1. Huy cùng chị T. kết hôn năm 2011. Quá trình chung sống, vợ chồng xảy ra mâu thuẫn nên tháng 11-2011, chị T. bỏ về quê ở Quảng Ngãi và dự định ly hôn.
Huy nhiều lần gọi điện thoại yêu cầu vợ quay lại Sài Gòn nhưng chị T. không đồng ý. Tức giận, Huy nảy sinh ý định làm nhục vợ.
Huy tung 13 tấm ảnh khỏa thân của vợ và ảnh vợ chồng đang quan hệ tình dục lên mạng. Kèm theo ảnh là nội dung: “Em tên…, tuổi… ở xã… Hiện nay em đã ly dị chồng, đang cần tiền nuôi con. Anh nào muốn ngủ với em chỉ cần 500.000 đồng một đêm… Liên hệ với em số…”.
Sau đó, Huy gọi điện thoại báo cho chị T. biết. Bức xúc, chị T. làm đơn tố giác.
Xử sơ thẩm tháng 6-2012, TAND quận Bình Tân (TPHCM) nhận định bị cáo lấy chuyện ái ân vợ chồng đưa lên mạng để thực hiện hành vi phạm tội. Tuy bị cáo bị truy tố về khung hình phạt ít nghiêm trọng nhưng hành vi của bị cáo sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cho người bị hại, làm ảnh hưởng tương lai, hạnh phúc sau này của nạn nhân. Vì thế cần phải xử phạt thật nghiêm. Sau đó, tòa phạt Huy một năm tù về tội làm nhục người khác.
Tại phiên tòa phúc thẩm, một vị thẩm phán trong HĐXX nhấn mạnh ngoài việc bị cáo đăng ảnh khỏa thân của vợ và ảnh làm tình, bị cáo còn bịa đặt việc vợ ngủ với người khác. Vợ chồng dù không bằng lòng nhau cũng phải cư xử một cách có đạo đức. Khi không còn chung sống được thì nên chia tay một cách đẹp đẽ. Cư xử như bị cáo thể hiện trong con người bị cáo có cái gì đó rất tệ, không lành mạnh. Vợ chồng ngoài tình còn nặng nghĩa nữa chứ.
Tiếp lời, công tố viên bảo cách hành xử của bị cáo không xứng với tư cách làm chồng. Bị cáo có ăn học, đã có một đời vợ trước đó, lý ra khi có cuộc hôn nhân mới thì phải biết trân trọng. Chính thói ích kỷ đã tự tay làm vụt mất đi tương lai, hạnh phúc của bị cáo...
Cuối cùng, sau khi xem xét, TAND TPHCM bác kháng cáo xin hưởng án treo và y án sơ thẩm. HĐXX nhận định bị cáo đã có hành vi xâm hại đến nhân phẩm, danh dự của người khác. Nghiêm trọng hơn người bị hại chính là vợ của bị cáo nên không thể xem xét giảm nhẹ…
Phiên tòa kết thúc với sự tần ngần và khuôn mặt đầy nước mắt của người vợ trẻ. Nghẹn ngào chị tâm sự, hiện nay chị chỉ mong tòa giúp chị nhanh chóng được ly hôn để xa người đàn ông mà chị từng gọi là chồng...
2. Ở một phiên xử khác, việc phân chia tài sản không gay gắt bằng việc tố nhau, làm xấu hình ảnh của nhau trong mắt mọi người của vợ chồng bà S. và ông Đ. Hết tình cảm thì chia tay là lẽ thường nhưng cái cách họ đẩy nhau ra tòa, tố cáo lẫn nhau cho bà con đều biết cái xấu của chồng, của vợ khiến mọi người ngao ngán.
Ông Đ. và bà S. gặp nhau khi ông đã có một đời vợ. Trước tình cảm bà dành cho ông suốt hai năm trời nên ông và bà tiến tới hôn nhân vào năm 1992. Vợ chồng chung sống hạnh phúc và có thêm một “công chúa”. Nhưng đến năm 2000, đôi bên xảy ra mâu thuẫn nên năm 2005 đã ly thân mỗi người sống một nhà riêng.
