Bi hài chuyện gửi xe: Nhà giàu cũng... mếu

Bi hài chuyện gửi xe: Nhà giàu cũng... mếu
Đậu xe ô tô thì phải trả phí nhưng mọi va quệt, hỏng hóc, bị "luộc" đồ... chủ xe đều phải chấp nhận bởi "có chỗ đậu là tốt rồi" đang là tư duy của cả người gửi lẫn người giữ xe hơi tại TP.HCM hiện nay.

TP.HCM hiện có khoảng 70 tuyến đường tổ chức thu phí với mức phí giữ xe ô tô 5.000 đồng/xe/lượt. Quy định là vậy nhưng thực tế hầu hết các chủ nhân xe hơi đều phải trả trung bình là 10.000 đồng. Với tình trạng chỗ đậu xe quý hơn vàng, nhất là tại khu vực trung tâm, kiếm được chỗ đậu xe không hề đơn giản nên việc các chủ nhân xe hơi tìm được chỗ đậu, thường "phóng tay", trả gấp đôi, gấp 3 mức thu hiện hành cũng dễ hiểu. Nắm bắt được tâm lý này, một số người đã không bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền.

Quy định 5.000, thực thu 30.000

Ngày 18.3, chúng tôi đến đường Nguyễn Văn Chiêm (Q.1) thì chỉ còn một chỗ trống duy nhất trước cửa một quán cà phê ngay gần đoạn cắt với đường Hai Bà Trưng, do một chiếc xe hơi vừa dời đi trước đó. Ngay lập tức, bảo vệ quán này nhanh nhẹn bước ra hướng dẫn chúng tôi đậu xe vào khoảng trống còn lại. Thái độ nhiệt tình của anh này khiến chúng tôi "áy náy" vì thực ra điểm đến là quán bên cạnh. Nhưng khi chúng tôi đưa 15.000 đồng (vì cảm kích sự nhiệt tình lúc đầu nên đã có ý trả cao hơn lệ thường) tiền phí đậu xe thì anh này đòi tới 30.000 đồng. Chúng tôi thắc mắc, anh này giải thích: "Tôi mất 10.000 đồng cho đội thu phí rồi, số còn lại là công của tôi".

Nguyên tắc thu tiền thì phải có trách nhiệm trông xe. Nhưng người thu phí nói là họ chỉ thu theo quy định chứ không trông xe. Không thích thì khỏi đậu. Cãi với họ cũng bằng thừa

Một người đi xe ô tô ở TP.HCM

Tất nhiên, chúng tôi phải trả 30.000 đồng. Trong khi đó quán cà phê kế bên, bảo vệ lấy giá mềm hơn, 20.000 đồng/xe/lần. Như vậy, chỉ trên đoạn đường không dài này đã tồn tại tới 3 - 4 mức phí. Mức thu theo quy định là 5.000 đồng, mức trả trung bình là 10.000 đồng; mức bảo vệ các quán lấy là 20.000 đồng - 30.000 đồng, cao gấp 6 lần quy định.

Tương tự trên đường Alexandre de Rhodes, bảo vệ các quán cà phê thường "kiêm" luôn việc thu phí đậu ô tô trên đường với mức thu cao gấp 4 lần quy định, 20.000 đồng/xe/lần đậu. Nếu chủ xe nào thắc mắc, y như rằng gặp phải ánh mắt và câu nói đầy miệt thị "đi xe hơi mà trùm sò" và kiên quyết không bớt đồng nào. Lâu dần, luật bất thành văn, chủ xe buộc phải chấp nhận mức giá mà bảo vệ quán cà phê đưa ra. Đây là tình trạng chung ở nhiều tuyến đường đậu xe thu phí hiện nay trên địa bàn thành phố.

Luật... không trả lại

Những nhân viên thu phí “chính thức” thì chừng mực hơn, thường không đòi hỏi trắng trợn như những trường hợp trên nhưng họ cũng có "luật riêng". Đó là: "Luật không thối tiền thừa".

