Gerry Koenig không có phiên trực vào ngày 11/9/2001. Khi nhìn thấy trên truyền hình 2 chiếc máy bay lần lượt lao vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới (WTC), người lính cứu hỏa 43 tuổi đó nhận thấy đây chính là nghĩa vụ của mình.
Ông vội chạy đến Sở Cứu hỏa, nhưng trễ mất 5 phút. Tất cả các xe đều đã xuất phát. Ông phải đi tàu đến WTC. Chính điều đó đã cứu ông. Trên tàu, ông chứng kiến tòa tháp đổ sụp. Khi đến nơi, ông được tin bạn ông, John Bergin, cùng 10 người khác trong đội đã không trở ra.
Cũng như hàng trăm nhân viên cứu hỏa khác trong ngày hôm đó, Gerry sục sạo trong đống đổ nát để tìm kiếm những người sống sót. Giữa hai người còn hơn cả tình bạn, họ đã thề với nhau rằng nếu một người bị tai họa, người kia sẽ chăm sóc cho gia đình của người này.
Khi một người lính cứu hỏa chết vì nhiệm vụ, một người khác sẽ đến giúp đỡ vợ con người ấy vượt qua nỗi đau. Nguyên tắc đó đã có từ hơn một thế kỷ qua, nó như luật bất thành văn, và mọi lính cứu hỏa đều biết rõ.
Ngày hôm sau, Gerry rời "Địa điểm số Không (vị trí của WTC) để đến gặp Madeline Bergin - vợ của John và 3 đứa con dại của bạn. Lúc đầu Mary, vợ Gerry còn khuyến khích anh giúp đỡ Madeline. Chính cô cũng góp một tay, đi chợ, phụ giặt giũ cho gia đình Bergin.
Một cách vô thức, Gerry hành động giống như là để thay chỗ của John. Đó là cách của ông để tạ tội vì đã đến trễ vào ngày 11/9. Nhưng dần dần giữa Madeline và Gerry còn hơn cả hồi ức về John.
Nhiều tin đồn ngoại tình đã lan ra. Trong thế giới của lính cứu hỏa, khó có gì có thể là bí mật lâu dài. Nhưng Mary không tin rằng Gerry có thể lừa dối cô sau những gì mà họ đã cùng nhau vượt qua trước đó không lâu. (Hai người đã chia tay nhau vào tháng 5/2000, nhưng người ta phát hiện Gerry mắc chứng ung thư da. Tin này khiến Gerry bị suy sụp. Đến tháng 8, ông đã quay lại sống cùng với vợ và 2 con. Một năm sau, ông tạo cho vợ một sự bất ngờ khi chở cô lên phía bắc New York, nơi mà ông vừa mua một khoảnh đất và dự tính xây “ngôi nhà mơ ước của họ”)
Một ngày tháng 4/2002, không chịu được nữa nên ông thú nhận với vợ: “Anh và Madeline còn hơn cả bạn bè”.
Theo số liệu chính thức thì có khoảng 8-12 nhân viên cứu hỏa New York đã rời bỏ tổ ấm để chuyển sang gia đình của một người bạn tử nạn. Chỉ riêng trong đội của Gerry đã có 3 trường hợp. Nhưng con số thật có thể lên đến 40. Tình trạng đó được giữ bí mật, vì phía sau thủ tục ly hôn là những món tiền khổng lồ. Vợ một lính cứu hỏa bị nạn sẽ được lãnh từ 5 - 6 triệu USD. Đối với một nhân viên cứu hỏa, điều đó thật cám dỗ. Đó là sự đổi đời.
Nhưng Thomas Von Essen, nguyên trợ lý Thị trưởng New York, vẫn ủng hộ truyền thống tương trợ của lính cứu hỏa. “Rất bình thường nếu họ đến chơi đùa với con cái của một người bạn đã chết hay giúp đỡ cô vợ góa của bạn đóng lại cái bàn".
Von Essen không muốn người ta làm hoen ố thanh danh của các người hùng cứu hỏa. Nhưng dù có tận tâm đến mấy, họ cũng không phải là những nhà tâm lý. Họ không có phép lạ để an ủi các bà vợ góa mà không đùa với lửa". Thế nhưng từ sau vụ khủng bố, giới chức có thẩm quyền đã gia tăng số nhà tâm lý trong nội bộ từ 12 người lên gần 300 người.