Phát hiện muộn - hậu quả lớn
Chị Thu Thủy (Phường 9, Quận 5, Tp.HCM) làm công việc văn phòng đã gần 7 năm nay. Suốt ngày bận rộn bên máy tính nên chị rất ít vận động, có ngày gần như chỉ ngồi một chỗ, ngay cả lúc ăn cơm. Bên cạnh đó, vì ngồi điều hòa, không tiết mồ hôi nên chị cũng chẳng mấy khi uống nước. Dù biết đó là những thói quen xấu nhưng chị cũng tặc lưỡi cho qua.
Thời gian gần đây, chị thấy mệt mỏi, đau nhức và thường xuyên bị táo bón. Ngày nào tới cơ quan, chị Thủy cũng nhăn nhó, đứng ngồi không yên. Đặc biệt, mấy hôm nay, chị đi ngoài bị hay bị ra máu đỏ tươi. Quyết định đi khám, chị được bác sĩ kết luận: bị trĩ độ I.
Chị Thủy chắc chắn không phải là nạn nhân duy nhất của bệnh trĩ. Trao đổi với phóng viên SKGĐ, BS. Vũ Văn Khiên (Trưởng khoa Nội tiêu hóa, bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết: trĩ là bệnh phổ biến ở cả nam và nữ. Bệnh trĩ thường hay gặp ở người béo phì, nghiện bia rượu, người bị xơ gan, những người làm công việc phải mang vác vật nặng thường xuyên hoặc lười vận động...
Vẫn theo bác sĩ Khiên, nhân viên văn phòng là một trong những đối tượng rất dễ mắc phải bệnh này vì họ ít vận động, ngồi nhiều, ăn nhiều nhưng lại uống nước ít. Bên cạnh đó, môi trường làm việc nhiều áp lực, đầu óc căng thẳng cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ.
Nhiều người vì tâm lý e ngại, chủ quan và không ý thức được sự nguy hiểm của bệnh nên đã không kịp thời phát hiện sớm các dấu hiệu. Đến khi đi khám thì tình trạng đã trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày.
“Trĩ được chia thành 3 mức độ. Bệnh nhân trĩ độ II trở xuống có thể điều trị bằng nội khoa, độ III phải tiến hành phẫu thuật. Những bệnh nhân có búi trĩ to thường gặp nhiều biến chứng nguy hiểm vì búi trĩ rất dễ bị nhiễm trùng huyết, gây viêm hoại tử, lâu ngày bị vỡ ra, hoặc nghẹt lại tạo thành ổ áp xe. Đã từng có bệnh nhân chết vì nhiễm trùng búi trĩ. Chính vì vậy, khi thấy các biểu hiện như phân có máu đỏ tươi, đau rát hậu môn… cần nhanh chóng đến bệnh viện để nội soi trực tràng”, bác sĩ Khiên khẳng định.
Tránh tin tưởng các thầy lang dạo
Về biện pháp điều trị, bác sĩ Khiên cho biết: “Với những người bị trĩ nặng (độ III) thì nhất thiết phải tiến hành phẫu thuật ở những cơ sở uy tín. Với những bệnh nhân có thể điều trị bằng phương pháp nội khoa (trĩ độ I, II) thì nên sử dụng thuốc Tây để đạt hiệu quả nhanh.
Các bệnh nhân cũng có thể kết hợp điều trị bằng các bài thuốc dân gian. Tuy nhiên, nếu điều trị bằng Đông y thì nên tới các bệnh viện của nhà nước, bởi tất cả các loại thuốc đều được kiểm duyệt và qua hội đồng khoa học thẩm định nên an toàn.
Đồng thời, tuyệt đối tránh tin tưởng những thầy lang dạo mà sử dụng các loại thuốc lá, thuốc bôi không rõ nguồn gốc, công dụng. Thực tế, chúng tôi đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân sau khi sử dụng thuốc lá của những lang y vô danh phải cấp cứu trong tình trạng nhiễm trùng nặng vì búi trĩ tạo thành một mảng khối áp xe rất lớn”.
Bên cạnh đó, để đẩy nhanh quá trình điều trị cũng như ngăn ngừa bệnh tái phát, bệnh nhân cần có chế độ ăn uống lành mạnh. Theo đó, bạn cần uống nhiều nước (từ 2-3 lít/ngày), ăn thức ăn có nhiều chất xơ (các loại rau, quả) và các thực phẩm giúp nhuận tràng (khoai lang, chuối, mật ong…).
Mặc dù, trĩ là bệnh có thể gây nhiều biến chứng và rất dễ tái phát nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Nhâm - Chủ tịch Hội Hậu môn, Trực tràng học Việt Nam, bệnh trĩ có thể điều trị dứt điểm được nếu bệnh nhân có chế độ ăn uống và sinh hoạt đúng cách.
Phòng ngừa bệnh trĩ - Cách nào?
- Tập thói quen đi cầu đều đặn hàng ngày.
- Điều chỉnh thói quen ăn uống:
+ Tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, trà.
+ Tránh các thức ăn nhiều gia vị như ớt, tiêu.
+ Uống nước đầy đủ (khoảng 2-3 lít/ngày)
+ Ăn nhiều chất xơ.
- Tránh ngồi nhiều hoặc đứng lâu, nên vận động sau khoảng 30-60 phút bằng cách đi lại 5-10 phút
- Giữ cho đầu óc thoải mái, tránh những căng thẳng không cần thiết.