Như nói trên, mức phí theo quy định là 5.000 đồng, mức trả thông thường là 10.000 đồng, cao gấp đôi. Tuy nhiên, nếu không có tiền lẻ, đưa 20.000 đồng thì ngay lập tức, bạn nhận được câu cám ơn rất lịch sự của người thu phí và họ nhanh chóng bỏ đi, coi việc thu gấp 4 lần là chuyện đương nhiên. Một lần chúng tôi đậu xe trên đường Lê Lợi, biết trước "luật" này nhưng do không có tiền lẻ, chúng tôi đưa 20.000 đồng và y như rằng nhận được lời cảm ơn lịch sự. Khi chúng tôi yêu cầu được thối tiền thừa, người thu phí tỏ ra ngạc nhiên khó chịu rồi buông thõng một câu "không có tiền lẻ" và bỏ đi.

Để tránh bị "cảm ơn", những lái xe, chủ xe có kinh nghiệm thường chuẩn bị sẵn tiền lẻ khi ra lấy xe. Nhưng vẫn có nhiều trường hợp đi xe "xịn" như anh bạn chúng tôi, khi đưa ra 50.000 đồng thì người thu phí cũng chỉ thối lại bằng một câu cảm ơn rồi đi mất. Đành tự an ủi "xe xịn giá cao". Tất nhiên, số tiền "không thối" này chui vào túi nhân viên thu phí. Nếu chỉ tính mức thông thường mà các chủ xe hơi trả hiện nay là 10.000 đồng thì "thu nhập" của họ cũng ngang với nguồn thu ngân sách từ việc cho đậu xe lòng lề đường. Nhưng trên thực tế, số thu của họ còn lớn hơn rất nhiều vì các trường hợp trả 15.000 đồng, 20.000 đồng... như nói trên là phổ biến. Đó là lý do vì sao, nhiều người vẫn nói đùa, nghề thu phí là nghề thu nhập cao nhất.

Thu phí nhưng… bảo hiểm chịu trách nhiệm

Đây là nghịch lý lớn nhất nhưng lại ngầm được thừa nhận giữa cả chủ xe lẫn người thu phí hiện nay. Nguyên tắc, thu phí thì phải trông xe nhưng trên thực tế, xe đậu trên những tuyến đường thu phí không hề được trông giữ. Nếu chẳng may xảy ra trầy xước, móp méo, bị luộc đồ... thì chủ xe chỉ có cách là đi tìm... bảo hiểm.

Một người bạn của chúng tôi đậu xe trên đường Thủ Khoa Huân (Q.1), lúc lấy xe thấy đầu xe bị móp do đụng mạnh nhưng nhân viên thu phí khẳng định: "Không ai sờ vào xe của anh chứ đừng nói đến việc tông vào". Không có chứng cứ, chủ nhân đành ấm ức đưa xe đi bảo hiểm chứ biết làm sao.

Chị T., lái chiếc xe hiệu Yaris kể, có lần chị đậu xe trên đường Đông Du, lúc lấy xe không để ý, lái về mới biết bị "vặt" mất cái cần gạt nước. Nhưng đó không phải lần duy nhất. Sau vài lần bị "vặt" đồ, chiếc xe của chị hiện được "đóng đinh" khắp nơi, từ cần gạt nước, kính cho tới các đồ trang trí bên ngoài xe.

"Xấu nhưng đỡ bực mình",chị kết luận.

Anh Nam, công tác ở một công ty chuyên về thực phẩm chức năng tại TP.HCM, lái chiếc xe Lexus tới một nhà hàng trên đường Sương Nguyệt Ánh ăn tối với bạn bè. Dù đã trả phí giữ xe 20.000 đồng nhưng khi ra về, chiếc xe đã bị kẻ gian "vặt" mất một bên kính chiếu hậu. Vì là khách quen nên chủ nhà hàng (đã cho bảo vệ trông xe kèm) chấp nhận đền cho anh 1/2 giá trị theo giá công ty bảo hiểm đưa ra là 1,4 triệu đồng (bảo hiểm không trả khoản này). "Nguyên tắc thu tiền thì phải có trách nhiệm trông xe. Nhưng người thu phí nói là họ chỉ thu theo quy định chứ không trông xe. Không thích thì khỏi đậu. Cãi với họ cũng bằng thừa. Thôi tìm bảo hiểm cho chắc...", anh chua chát kết luận.

Theo Nguyên Khanh
Thanh Niên

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG