Dễ biến tướng…
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song vốn ngân sách dành cho y tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Phải chăng xã hội hóa lĩnh vực y tế là một chủ trương cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay? Và nên bằng những cách nào, thưa ông?
Mấy ngày qua Quốc hội đang thảo luận sôi nổi về kế hoạch tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020. Qua thảo luận thấy rất rõ ngân sách quốc gia - một phần của nguồn lực tổng thể để tái cơ cấu là không lớn. Mặt nữa, qua tìm hiểu tôi được biết, từ năm 2015 – 2017, ngân sách dành cho y tế chỉ chiếm từ 7,7 – 7,9% tổng số ngân sách quốc gia hàng năm, đây là con số thấp, vì các nước thường dành cho y tế khoảng 15 – 18%, thậm chí có nước trên 20%. Nhưng điều đó cũng xuất phát từ tình hình thực tế đất nước ta còn rất nhiều lĩnh vực khác, nhiều địa phương, nhiều chương trình cũng cần phải có nguồn ngân sách đầu tư.
Trong bối cảnh đó, tôi thấy chủ trương của Đảng và Chính phủ trình Quốc hội về việc đẩy mạnh xã hội hóa y tế là rất đúng đắn và rất cần thiết. Tôi nghĩ, chúng ta cần phải làm mạnh dạn, trách nhiệm và quyết liệt hơn.
Phải đẩy mạnh hơn nữa tiến trình xã hội hóa để sử dụng hết mọi nguồn lực trong cả xã hội cho y tế bằng cách thúc đẩy và tạo điều kiện tư nhân hóa, tạo điều kiện bình đẳng và tốt nhất (về pháp lý, đất đai, cơ chế, bảo hiểm y tế …) để phát triển các cơ sở y tế tư nhân; triển khai quyết liệt và thực chất việc cổ phần hóa các bệnh viện, nhất là các bệnh viện không hiệu quả tuyến huyện và tuyến tỉnh. Vấn đề này cách đây khoảng 10 năm đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc đó đề xuất, nhưng chúng ta chưa làm được nhiều. Nay nhiều vấn đề về cơ chế, bảo hiểm, cách thức và kinh nghiệm đã khác, thuận lợi hơn. Bởi vậy cần triển khai mạnh mẽ việc cổ phần hóa các bệnh viện.
Bên cạnh đó cần tập trung làm thật tốt Bảo hiểm y tế toàn dân, tăng tỷ lệ người mua và tăng tổng lượng vốn; mặt nữa phải thực hiện việc thông tuyến bảo hiểm triệt để, đừng nên sử dụng Bảo hiểm y tế như một biện pháp ngăn chặn quá tải tuyến trên.
Trong bối cảnh nhiều gia đình có điều kiện kinh tế, ra nước ngoài khám chữa bệnh thì việc mở loại hình khám chữa bệnh theo yêu cầu trong nước là rất cần thiết và nên tổ chức như thế nào tại các bệnh viện, nhất là bệnh viện công?
Trước đây, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã cho biết, hàng năm riêng số lượng người trong nước đi khám chữa bệnh ở nước ngoài cộng lại đã lên đến hàng tỷ đô la. Có bệnh thì vái tứ phương và ai cũng mong muốn tìm đến nơi tốt nhất để điều trị. Chẳng ai có điều kiện về kinh tế mà cứ cất tiền đi, để cho bệnh hoành hành dẫn tới tử vong cả. Được khám chữa bệnh trong điều kiện tốt nhất là một nhu cầu rất tự nhiên, không thể ngăn cản được. Nếu làm không tốt thì bệnh nhân người Việt sẽ đưa nhau sang nước ngoài chữa bệnh. Nếu để điều đó xảy ra thì trách nhiệm trước hết thuộc về y tế nước nhà. Chính vì vậy chúng ta phải tổ chức dịch vụ thật tốt và phải có chất lượng chuyên môn thật cao để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người bệnh.
“Trong hoàn cảnh nguồn ngân sách quốc gia còn hạn hẹp, phải sử dụng như là nguồn vốn “mồi” và có sự ưu tiên cho những lĩnh vực không thể xã hội hóa được như cơ sở y tế ở những vùng khó khăn, vùng xa, vùng sâu, biên giới, hải đảo”, GS.TS Nguyễn Anh Trí.
