Thông tin cấm bếp từ, hồng ngoại khiến nhiều bà nội trợ lo lắng. Chị Nguyễn Hiền (Long Biên, Hà Nội) cho biết, khoảng 4 năm trở lại đây, gia đình chị chuyển sang sử dụng bếp từ đun nấu hằng ngày. Bếp từ nhiều ưu điểm so với bếp gas như thời gian nấu nhanh hơn, ít nóng, an toàn hơn và tiết kiệm.
“Gia đình tôi sống tại chung cư nên sử dụng bếp từ an toàn, thuận tiện. Trước thông tin cấm bếp từ, bếp hồng ngoại, tôi rất lo lắng. Trong thông báo nêu, cấm bếp từ, hồng ngoại với hiệu suất năng lượng thấp, tôi không hiểu được sản phẩm nào đáp ứng tiêu chuẩn này và cách phân biệt”, chị Hiền nói.
Kiểm định hiệu suất năng lượng của bếp từ Ảnh: Phúc Gia |
Chị Lê Nhung (Hoàng Mai, Hà Nội) kể được bạn bè rỉ tai bếp từ Nhật nội địa dùng tiết kiệm điện nên gia đình chị đã mua một chiếc sử dụng. Nhà chị Nhung còn sử dụng tủ lạnh và điều hòa nhiệt độ hàng Nhật cũ. “Tôi không có kiến thức nên khi mua sản phẩm bếp từ, tủ lạnh cũng không hiểu kỹ về hiệu suất năng lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên sâu. Tôi mong cơ quan chức năng có thể nêu kỹ hơn về sản phẩm bếp từ, tủ lạnh sẽ bị cấm để người tiêu dùng hiểu”, chị Nhung nói.
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Tiền Phong, anh Phạm Đức Hồng, chủ cửa hàng điện máy chuyên cung cấp bếp từ nội địa Nhật tại TPHCM, cho biết, Quyết định số 14 về cấm sản phẩm hiệu suất năng lượng thấp chủ yếu tác động tới doanh nghiệp, người kinh doanh. Theo anh Hồng, bếp điện từ hàng cũ không đề năm sản xuất, chủ yếu có bảo hành đổi trong 1 tuần, bảo hành sửa chữa trong 1 năm.
“Quy định cấm sử dụng bếp điện từ hiệu suất thấp không ảnh hưởng nhiều tới người dân. Cơ quan chức năng chủ yếu cấm nhà nhập khẩu, nhất là đơn vị nhập, kinh doanh đồ đã qua sử dụng như chúng tôi. Tuy nhiên, việc cấm thiết bị hiệu suất thấp này chưa giải thích rõ cho người dân nắm được”, anh Hồng nói.
Ngày 24/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 14/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2023. Theo đó, danh mục sản phẩm bị cấm như bếp từ, bếp hồng ngoại (hiệu suất thấp)…
Hướng tới sản xuất, sử dụng sản phẩm tiết kiệm điện
Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm kiểm định năng lượng tại Hà Nội, cho biết, bếp hồng ngoại, bếp từ, đèn LED chiếu sáng tiêu thụ điện năng rất lớn nhưng vẫn chưa được quản lý. Thực hiện Quyết định 14, những sản phẩm này phải kiểm định hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng. Việc dán nhãn năng lượng hướng tới sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, từng bước loại bỏ sản phẩm lạc hậu, ngốn điện.
“Dán nhãn năng lượng giúp tạo sức ép khiến nhà sản xuất đưa ra thị trường sản phẩm có hiệu suất cao, đạt và vượt mức hiệu suất năng lượng tối thiểu Nhà nước quy định. Điều này giúp người tiêu dùng chọn đúng sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Việc loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng, hiệu suất thấp, tiêu tốn nhiều năng lượng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đối với doanh nghiệp, Quyết định 14 cũng tạo ra sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và phân phối các sản phẩm tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam”, ông Nam đánh giá.
Là một trong những doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm nằm trong danh mục của Quyết định 14, đại diện Tập đoàn Sunhouse cho biết, sản phẩm đều được kiểm định, công nhận đạt hiệu suất năng lượng tiêu chuẩn quốc gia trước khi đưa ra thị trường.
“Việc thực hiện Quyết định 14 là hành động cần thiết để đảm bảo an toàn thiết bị điện, điện tử trước khi đến tay người tiêu dùng. Doanh nghiệp phải rà soát chất lượng sản phẩm đang sản xuất, kinh doanh; đồng thời cải tiến công nghệ, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng và nghiêm túc tuân thủ quy định của nhà nước. Người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm an toàn, hiệu suất cao nhưng vẫn tiết kiệm năng lượng”, đại diện Sunhouse cho biết.