân.

Trong một phiên xử tại Toà án tối cao Ấn Độ tại khu vực trung tâm của New Delhi, thẩm phán Aftab Alam tóc bạc và đội ngũ luật sư mặc áo choàng đen đang chuẩn bị cho phiên xử quanh vụ tranh chấp pháp lý giữa hãng dược Thụy Sĩ Novartis và nhà nước Ấn Độ.

Chiêu “độc” quanh bằng sáng chế

Suốt 6 năm qua, Novartis kiên trì theo đuổi đề nghị chính quyền và các toà án ở Ấn Độ công nhận bằng sáng chế cho loại thuốc chữa ung thư Glivec của hãng. Loại thuốc này đã mang về nhiều tỷ USD cho Novartis, từ khi nó được cấp phép năm 2001.

Gần 40 nước, trong đó có Trung Quốc và Nga, đã công nhận bằng sáng chế của hãng dược Thuỵ Sĩ, nhưng Ấn Độ thì không.

Văn phòng Bằng sáng chế Ấn Độ cho rằng loại thuốc này không thực sự mới, mà chỉ thay đổi một chút từ loại thuốc đã có trước đó.

Những tổ chức phi chính phủ như Medecins Sans Frontieres (MSF - còn gọi là Tổ chức Các bác sĩ không biên giới) cáo buộc Novartis cố gắng mở rộng độc quyền đối với Glivec thêm 20 năm nữa bằng cách thay đổi chút xíu loại thuốc đang bán trên thị trường.

Đạo luật bằng sáng chế của Ấn Độ sửa đổi năm 2005 không cho phép hành vi này.

Phiên toà tại Tòa án tối cao Ấn Độ không chỉ để đưa ra phán quyết về một loại thuốc, mà nói lên một vấn đề lớn mà nhiều hãng dược đa quốc gia đang vấp phải.

Một mặt, các công ty dược đa quốc gia đang theo đuổi mục tiêu mở rộng thị phần ở tiểu lục địa, nơi có 1,2 triệu dân có đời sống và thu nhập ngày càng cao hơn.

Mặt khác, ngành công nghiệp dược của Ấn Độ đang tận dụng cơ hội từ những cuộc tranh chấp bằng sáng chế của các hãng dược phương Tây để sản xuất ra những sản phẩm tương tự nhưng có giá rẻ hơn.

MSF đã cảnh báo vai trò của Ấn Độ trong nỗ lực mà họ gọi là “dược phẩm cho người nghèo” có thể sẽ chịu tổn thất nếu Novartis chiến thắng tại Toà tối cao.

Những công ty Ấn Độ đang sản xuất ra nhiều loại dược phẩm giá cả phải chăng, phù hợp với túi tiền của cả người nghèo.

Ví dụ, ở châu Phi, thuốc giá rẻ của Ấn Độ đang đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống dịch AIDS. Hơn 80% bệnh nhân AIDS được những tổ chức nhân đạo như MSF điều trị đều bằng thuốc sản xuất ở Ấn Độ.

Trong phiên xử tại Toà tối cao, luật sư của hãng dược Ấn Độ Cipla sử dụng lý lẽ tương tự và những câu xưng hô cực kỳ tôn kính như “thưa lệnh bà/lệnh ông” để thuyết phục các thẩm phán.

Đại diện Ấn Độ cũng ý thức rất rõ về vai trò của họ khi đất nước đang nỗ lực theo kịp nền công nghiệp của phương Tây.

Ranjit Shahani, giám đốc quản lý của Novartis Ấn Độ, cho rằng, vì Ấn Độ thiếu hệ thống công nhận bằng sáng chế hiệu quả nên nhiều hãng dược đa quốc gia đã thôi đầu tư vào cơ sở nghiên cứu và phát triển tại Ấn Độ. Nguồn: Agentur Focus
Ranjit Shahani, giám đốc quản lý của Novartis Ấn Độ, cho rằng, vì Ấn Độ thiếu hệ thống công nhận bằng sáng chế hiệu quả nên nhiều hãng dược đa quốc gia đã thôi đầu tư vào cơ sở nghiên cứu và phát triển tại Ấn Độ. Nguồn: Agentur Focus.

Không chỉ Novartis, nhiều hãng dược lớn khác của phương Tây cũng yêu cầu toà án công nhận bằng sáng chế của họ tại thị trường Ấn Độ.

Nếu chiến thắng, họ sẽ được tiếp cận thị trường với dân số đang già đi, người dân ngày càng giàu hơn, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, đang có nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại thuốc chữa những bệnh liên quan mức sống, như tiểu đường, bệnh tim mạch…

Thị trường dược Ấn Độ đang tăng trưởng 10% mỗi năm. Ấn Độ đứng trong top 10 nước có lượng thuốc tiêu thụ nhiều nhất thế giới.

Công ty tư vấn quản lý PricewaterhouseCoopers dự đoán thị trường thuốc Ấn Độ sẽ đạt giá trị 74 tỷ USD vào năm 2020, tăng gấp 5 lần so với năm 2011.

Xương sống kinh tế của tiểu lục địa không chỉ là những tổng đài điện thoại và các hãng phần mềm, mà còn là hơn 10.000 hãng dược.

Ấn Độ đang vươn ra thị trường toàn cầu không chỉ với nhiều sản phẩm phong phú, mà còn xây dựng cơ sở ở châu Âu và Mỹ hoặc mua cổ phần của các công ty ở những nơi này.

Tại thị trường nội địa, Ấn Độ đang tìm mọi cách có thể để bảo vệ những công ty dược trong nước khỏi các đối thủ nước ngoài. Hãng dược khổng lồ Pfizer và Roche gần đây đã thua kiện khi yêu cầu được công nhận bằng sáng chế ở Ấn Độ.

Hồi đầu năm nay, Văn phòng Bằng sáng chế Ấn Độ từ chối công nhận bằng sáng chế của hãng dược Bayer của Đức đối với loại thuốc ung thư Nexavar, từ đó mở đường cho hãng Natco của Ấn Độ sản xuất loại thuốc tương tự.

Để hợp thức hóa điều này, Ấn Độ viện dẫn Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của sở hữu trí tuệ (TRIPS), trong đó các nước có thể cấp giấy phép bắt buộc để yêu cầu sản xuất loại thuốc nào đó trong trường hợp có tình huống khẩn cấp liên quan sức khỏe cộng đồng, như bệnh dịch…

Đây là cách để bảo vệ ngành công nghiệp dược trong nước. Trong bất kỳ trường hợp nào, chính phủ Ấn Độ cũng tìm cách giảm mạnh giá của các loại thuốc nước ngoài như thuốc Nexadar của Bayer.

Những ai dùng loại thuốc nguyên bản của Bayer sẽ phải trả tới 5.200 USD mỗi tháng, nhưng người dùng thuốc tương tự của Ấn Độ sẽ chỉ tốn 160 USD/tháng.

Mức giá đó vẫn còn khá đắt đối với người Ấn Độ, vì thu nhập bình quân đầu người mỗi năm của họ chỉ có 1.514 USD. Ngoài ra, nhiều vùng nông thôn vẫn thiếu bác sĩ và bệnh viện.

Ngay cả ở thủ đô New Delhi, hệ thống chăm sóc sức khỏe vẫn chưa đủ sức khám chữa bệnh cho quá đông bệnh nhân nghèo.

Những bệnh viện tốt nhất như Safdarjang luôn có hàng dài bệnh nhân chờ tới lượt. Nhiều người buộc phải cắm trại trên vỉa hè đầy bụi dưới cái nắng như thiêu như đốt.

Robin Hood của ngành dược

Theo nhiều nhà phân tích, các nhà làm chính sách phải chịu trách nhiệm một phần về điều này. Ấn Độ chi chưa tới 2% ngân sách cho hệ thống chăm sóc sức khoẻ, ít hơn nhiều so với nhiều nước châu Á. Nhưng vụ tranh chấp hiện tại không liên quan mấy đến nhu cầu của người dân, mà liên quan các bằng sáng chế và lợi nhuận.

Ông Yusuf Hamied được coi là Robin Hood của ngành dược Ấn Độ. Nguồn: Spiegel Online
Ông Yusuf Hamied được coi là Robin Hood của ngành dược Ấn Độ. Nguồn: Spiegel Online.

Trong phòng làm việc của ông Yusuf Hamied (76 tuổi), Tổng giám đốc điều hành của hãng dược Cipla, còn treo một bài bức ảnh đen trắng chụp người sáng lập công ty, và cũng là cha ông, đang đứng cạnh Mahatma Gandhi trong chuyến thăm của vị lãnh tụ tới công ty vào năm 1935.

Gia đình nhà Hamied liên quan mật thiết với cuộc đấu tranh giành độc lập khỏi thực dân Anh, và ông Hamied cảm thấy mình có bổn phận phải gìn giữ di sản đó.

Kể từ khi thành lập vào năm 1935, Cipla không ngừng lớn mạnh thành một hãng dược lớn, với doanh thu mỗi năm lên tới 1,4 tỷ USD, và hơn một nửa là từ doanh số bán ở nước ngoài.

Hamied thách thức các hãng dược lớn từ 11 năm trước, khi tung ra những loại thuốc điều trị HIV riêng với giá bán tương đương giá thành. Vì thế, ông được nhiều người phong là Robin Hood của ngành công nghiệp dược.

Đầu những năm 1970, chính Hamied đã thuyết phục Thủ tướng hồi đó là Indira Gandhi phá vỡ thế thống trị của các công ty dược đa quốc gia ở Ấn Độ.

Quyết định của Gandhi đã đánh dấu kỷ nguyên vàng cho những công ty dược nội như Cipla vì họ được quyền sản xuất những dược phẩm tương tự như của phương Tây với giá bán rẻ hơn 90%.

Tuy nhiên, từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2004, Ấn Độ đồng ý thừa nhận quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm cả bằng sáng chế dược.

Hamied cho biết, về cơ bản ông cũng thừa nhận bằng sáng chế, vì bản thân ông cũng là một nhà hoá học.

Tuy nhiên, ông cho rằng, những bằng sáng chế chỉ để kéo dài bằng sáng chế đã được cấp bằng cách thay đổi chút xíu thành phần của thuốc thì thật là ngớ ngẩn.

Cách đây vài tuần, thẩm phán Alam chỉ trích giá bán quá cao của thuốc ung thư Glivec (hơn 2.200 USD, dùng cho một tháng).

“Giá thuốc ở Ấn Độ đã quá cao”, vị thẩm phán nói, và khuyên luật sư đại diện cho Novartis rằng hãng này chỉ nên “bán với giá dưới 1 USD”. Nếu làm được như vậy thì Novartis có thể đánh bại mọi đối thủ.

Gia Tùng
Theo Spiegel, Delhi News

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.