Cách Hà Nội khoảng 50 km, làng Nha Xá (Duy Tiên, Hà Nam) nổi tiếng với nhiều biệt thự mang kiến trúc Pháp có tuổi đời gần 100 năm. Ngôi làng rợp bóng cây xanh xen lẫn nét cổ kính, nhuốm màu thời gian.
Theo nhiều người lớn tuổi sinh ra và lớn lên ở đây, những năm đầu thế kỷ 20 dân làng có cuộc sống khấm khá, phát đạt nhờ nghề dệt lụa và thương mại.
Các sản phẩm vải lụa được thương lái từ TP.HCM ra mua hoặc xuất sang nước ngoài. Nhiều thương nhân của làng còn mở đại lý kinh doanh khắp các tỉnh thành lớn.
Trong bối cảnh đó, hàng chục ngôi nhà, biệt thự khang trang mọc lên. Đến nay, cả làng còn hơn 20 ngôi nhà cổ. Trải qua thăng trầm của lịch sử, chúng vẫn giữ được nét đẹp vốn có.
Ngôi làng còn khiến chúng tôi tò mò với những căn hầm chạy ngầm dưới nền một số căn nhà, chúng tồn tại từ thời kỳ Pháp thuộc, có diện tích 20 - 40 m2.
Năm tháng trôi qua, những căn hầm gần như bị lãng quên. Tuy nhiên, mục đích xuất hiện của chúng ít ai nắm được.
Để rồi phía sau những căn hầm tồn tại không ít những câu chuyện bí ẩn, lời đồn thổi.
Có người cho rằng, chúng từng chứa đựng nhiều kho báu, vàng bạc...
Theo chân một người dân trong làng, chúng tôi tìm gặp chủ nhân những căn nhà đặc biệt đó để xác thực.
Bà Phạm Thị Ngần (SN 1954 - Nha Xá, Duy Tiên, Hà Nam) cho biết, bố chồng bà là thương nhân Lê Cao Chẩm.
Năm 1930, cuộc sống của người dân còn khó khăn, thiếu thốn nhưng cụ Chẩm thuộc hàng giàu có, bề thế ở làng.
Ngoài vải lụa do vợ làm ra, cụ thu mua cả vải lụa của các hộ dân quanh vùng, xếp thành đống lớn, đống bé, chuyển vào Nam.
Năm 1943, cụ khởi công xây dựng căn biệt thự vườn trên tổng diện tích đất khoảng 300m2. Biệt thự này xây theo lối kiến trúc 3 gian, lợp mái ngói âm dương, trần ốp bằng gỗ. Bên cạnh nhà chính là nhà phụ 2 tầng lầu.
Chủ nhà còn chú trọng đến phong thủy, sự hài hòa của ánh sáng tự nhiên, lưu lượng gió ở mỗi phòng để luôn bảo đảm nhà thoáng khí.
Ngoài ra, cụ Chẩm cho thiết kế một căn hầm, sâu dưới lòng đất khoảng 6m, rộng 40 m2. Căn hầm này có là các thanh sắt lớn chống đỡ, sau đó mới đổ bê tông lên.
Thời điểm gia đình gặp biến cố, cụ dỡ bỏ phần tầng 2 của căn nhà 2 tầng, mang gạch bán lấy tiền trang trải cuộc sống.
Sau này, khi cụ Chẩm mất đi, các con tiếp tục dỡ nốt phần còn lại, lấy gạch mang bán, chỉ còn lại căn hầm.
“Căn hầm đó có hai cửa xuống. Ngày nhỏ tôi qua đó chơi thấy trên nền đất vẫn còn cửa vào căn hầm.
Khi tôi về làm dâu, hai vợ chồng phá bỏ luôn tầng hầm. Đến năm 2001 chúng tôi mới xây nhà cấp bốn”, bà Ngần nhớ lại.
Theo người phụ nữ này, từ khi về đây ở cho đến khi dỡ bỏ căn hầm, bà chưa bao giờ nghe thấy người trong gia đình hoặc ai đó nhắc đến việc các căn hầm được chôn kho báu.
Thời điểm phá hầm, xây nhà, gia đình bà cho thợ đào móng, chôn cọc rất sâu, không hề thấy gia tài nào như đồn thổi.
"Tôi lấy chồng, gia cảnh ông nhà tôi cũng sa sút, khó khăn. Vài năm nay, các con đi làm, hai vợ chồng mới đỡ vất vả", người phụ nữ sinh năm 1954 giãi bày.
Bà chia sẻ thêm từng nghe mẹ ruột kể, những năm Pháp thuộc, một nhà trong làng có cô con gái đẹp nức tiếng. Giai đoạn loạn lạc, Tây đi càn quét, người này sợ con bị giặc xâm hại đã giấu con gái xuống đó. Tình hình yên ổn mới dám đưa con lên.
Thời kỳ giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, căn hầm trở thành nơi trú ẩn, tránh bom mỗi khi nghe tiếng kẻng báo động.
"Nhà hàng xóm tôi hiện nay cũng có căn hầm tương tự rộng 20m2. Chủ nhân xa xưa của căn nhà là một phú nông", bà tiết lộ.
Người phụ nữ đang sinh sống trong căn nhà đó khoảng 30 tuổi. Gia đình chị mới lát lại nền đá, dự định làm kho chứa đồ.
Thi thoảng trẻ con vẫn chui vào đó nghịch ngợm. Bản thân chị cũng không nắm rõ căn hầm đó sử dụng làm gì.
Tạm biệt những người dân hiếu khách, chúng tôi ra về với nỗi băn khoăn chưa tìm được câu trả lời rõ ràng cho đến khi gặp ông Nguyễn Văn Thai (SN 1938 - chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi làng Nha Xá).
Ông Thai cho hay, phần lớn những căn nhà có hầm xưa kia đều thuộc sở hữu của lớp người giàu, có của ăn của để trong làng. Chủ nhân cũ của căn nhà đó thuộc hàng địa chủ trước đây.
“Ngày tôi còn bé, các cụ hay kể, trong vùng khi đó nổi lên một nhóm cướp. Dân làng nghe đến danh chúng xuất hiện là khiếp đảm. Tối đến cửa đóng, then cài, không dám đi đêm.
Các nhà giàu có nhiều hàng hóa và vàng bạc để trong nhà. Họ sợ bị nhóm này đến cướp nên đã xây những tầng hầm bí mật cất giữ của cải. Mỗi căn hầm có diện tích khác nhau, tùy số tài sản người đó có.
Ngày đó, cửa hầm ít khi lộ thiên và thường được chủ nhà ngụy trang bằng bức tường hoặc cây cối”, ông Thai nói.
Trao đổi với PV, ông Lương Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Mộc Nam (Duy Tiên, Hà Nam), cho biết: "Theo một số tài liệu ghi chép, những năm đầu thế kỷ 20, đời sống người dân ở đây rất thịnh vượng nhờ phát triển thương nghiệp, buôn bán vải vóc. Nhiều biệt thự mang dáng dấp phương Tây ra đời trong thời kỳ này.
Các gia đình khá giả thường làm thêm một tầng hầm nhằm mục đích cất giữ tài sản, hàng hóa đắt tiền. Ví dụ như tơ chỉ - một nguyên liệu làm các tấm vải lụa được so sánh là có giá đắt ngang vàng.
Khi chiến tranh, giặc Mỹ ném bom, các căn hầm này trở thành nơi trú ẩn cho bà con dân làng. Hiện một số hộ đã phá dỡ, xây nhà mới, một số khác vẫn giữ lại làm kho...".