Bị cáo hỏi tòa, công lý ở đâu?

TPO - Người đàn ông hỏi tòa án công lý ở đâu khi người khác vào nhà, gây thương tích cho con trai mình và bị cáo là bố lại phải đi tù? Chủ tọa ngắt lời, nói bị cáo không có quyền hỏi, HĐXX sẽ phán quyết.
Bị cáo hỏi tòa, công lý ở đâu? ảnh 1

Phiên tòa xét xử Nguyễn Minh Tâm.

Cầm 3 dao chém người?

Trong các ngày 10 và 11/6, TAND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Minh Tâm (SN 1991, ở Sóc Sơn) về tội “Cố ý gây thương tích”.

Trong phần khai mạc, thẩm phán Nguyễn Khắc Hải – chủ tọa phiên tòa yêu cầu báo chí không được ghi âm ghi hình, chỉ được dự với tư cách người bình thường vì vụ án phức tạp, còn nhiều vấn đề chưa làm rõ.

Theo cáo trạng, chị Nguyễn Kim Anh (SN 1984, ở Đống Đa, Hà Nội) có mâu thuẫn làm ăn với ông Thịnh – bố bị cáo Tâm. Ngày 26/8/2019, chị Kim Anh cùng 3 người đàn ông lên nhà ông Thịnh để nói chuyện tiền bạc nhưng không gặp.

Lúc này, bị cáo Tâm có rót nước mời chị Kim Anh uống nhưng sau đó 2 người cãi nhau, Tâm lấy cốc ném, rút 3 con dao chém người phụ nữ. Bị cáo này khai, chị Kim Anh đã chửi bới rồi ném cốc về phía mình trước nhưng Tâm tránh được nên chiếc cốc trúng cháu Dũng (SN 2014) – con trai Tâm.

Ba ngày sau, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Sóc Sơn trưng cầu giám định của chị Kim Anh cho thấy nạn nhân bị tổn hại 3% sức khỏe. Cháu Dũng được trưng cầu giám định 3 tháng sau đó, cho kết quả tổn hại 1% sức khỏe.

Chị Kim Anh không thừa nhận gây thương tích cho cháu Dũng nên cơ quan điều tra cho rằng không có căn cứ xác định ai làm cháu bị thương. Phía điều tra cũng thu giữ một số cốc thủy tinh và 7 con dao từ nhà Tâm.

Tại tòa, Nguyễn Minh Tâm tiếp tục khẳng định chị Kim Anh cùng 3 người đàn ông xăm trổ, bặm trợn đi vào, đe dọa mình sau đó cầm cốc hất nước vào mặt Tâm; ném gây thương tích cho cháu Dũng. Bị cáo này khẳng định không dùng dao tấn công bị hại như quy kết trong cáo trạng.

Ngược lại, chị Kim Anh cho biết đã bị Tâm đe dọa nhiều lần và ngày xảy ra vụ án, chị bị Tâm xúc phạm, dùng 3 cốc nước ném sau đó Tâm tay trái cầm 2 dao, tay phải cầm 1 dao chém mình.

Chủ tọa yêu cầu đưa ra 7 con dao để các bên nhận diện nhưng Tâm giữ lời khai không dùng dao chém; chị Kim Anh nói bị chém từ phía sau nên không biết con dao nào được dùng gây án.

Tố cáo thiếu khách quan?

Sau xét hỏi, đại diện Viện KSND huyện Sóc Sơn cho rằng việc cháu Dũng - con bị cáo Tâm do ai gây thương tích không thể làm rõ vì chỉ có lời khai của bị cáo. Ngược lại, đủ căn cứ xác định Tâm dùng dao gây thương tích cho chị Kim Anh. Vì vậy, kiểm sát viên đề nghị tòa phạt bị cáo này từ 6 – 9 tháng tù.

Tranh luận lại, Nguyễn Minh Tâm đặt câu hỏi, vụ việc có 2 người bị thương và sau đó chỉ có lời khai, không ai chứng kiến nhưng kiểm sát viên chấp nhận lời khai của chị Kim Anh về bị cáo dùng dao chém người và không chấp nhận lời khai của bị cáo về việc bị hại gây thương tích cho con bị cáo?

Kiểm sát viên khẳng định, nhân chứng đi cùng Kim Anh đã cho biết Tâm có ném cốc, dùng dao chém vào chị Kim Anh. Vì vậy, có căn cứ xác định Tâm phạm tội. Ngược lại, cháu Dũng đã được cơ quan điều tra lấy lời khai nhưng còn quá nhỏ tuổi nên không cung cấp được.

Bị cáo Tâm đề nghị Hội đồng xét xử xem xét: “Lúc lấy lời khai, cơ quan điều tra cho chị Kim Anh ngồi đối diện con tôi, chị nhìn chằm chằm khiến cháu sợ. Tôi phản đối nhưng không được… Trong vụ, chị Kim Anh được công an đưa đi giám định ngay còn con tôi, gia đình xin nhiều lần nhưng 3 tháng sau mới được giám định, vậy có khách quan không?”.

Luật sư của bị cáo Tâm nêu quan điểm, cơ quan điều tra đã không lấy dấu vân tay tại hiện trường để xác định những người tham gia vụ việc; kiểm sát viên không có mặt khi khám nghiệm hiện trường nhưng lại có chữ ký trong biên bản…

Vị luật sư cũng cho rằng, các nhân chứng đều là bạn của bị hại nên không khách quan và lời khai của chính họ ở giai đoạn điều tra mâu thuẫn với nhau, mâu thuẫn giữa lần khai trước và lần khai sau về số lượng dao bị cáo sử dụng, tư thế chém…

“Điều tra có thiếu sót”

Tiến hành đối đáp, kiểm sát viên cho rằng không cần thiết phải xác định bị cáo Tâm lấy dao ở đâu, cầm dao tay phải hay trái, tư thế chém ra sao… vẫn đủ cơ sở xác định bị cáo có dùng dao chém chị Kim Anh. Người giữ quyền công tố từ chối tranh luận với luật sư về ai gây thương tích cho cháu Dũng.

Được nói lời sau cùng, Nguyễn Minh Tâm đặt câu hỏi: “Công lý ở đâu khi chị Kim Anh cùng nhóm người lạ vào nhà tôi, đánh con tôi bị thương và tôi là bố cháu giờ phải đi tù?”

Chủ tọa Nguyễn Khắc Hải ngắt lời, khẳng định: “Bị cáo không có quyền hỏi. Công lý ở đâu, Hội đồng xét xử sẽ căn cứ các quy định của pháp luật để phán quyết”.

Sau nghị án, Hội đồng xét xử cho rằng đủ cơ sở xác định bị cáo Tâm có dùng dao gây thương tích 3% cho chị Kim Anh nhưng khai báo không thành khẩn, không ăn năn hối cải hoặc bồi thường nên phải nhận 6 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”.

Về phần cháu Dũng, chủ tọa cho biết không xử lý trong vụ án này; người giám hộ hoặc đại diện của cháu có thể làm đơn đề nghị cơ quan chức năng xử lý.

Đáng chú ý, chủ tọa khẳng định trong vụ việc, Cơ quan điều tra Công an huyện Sóc Sơn có một số thiếu sót nhưng việc này không làm ảnh hưởng sự thật khách quan của vụ án; yêu cầu cơ quan điều tra nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Điều 135 Bộ luật hình sự. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

1.     Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.