Hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB) và các bị cáo là hết sức nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho VNCB.
Các bị cáo Phạm Công Danh, Phan Thành Mai biết rõ hành vi phạm tội của mình nhưng vẫn cố ý thực hiện. Bị cáo Danh là chủ mưu cầm đầu, bị cáo Mai và Khương là đồng phạm giúp sức tích cực.
Bị cáo Phạm Công Danh bị tuyên phạt 20 năm tù, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù cho hai bản án. Bị cáo Phan Thành Mai bị phạt 10 năm tù, tổng hợp hình cho hai bản án là 30 năm tù. Bị cáo Mai Hữu Khương bị phạt 10 năm tù, buộc chấp hành hình phạt chung cho hai bản án là 30 năm tù. Bị cáo Trầm Bê bị phạt 4 năm tù. Bị cáo Phan Huy Khang bị phạt 3 năm tù. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 2 đến 5 năm tù. Ngoài ra 20 bị cáo được hưởng án treo và 10 bị cáo tuyên thả tự do tại toà.
Về trách nhiệm dân sự, vật chứng vụ án, HĐXX đánh giá, việc bị cáo Danh dùng số tiền gửi của VNCB để vay tiền là vi phạm quy định của Luật Tổ chức tín dụng.
Việc 3 ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank cho các công ty của bị cáo Danh vay trong khi chưa thẩm định hồ sơ, thu hồi nợ... nên hậu xảy ra là trách nhiệm của 3 ngân hàng này.
Trong vụ án này, bị cáo Danh biết rõ không thể vay tiền của VNCB, vì muốn có tiền sử dụng đã dùng tiền của VNCB để đi gửi các ngân hàng rồi dùng số tiền gửi này cầm cố đi vay tiền từ các ngân hàng. Sau đó, 3 ngân hàng đã thu hồi nợ số tiền mà VNCB cầm cố.
Việc 3 ngân hàng thu hồi nợ là phù hợp với quy định, do vậy số tiền mà 29 công ty của bị cáo Danh vay mới chính là số tiền vật chứng vụ án chứ không phải số tiền mà VNCB gửi ở 3 ngân hàng như nhận định của VKSND. Theo đó, HĐXX buộc BIDV hoàn trả lại cho VNCB 1.700 tỷ.
Ngoài ra, HĐXX xét thấy cần phải buộc bà Hứu Thị Phấn trả 600 tỷ đồng cho VNCB. Đối với số tiền 194 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản ông Trần Quý Thanh là số tiền vật chứng vụ án, do đó buộc ông Thanh phải hoàn trả cho VNCB. Buộc công ty Hải Tiến trả lại 338 tỷ đồng cho VNCB.
Đối với tài sản là quyền sử dụng đất ở đường An Dương Vương và Hồng Bàng kê biên của bị cáo Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank) là tài sản của vợ con nên xét thấy giải toả kê biên trả lại cho bị cáo Trầm Bê và vợ con.
Sau đó, ông Danh đưa ông Trầm Bê đến gặp ông Phan Huy Khang (Tổng giám đốc Sacombank). Tại cuộc gặp, cả 3 người này đã thống nhất Ngân hàng Sacombank sẽ cho ông Danh vay 1.800 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB.
Sau khi vay tiền Sacombank, Phạm Công Danh đã chuyển 1.700 tỷ đồng đến BIDV để trả nợ mà các công ty của Danh vay BIDV từ năm 2012.
Về khoản tiền mà bị cáo Danh vay BIDV từ năm 2012 được xác định, Phạm Công Danh là tổng giám đốc tập đoàn Thiên Thanh có vay 2000 tỷ đồng để chuyển nhượng 5 lô đất thuộc dự án “Khu phức hợp TM&DV cao tầng tại sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) được UBND TP.Đà Nẵng cấp gấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho 5 công ty của Phạm Công Danh gồm: Cty Trung Dung, Bảo Gia, Đại Long, Toàn Tâm, Đại Hoàng Phương.
Tài sản đảm bảo tiền vay là 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 5 công ty này và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 209 Trường Chinh (TP.Đà Nẵng).
Đại diện VKS cho rằng, khoản vay 1.700 tỷ đồng được trình lên Hội đồng quản trị BIDV. Cụ thể, ngày 15/3/2012, ông Trần Bắc Hà (Chủ tịch HĐQT BIDV) ra quyết định phê duyệt cho vay hỗ trợ tài chính tạm thời đối với dự án “Khu phức hợp Thương mại – Dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng”.
Ngay sau đó, số tiền 1.700 tỷ đồng được thanh toán bằng điện tử liên ngân hàng, chuyển vào tài khoản của Phạm Thị Trang tại Ngân hàng ACB. Tiếp đó, Phạm Thị Trang (hiện đang ở Mỹ) chuyển bằng Ủy nhiệm chi số tiền này vào tài khoản của Phạm Công Danh để sử dụng.
Từ năm 2013-2014, Phạm Công Danh cần có tiền sử dụng, nhưng không thể vay được trực tiếp tại Ngân hàng VNCB nên đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên VNCB và tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống đứng tên các công ty đó vay vốn tại các Ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV.
Đồng thời, dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng này để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay. Sau đó bị 3 ngân hàng này thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB với tổng số tiền hơn 6.000 tỷ đồng (Sacombank là 1.830 tỷ đồng, TPBank là 1.740 tỷ đồng, BIDV là 2.550 tỷ đồng).
Toàn bộ số tiền các công ty vay được từ 3 ngân hàng được Phạm Công Danh chỉ đạo sử dụng cho các mục đích của Danh. Do các công ty này làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ. Ngân hàng VNCB thực hiện việc bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty đó dẫn đến bị thiệt hại trên 6000 tỷ đồng.
Đối với bị cáo Danh, là người chủ mưu và chỉ đạo việc lập khống hồ sơ vay gửi trên 6000 tỷ đồng của VNCB sang gửi thị trường tại 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV và dùng số tiền đó cầm cố, bảo lãnh, trả nợ thay cho các công ty vay tiền tại 3 ngân hàng đó lấy tiền để Danh sử dụng.