> Chiến thắng nỗi đau bằng đôi tay tật nguyền
> Minh 'đầu búa' kể chuyện học Harvard
Lê Văn Bảy đang giới thiệu mô hình chăn nuôi lợn. Ảnh: N.H. |
Nhà Bảy ở cuối thôn Ngọn Ngòi (xã Minh Quân, Trấn Yên, Yên Bái). Từ UBND xã Minh Quân, hỏi vào nhà đại gia rừng xanh ai cũng biết. Lần mãi con đường nhỏ bên vực, bên núi cả tiếng mới thấy ngôi nhà 2 tầng của Bảy thấp thoáng giữa vùng rừng núi.
Mặt trời đứng bóng, Bảy lọt thỏm giữa khu chuồng trại rộng lớn cùng người giúp việc đang hí húi xúc từng tô cám cho đàn lợn ăn trưa và tắm rửa. Hơn 30 gian chuồng trại với khoảng 350 con lợn nhưng không có mùi hôi thối.
Bảy chỉ tay ra phía sau nói: “Toàn bộ phân thải đã được xử lý bioga tạo ra điện, lửa cho sinh hoạt trong gia đình”. Mới 24 tuổi, Bảy đã có 2 trang trại lợn với 350 con/ lứa, 15ha rừng trồng keo, bạch đàn, bồ đề, chè và 2 ha ao nuôi cá, tạo việc làm cho nhiều thanh niên trong xã.
Bố là thương binh hạng nặng, mẹ già lại phải nuôi hai anh ăn học, nên năm 2007 Bảy nghỉ học giữa chừng. Thanh niên trong làng rủ nhau rời quê ra thành phố làm công nhân, phụ hồ. Bảy cũng vậy, nhưng biết tích cóp để có vốn làm ăn. Minh Quân là xã miền núi, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, tự cung tự cấp vì thế Bảy quyết định vay vốn đầu tư sản xuất đưa sản phẩm thành hàng hóa.
Nhờ bố mẹ đứng ra vay vốn, Bảy bắt tay xây chuồng trại với phương châm hai tự: tự mày mò kỹ thuật, tự xây dựng cơ ngơi. Đổ gạch bằng xi măng, cát, đá chở từ ngoài suối về, Bảy tự tay xây dựng được 100m2 chuồng trại trong vòng 5 tháng. “Không có điện thắp sáng, có khi tôi chong đèn đổ gạch cả đêm vì muốn nhanh chóng thực hiện kế hoạch”, anh chia sẻ.
May mắn năm đó tỉnh Yên Bái có chính sách hỗ trợ chăn nuôi theo hướng hàng hóa quy mô tập trung, Bảy đăng ký xây dựng mô hình thử nghiệm 100 con/lứa và được mời đi tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật. Năm 2009, lứa lợn đầu tiên thu hoạch với 26 tấn cộng với ao cá, Bảy thu về hơn 900 triệu đồng, lãi gần 250 triệu đồng. “Vừa làm vừa lo không ngờ thành công lứa lợn đầu tiên, tôi mừng phát khóc”, Bảy chia sẻ. Có tiền lãi, anh tiếp tục tái đầu tư.
Nói về bí quyết thành công, Bảy cho rằng phần lớn là nhờ triết lý quay vòng theo chu trình khép kín. Bảy nuôi lợn để lấy phân bón cây trồng và khí bioga để sưởi ấm cho chăn nuôi, phục vụ sinh hoạt gia đình. Ao cá cũng nuôi kết hợp các tầng nước để nuôi đủ loại.
Trồng rừng cũng trồng xen canh cây ngắn ngày và dài ngày để luôn có nguồn thu. “Cũng như con người sống thọ nhờ môi trường, chăn nuôi cần tạo môi trường sạch”, Bảy nói. Vì thế, trong 3 năm qua, gia súc của Bảy không bị dịch bệnh.
Riêng năm 2010, tổng các khoản thu từ mô hình trang trại của Bảy đạt trên 2 tỷ đồng. Ngôi nhà ngói 3 gian cũ nát giờ đây được thay bằng ngôi nhà 2 tầng khang trang giữa rừng cây xanh lộng gió.
Bí thư Đoàn xã Lê Thị Hạnh cho biết, xã có 52 ĐVTN chủ yếu đi làm ăn xa. Số thanh niên ở nhà, có hai người phát triển mô hình kinh tế nhưng chỉ có Bảy thành công nhờ chịu khó, quyết tâm cao.