Bệnh viện nghìn tỉ Tây Nguyên: Nhiều vấn đề cảnh báo

Nhà xử lý rác vẫn đang xây dang dở
Nhà xử lý rác vẫn đang xây dang dở
TP - Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên vẫn ngổn ngang, nhiều vấn đề đe dọa sự an toàn trong công tác khám chữa bệnh sau gần 9 năm khởi công xây dựng, sửa chữa với tổng kinh phí ngót 1.200 tỉ đồng, trong khi lễ khánh thành sẽ được tổ chức vào sáng 26/2/2019.  

“Vừa chạy vừa xếp hàng”

 Nhìn từ bên ngoài, BV Vùng khá hoành tráng tọa lạc khu đất rộng lớn nhưng lại toàn đồi dốc. Toàn bộ các khối nhà được xây mới, còn thiết bị và nội thất hầu hết đều đã sử dụng từ BV Tỉnh chuyển sang từ ngày 12/2/2019. 

Hơn nửa năm qua, nhiều độc giả đọc các bản tin về công tác điều trị của BV Vùng đăng phát trên báo đài của tỉnh, cứ tưởng BV Vùng từ giữa năm 2018 đã bàn giao xong, dù thực tế các hoạt động này vẫn diễn ra tại BV Tỉnh. Sở dĩ có sự nhầm lẫn này, vì ngày 4/6/2018, với Quyết định số 1227 Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đã đổi tên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk thành Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, trực thuộc Sở Y tế. Trong khi công trình BV Vùng còn ngổn ngang hàng trăm chỗ hư hỏng xuống cấp phải sửa chữa dù chưa hề được sử dụng. 

Suốt trong những ngày “dọn nhà”, cảnh đập phá để xây sửa lại diễn ra khắp công trình nghìn tỉ. Theo QĐ 1227, BV Vùng vẫn chỉ là một bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, với toàn bộ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, hoạt động và biên chế bê nguyên trạng từ BV tỉnh qua. Thực tế cho thấy mục tiêu đầu tư nghìn tỉ để BV Vùng thành nơi khám chữa bệnh chất lượng cao cho bệnh nhân khu vực Tây Nguyên thậm chí cho cả 2 nước bạn Lào, Campuchia đã trở nên xa vời, thậm chí ảo tưởng.

Chưa nhận bệnh nhân đã lo! 

 Nhiều năm qua, BV Tỉnh 1.400 giường lúc cao điểm bệnh nhân vẫn phải nằm ghép mỗi giường đôi ba người. Vậy mà BV Vùng lại chỉ thiết kế 800 giường. Hướng xử lý của tỉnh, là bán BV Tỉnh, lấy tiền xây thêm Trung tâm điều trị Ung Bướu và Trung tâm Sản Nhi trong khuôn viên 12 hecta của BV Vùng, để tách các khoa phòng này ra khỏi khối nhà điều trị sẽ bị quá tải.

Tuy nhiên, đó là viễn cảnh. Còn trước mắt, từ ngày 20/2/2019 BV Vùng bắt đầu nhận bệnh nhân, sẽ đối mặt với hàng loạt vấn đề nan giải. Bể chứa nước thải của BV Vùng dung tích chỉ 350m3, trong khi BV Tỉnh trước đây bể chứa 500m3 vẫn nhiều lần bị Sở Tài nguyên Môi trường phạt nặng vì để nước bẩn tràn lan, ô nhiễm. Trong mấy trăm điểm hư hỏng, xuống cấp, bất hợp lý mà bộ phận tiếp nhận công trình đã liệt kê kín cả chục trang giấy, tới nay vẫn còn nhiều điểm không xử lý nổi. 

Những cuộc trao đổi giữa PV Tiền Phong với Ban giám đốc BV Vùng cho thấy nhiều giải pháp xử lý tình thế vẫn chỉ là tạm bợ. Đường Mai Thị Lựu dẫn vào BV Vùng có đoạn mới cưỡng chế nay đang san ủi, bụi đỏ mịt mù. Đường Y Nuê và Nguyễn Du tới BV Vùng thì chật hẹp, cũ nát. Trưa 17/2, một thanh niên chạy xe máy qua đoạn đường này không may va vào đá ngã xuống, bị xe tải cán, chết tại chỗ. 