Đầu năm 2011, không chịu được cảnh có vợ mà như không, ông Đ. nộp đơn ra TAND quận 7 (TPHCM) xin ly hôn. Xử sơ thẩm cuối tháng 6-2012, TAND quận 7 nhận định mâu thuẫn giữa vợ chồng đã trầm trọng, kéo dài. Cả hai thiếu quan tâm chăm sóc nhau.
Bà S. cho rằng, còn thương chồng nhưng không quan tâm chăm sóc ông. Vợ chồng có nhiều bất đồng trong cách sử dụng tài sản, cách sống. Tòa cũng đã hòa giải nhiều lần nhưng cả hai đều không đưa ra được biện pháp khắc phục, đời sống chung kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Tòa chấp nhận yêu cầu xin ly hôn.
Sau đó, bà S. kháng cáo không chấp nhận việc tòa sơ thẩm cho ly hôn. Tại phiên phúc thẩm, hai bên đã tố xấu nhau trước mặt nhiều người và làm xấu hình ảnh của cha mẹ trước mặt con.
Bà S. trình bày vợ chồng có mâu thuẫn nhưng không nghiêm trọng. Chuyện bà với ông vũ sư dạy khiêu vũ chỉ là quan hệ xã hội. Mâu thuẫn chính là từ việc ông yêu cầu bà đưa tiền cho con gái riêng ông kinh doanh điện thoại nhưng bà không đồng ý. Từ đó ông dọn về sống chung nhà với cô con gái riêng này, đóng cửa ăn ngủ trong phòng, khóa cửa không cho bà vào. Bà can ngăn thì vợ chồng cãi nhau và sống ly thân. Chứ sự thật bà còn thương chồng…
Dường như quá sức chịu đựng, tòa chưa mời trình bày ông Đ. đã đứng dậy phản bác lời vợ: “Bà có còn thương gì tui cho cam. Bà có quan tâm chăm sóc gì tôi đâu. Tôi bị bệnh nhập viện, bà không thèm chăm sóc, dòm ngó để mặc con riêng tôi lo. Có vợ mà cơm canh không có trong khi vợ đi mang cơm, chăm sóc cho người đàn ông khác trong quán cà phê. Bà còn viết đơn, nói với lối xóm tôi loạn luân với con ruột làm con bức xúc…”.
Bà S. tố lại: “Ông cũng vừa gì khi cưỡng ép tôi ra khỏi nhà để sống với con riêng. Con gái riêng kiếm nhân tình về cho cha để buộc tôi ly hôn tống cổ tôi ra khỏi nhà. Tôi báo công an để bảo vệ quyền lợi cho bản thân tôi”.
Ông Đ. cắt ngang lời: “Con tôi mời bạn đến nhà chơi, tôi còn chưa rõ gì thì đã bị công an mời lên làm việc xử phạt hành chính vì cho người tạm trú không đăng ký. Bà làm tôi mất mặt với bà con hàng xóm do việc lùm xùm lên công an. Bà còn lôi kéo con gái chung thù hằn cha, vu vào đầu nó những việc không phải là sự thật làm nó ghét người đã sinh thành ra nó...”.
Cứ thế, hai bên lời qua lại tố nhau trước mặt đứa con gái và mọi người. Kết quả việc ly hôn giữa họ là tất yếu. Bởi vợ chồng thường xuyên cãi vã, đã ly thân và bị công an nhắc nhở nhiều lần. Vợ chồng bất đồng trong quan điểm cách sống, không còn tin tưởng lẫn nhau, không thiện chí cùng nhau hàn gắn...
* * *
Sau bao năm tình nghĩa vợ chồng, nay họ chia tay khi tình không còn nhưng tìm hình ảnh đẹp về cái kết này cũng không thể có. Họ chia tay trong hằn học, tố cáo nhau gây tổn thương cho con gái ngồi dự ở một góc phòng…
Theo Hoàng Yến
Pháp Luật TPHCM