Bí mật “cò” ngoại binh V-League

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau sự hào nhoáng được tạo nên bởi các ngôi sao, bóng đá Việt Nam vẫn tồn tại những bí mật mà giới mộ điệu ít khi biết đến. Một trong số đó là thị trường chuyển nhượng cầu thủ, cả nội cũng như ngoại binh.

Vụ việc CLB bóng đá Sài Gòn mới đây bị tố “đi đêm” với ngoại binh Victor Mansaray chỉ là 1 trong vô số vụ điển hình cho thấy sự phức tạp trong hoạt động chuyển nhượng cầu thủ ở V-League. Chưa rõ đúng sai giữa các bên nhưng trên thực tế dù đã có các quy định cụ thể, việc đội bóng tiếp xúc trái phép với cầu thủ (hoặc ngược lại) là không hề hiếm. Sài Gòn trước đây dưới thời cựu HLV Vũ Tiến Thành từng không ít lần dính vào những cáo buộc tương tự, dù lần nào ông Thành cũng bác bỏ.

Bí mật “cò” ngoại binh V-League ảnh 1

Ngoại binh Pedro Paulo từng rơi vào rắc rối liên quan chuyển nhượng ở Sài Gòn FC

Không khó hiểu việc chuyển nhượng cầu thủ lại tồn tại nhiều “điểm đen” như vậy. Mỗi bản hợp đồng được ký kết luôn là thương vụ làm ăn béo bở cho các bên liên quan. Đây là mảnh đất làm ăn nhiều màu mỡ đối với Chủ tịch, HLV trưởng các đội bóng và cả đội ngũ “cò” bóng đá. Mức độ cạnh tranh, thậm chí “đấu đá” nhau vì vậy cũng rất cao.

Một cựu tuyển thủ quốc gia khi “trà dư tửu hậu” từng chia sẻ để chấm dứt hợp đồng với 1 đội bóng ở miền Trung qua đó gia nhập đội bóng mới, anh đã phải chấp nhận chi riêng cho Chủ tịch 300 triệu đồng. Hay một trường hợp khác khá nổi tiếng vẫn được dân bóng đá nhắc đến cách đây nhiều năm, một trung vệ khá tên tuổi chỉ nhận được khoảng “lót tay” 500 triệu đồng, dù con số trong hợp đồng lên tới hàng tỷ. Tiền được chi để “bôi trơn” cho các khâu trung gian và những người có quyền ra quyết định ở đội bóng. Chỉ số ít những ngôi sao lớn không bị “cắt phế” nặng khi ký hợp đồng mới nhờ vị thế của mình cũng như có khả năng làm việc trực tiếp với lãnh đạo đội bóng.

Tuy nhiên hầu hết các trường hợp đều phải thông qua trung gian, đặc biệt với các ngoại binh vốn không rành đường đi, nước bước ở V-League. Đây cũng là cơ hội để các “cò” bóng đá kiếm tiền. Không phải ngẫu nhiên, lãnh đạo một số đội bóng luôn có nguồn cầu thủ từ các mối “ruột” lâu năm. Ngoài vấn đề chuyên môn, những nguồn này đảm bảo cho các khoản chi ngoài luồng “đậm” và an toàn. Một tay cò nghiệp dư ở V-League từng hé lộ, để làm môi giới thành công thì trước hết cần có quan hệ, “nắm” được chủ tịch hoặc HLV trưởng các đội bóng.

Ở V-League, ngoại binh đóng vai trò quan trọng về chuyên môn với các đội bóng, vì vậy “cò” cầu thủ ngoại cũng ăn theo rất nhiều. Nghe thì dễ, nhưng làm lại không hề đơn giản. Chuyện “cò” chơi chiêu, tranh chấp nhau là không hiếm. Công chúng chỉ biết đến khi một số vụ bị vỡ ra trên mặt báo còn thực tế, nhiều vụ những người liên quan tự dàn xếp với nhau. Để đưa một cầu thủ nước ngoài về Việt Nam thử việc, “chạy dây” kiếm được hợp đồng, “cò” cũng phải bỏ ra chi phí ban đầu khá lớn, đôi khi mất không.

Để làm ăn ở V-League cũng không đơn giản. Một tay môi giới Brazil mới đây đã tấm tức “tố” với nhiều phóng viên về việc bị một “cò” cầu thủ khá có tiếng của Việt Nam ăn chặn tiền liên quan hợp đồng chuyển nhượng ngoại binh cho 1 CLB lớn tại miền Trung. Vụ việc “chìm xuồng” có thể do đôi bên sau đó dàn xếp được với nhau, nhưng đã có những trường hợp các “cò” liên tục tố cáo nhau trên mạng xã hội, gây xôn xao làng bóng đá.

Có những “cò” thậm chí bị cáo buộc giật dây cầu thủ của mình chơi xấu, thậm chí tiêu cực nhằm gây sức ép lên đội bóng chủ quản. Với những đội bóng giàu kinh nghiệm, lãnh đạo “cứng” thì việc này khó xảy ra hơn. Nhưng những đội bóng mới, lãnh đạo “non tay” luôn là nơi béo bở để “cò” làm ăn.

MỚI - NÓNG
Bến Tre bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh
Bến Tre bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh
TPO - Ngày 6/12, Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh, Khoá X đã hoàn thành nội dung, chương trình sau 2 ngày làm việc. Tài kỳ họp, HĐND tỉnh Bến Tre bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đối với ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Sở Xây dựng và ông Nguyễn Văn Điền - Giám đốc Sở Tài chính.