Với các hành lang vừa dốc vừa trơn trượt nối giữa các tòa nhà điều trị, trước mắt BV Vùng dự kiến rải một lớp thảm nhựa tạo ma sát chống trơn trượt. Sau này sẽ phải tính phương án dùng xe điện vận chuyển bệnh nhân, để giảm nguy cơ xảy ra tai nạn. 
 Cả 4 thang máy tại tòa nhà Kỹ thuật nghiệp vụ, là nơi đặc biệt cần thang máy để chuyển bệnh nhân nặng trước và sau khi phẫu thuật, kích thước ngắn đến mức không lọt giường chuyên dụng. Giường dài 2,16m mà lòng thang chỉ dài 2,05m. BV thử tháo hết các thanh đầu giường đặt vào, thang máy vẫn không đóng cửa được! 

Trong khi chờ hoàn thành nhà xử lý rác, hằng ngày rác thải sẽ phải tập kết cạnh “Nhà Đại thể”, chờ xe chở về BV tỉnh cũ để xử lý.  

Trong nhiều sự vô lý, thì điển hình là Khoa Chống nhiễm khuẩn của BV nghìn tỉ bị xây dựng cách rất xa phòng mổ, cạnh bể xử lý nước thải và nhà xác ở mãi dưới cuối dốc, gần hàng rào, là nơi dễ nhiễm khuẩn, xung quanh đất đỏ bụi mù. Các chuyên gia chống nhiễm khuẩn của BV Y Dược TPHCM và BV Bạch Mai khi tới đây tận mắt thấy, đều lắc đầu ngán ngẩm.  Khắc phục điều này, BV Vùng phải chế tạo  một loại xe điện chở thùng kín phía sau, chứa các loại khăn, trang phục đã sấy hấp từ dưới dốc tới chân thang máy. 

Sắp tới, BV Vùng sẽ phải xin tỉnh cấp thêm kinh phí để xây dựng một loạt hạng mục. Cụ thể, Khu Chống nhiễm khuẩn cao 3 tầng, cạnh khu phẫu thuật, có hành lang nối vào phòng mổ; Bể xử lý nước thải;  Hành lang có mái che nối giữa các khu nhà; Thay hệ thống ống dẫn nước thải.  Hiện toàn bộ chôn âm tường, tiết diện quá nhỏ khiến BV chưa đi vào hoạt động mà sàn các khoa Sản, Ngoại tổng quát đã ngập lênh láng do bị tắc. Ngoài ra, phải xin kinh phí để tiếp tục đập phá xây lại, bởi cả đống máy giặt, máy sấy đang chất trước Khoa chống nhiễm khuẩn, vì cửa quá hẹp không khuân máy vào được. Chưa kể đến  lô máy tính 111 chiếc quá đát, giá hơn 23 triệu đồng/ máy mà BV Vùng phải nhận bàn giao từ Ban quản lý Dự án BV Vùng này, khi mở ra thấy toàn kiến, mối làm tổ.

Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên được lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk giao cho Sở Y Tế làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 7/2010. Tới nay sau khi đã chi tới khoảng 1.200 tỉ từ nguồn trái phiếu Chính phủ và ngân sách, BV Vùng vẫn bộc lộ quá nhiều điều đáng cảnh báo về an toàn tính mạng cho bệnh nhân. Hơn 3 năm trôi qua kể từ khi báo Tiền Phong bắt đầu phơi bày những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng trong đấu thầu thuốc và mua sắm trang thiết bị y tế tại Đắk Lắk, tới nay tỉnh vẫn chưa xử lý dứt điểm vụ việc như chỉ đạo nhiều lần của Thủ tướng Chính phủ.

MỚI - NÓNG