Kriangkrai Techamong đang đánh cược mạng sống của mình. Tội trộm cắp có thể phải nhận hình phạt chặt tay ở Ảrập Xêút nhưng vụ trộm của Kriangkrai không phải vụ thường. Ông để mắt tới hàng tá đá quý, nữ trang của chủ nhân – con cả của Quốc vương Fahd của Ảrập Xêút.
Trộm gần 30 kg châu báu
Làm công việc lau dọn, Kriangkrai biết từng ngóc ngách lâu đài của hoàng tử Faisal. Ông biết rằng, 3 trong 4 két sắt chứa đồ kim hoàn của hoàng tử thường không khóa. Ông đang nợ ngập đầu vì liên tục thua bạc khi chơi cùng đồng nghiệp trong cung điện.
Một buổi tối, ông tạo cớ ở lại trong cung điện vào buổi tối, chờ cho các nhân viên khác về hết, lẻn vào phòng ngủ của hoàng tử, lấy vài món ngọc ngà châu báu gắn vào người bằng băng dính. Ông cũng giấu mấy viên ngọc bên trong đồ quét dọn, trong đó có máy hút bụi.
Cuối cùng, ông lấy được gần 30 kg châu báu trị giá xấp xỉ 20 triệu USD, trong đó có đồng hồ vàng, đá đỏ (ruby) màu mận. Tối đó, Kriangkrai giấu đồ trộm được ở khắp nơi trong cung điện. Một tháng sau, ông giấu chúng trong một kiện hàng lớn gửi về quê nhà ở Thái Lan.
Vào thời điểm vụ trộm bị phát hiện, Kriangkrai đã trốn thoát về Thái Lan. Nhưng ông phải đối mặt một thách thức khác: làm sao lấy được kiện đồ ăn trộm từ hải quan Thái Lan. Tất cả đồ nhập từ nước ngoài phải qua kiểm tra khi về đến Thái Lan. Kriangkrai nhét một phong bì đầy tiền cùng tờ giấy ghi chú vào trong kiện hàng. Tờ ghi chú viết kiện hàng chứa văn hóa phẩm đồi trụy, mong đừng lục soát.
Kế hoạch mua chuộc thành công nhưng Kriangkrai không trốn công lý được mãi. Tháng 1/1990, ông bị bắt tại nhà mình ở tỉnh Lampang (miền bắc Thái Lan) sau khi cảnh sát Ảrập Xêút thông báo cho cảnh sát Thái Lan về vụ trộm.
Cảnh sát nhanh chóng thu hồi đồ châu báu mà Kriangkrai giữ ở nhà hoặc đã bán. Nhưng trong khoảng thời gian thu hồi đồ ăn trộm và trả về thủ đô Riyadh của Ảrập Xêút, một tội ác khác xảy ra.
Cảnh sát Ảrập nói rằng, vẫn còn thiếu khoảng 80% món đồ bị đánh cắp và nhiều đồ quý được trả lại là hàng giả. Sau đó, có các bức ảnh được phát tán cho thấy vợ của một quan chức cấp cao Thái Lan đeo vòng cổ giống chiếc bị mất. Và một món đồ biến mất khiến nhiều người hoảng hốt. Đó là viên kim cương xanh 50 carat quý hiếm to cỡ quả trứng.
Vụ việc có lẽ sẽ kết thúc với việc Kriangkrai bị kết án tù dưới 3 năm và Ảrập Xêút than phiền về sự biến mất của kho châu báu của hoàng tử, đặc biệt là viên kim cương xanh. Nhưng không, vụ điều tra có bước ngoặt đẫm máu. Đầu tháng 2/1990, hai cán bộ công tác tại bộ phận visa của Đại sứ quán Ảrập Xêút ở Thái Lan đang lái xe về tòa nhà ở thủ đô Bangkok, cách nhà khoảng 800 mét thì bị bắn chết. Cùng khoảng thời gian đó, một tay súng khác vào căn hộ của đồng nghiệp của một trong hai nạn nhân và bắn chết ông này.
Vài tuần sau đó, một doanh nhân Ảrập Xêút tên là Mohammad al-Ruwaili được phái đến Bangkok để điều tra vụ đồ kim hoàn bị mất. Nhưng ông này bị bắt cóc và đến nay người ta vẫn chưa tìm thấy tông tích hay thi thể của nạn nhân.
Có nhiều giả thiết về các vụ giết người. Theo một thư tín ngoại giao do phó phái đoàn ngoại giao ở Đại sứ quán Mỹ tại Thái Lan viết năm 2010 (sau đó bị rò rỉ trong vụ Wikileaks), việc ba nhà ngoại giao Ảrập Xêút bị bắn chết “gần như chắc chắn là một phần của mối thù hận Ảrập với Hezbollah”. Hezbollah là nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Shia ở Li-băng.
Hạnh phúc đích thực
Kriangkrai đang lo lắng. Đã 28 năm từ khi ông mãn hạn tù, 30 năm từ khi thực hiện vụ trộm và giờ đây sinh sống ở tây bắc Thái Lan. Vài ngày qua, phóng viên BBC đã theo các nguồn tin và cuối cùng tìm được ngôi nhà nhỏ của ông. Ông liên tục hỏi phóng viên là có cảnh sát bên ngoài không, rồi nói chuyện giữa đồng lúa.
“Những chuyện đã xảy ra là ác mộng với tôi”, ông nói. “Sau khi tôi bị bắt, tôi cảm giác rằng mình bị mất trí. Tôi hoảng loạn suốt. Thứ duy nhất trong đầu là tôi sẽ không thể sống sót. Tôi nghĩ nhiều người muốn tôi biến mất hoặc muốn giết tôi. Tôi không ngủ được tí nào suốt một tuần”, ông kể.
Kriangkrai nói mình không biết tội trộm cắp mà ông phạm phải lại dẫn tới hậu quả lớn đến thế. “Khi cảnh sát tìm thấy tôi, tôi đầu hàng. Tôi cũng trả lại đồ châu báu và giúp họ lấy lại những thứ tôi đã bán. Nhưng nếu mấy ông lớn ở Thái Lan không dính dáng thì chuyện đã không lớn đến vậy”, ông nói.
Ngay sau khi mãn hạn tù (án 5 năm giảm xuống còn 2 năm 7 tháng), Kriangkrai đổi họ để con trai khỏi mang tiếng, nhưng vẫn cảm thấy tội lỗi. Tháng 3/2016, ông quyết định quy y, trở thành hoà thượng. Tại lễ xuất gia có sự chứng kiến của báo giới, ông Kriangkrai nói: “Tôi muốn quy y cả đời để xóa bỏ lời nguyền viên kim cương Ảrập và cống hiến cho những người vướng vào nghiệp chướng của tôi và những người bỏ mạng trong các sự kiện đã qua. Tôi muốn mọi người tha thứ cho những gì tôi đã làm”.
Khi tu ở chùa, Kriangkrai vẫn không rũ bỏ được quá khứ. Người ta vẫn tìm đến ông và hỏi ông đang giấu viên kim cương xanh ở đâu (đến nay người ta vẫn chưa tìm được nó). Ở chùa được 3 năm, ông trở về với gia đình ở tuổi 61 và làm ruộng đến nay. “Tôi không có nhiều tiền. Chỉ đủ tồn tại, nuôi sống gia đình. Với tôi, đó là hạnh phúc đích thực”, ông nói khi ngồi trong căn nhà gỗ nho nhỏ.