Trong những năm vừa qua, nhiều bệnh viện trong cả nước đã nâng cao được chất lượng chuyên môn và dịch vụ, nên làn sóng đi chữa bệnh nước ngoài đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn. Vấn đề là tổ chức dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu thế nào lại không dễ và rất có thể bị biến tướng. Cũng đã có một số bệnh viện làm dịch vụ nhưng không có quy tắc nào, cứ mạnh ai nấy làm. Bộ Y tế cũng đã tích cực chấn chỉnh, nên có đỡ, nhưng chưa hết hẳn.
Gần đây nhất, Bộ y tế đã ra quy định, bệnh viện chỉ được phép kê giường dịch vụ khi tỷ lệ giường ghép không quá 10%. Tôi thấy, quyết định đó là cần thiết; tuy nhiên cũng cần xem lại cụ thể cho từng loại bệnh viện (xây dựng bằng 100% vốn của nhà nước, hoặc là các bệnh viện phải vay vốn để xây dựng…) cho hợp lý hơn và đảm bảo cho các bệnh viện vay vốn có kinh phí trả cho ngân hàng.
Để các bệnh viện thi đua nhau tìm cách hạ giá
Chúng tôi biết, hiện nay mức giá dịch vụ được các bệnh viện đưa ra rất khác nhau, nhiều nơi áp dụng mức giá rất cao, gây bức xúc trong dư luận. Lý giải về việc thu mức giá dịch vụ “cắt cổ”, các bệnh viện cho rằng, với mức phí dịch vụ đó mới đủ bù chi, tái đầu tư cho bệnh viện. Cách lý giải này liệu có hợp lý, thưa ông?
Tôi xin không bình luận về mức giá có “cắt cổ” hay không. Nhưng đã làm dịch vụ thì phải có bảng giá hợp lý. Nhu cầu thực tiễn của người bệnh đòi hỏi như vậy! Và thế mới là tổ chức làm dịch vụ vì lợi ích cộng đồng! Tôi đồng tình Bộ Y tế nên quy định bảng giá dịch vụ, nhưng phải được xây dựng căn cứ từ thực tiễn, được đánh giá kỹ qua từng loại hình dịch vụ, kỹ thuật, thuốc men sử dụng chứ để đảm bảo cho tập thể hoặc cá nhân đầu tư đủ bù các chi phí của họ và họ vẫn có một phần tích lũy hợp lý. Và theo tôi chỉ cần có giá trần thôi, không nên quy định giá sàn. Như vậy để các bệnh viện thi đua nhau tìm cách hạ giá, kéo bệnh nhân về mình. Điều đó rồi sẽ xảy ra, không sớm thì muộn.
Thế còn quan điểm của lãnh đạo một số bệnh viện cho rằng, khám dịch vụ nghĩa là “thuận mua vừa bán”, không nên can thiệp chặn giá, hoặc nếu có đưa ra mức trần cũng không nên thấp hơn giá các nước trong khu vực?
Nếu nói nhà nước đừng can thiệp vào thì không đúng vì sẽ làm cho xã hội bị rối tung. Khi đầu tư, mong mau thu hồi vốn người ta sẽ tìm cách tăng lợi nhuận, nên phải có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước.
Nhưng mong muốn giá đó phải ngang bằng các nước trong khu vực là có ý đúng. Giá dịch vụ cần phải xây dựng thật hợp lý. Nên tách rõ các phần ra khi xây dựng giá mỗi dịch vụ: chất lượng máy móc, sinh phẩm, thuốc men, quy trình… như các nước thì phần đó phải ngang bằng với họ; nhưng phần công người lao động, phần kinh phí của các dịch vụ đi kèm thì phải là giá của nước ta. Chúng ta không thể lấy công của mình so với Mỹ, hay Nhật Bản được. Một giáo sư như tôi ở Nhật, lương họ gấp tôi 5 – 7 lần; bác sỹ, điều dưỡng… cũng vậy. Vấn đề này cần có sự tách bạch rõ ràng, trong đó phải xác định yếu tố số một là phục vụ người bệnh chứ không phải tìm cách khai thác, bóc lột người bệnh…
Chúng ta đi từ một nền y tế bao cấp là chính, đến một nền y tế của đất nước có nền kinh tế thị trường và phải tự chủ. Trong quá trình đó tuy còn chuyện nọ chuyện kia, nhưng tôi tin mọi việc sẽ đi vào ổn định và có tương lai.
Cảm ơn ông.