Bệnh nhân L.T.T (36 tuổi, Yên Bái), bị suy thận mạn suốt 4 năm, đã được tạo cầu nối AVF tại tay trái. Trước khi nhập viện 5 ngày, chị xuất hiện triệu chứng sưng, đau tại vùng cầu nối, ảnh hưởng đến hiệu quả lọc máu. Qua thăm khám tại Trung tâm Tim mạch, các bác sĩ phát hiện huyết khối gây tắc hoàn toàn tĩnh mạch cánh tay đầu bên trái, lan vào tĩnh mạch dưới đòn. Hình ảnh chụp cho thấy cầu nối AVF bị xơ vữa, vôi hóa, dãn 10x12mm. Chị T. được chỉ định thực hiện kỹ thuật nong bóng tái thông mạch máu.
![]() |
Trường hợp tương tự là bệnh nhân M.T.D (53 tuổi, Lào Cai), đã lọc máu nhân tạo trong suốt 10 năm. Trước nhập viện một tuần, chị bị đau tay trái lan ra lưng và hai chân sau khi lọc máu. Điều trị tại cơ sở y tế địa phương không cải thiện, chị được chuyển về Bệnh viện E. Tại đây, các bác sĩ phát hiện cầu nối AVF bị hẹp tĩnh mạch và chỉ định can thiệp nong bóng để tái thông dòng chảy.
AVF – “Đường dẫn máu” sống còn cho bệnh nhân suy thận mạn
ThS. Nguyễn Hoàng Nam, Phó khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực – Trung tâm Tim mạch, cho biết: “Cầu nối AVF được ví như ‘đường dẫn máu’ quan trọng đối với bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Đây là kết quả của phẫu thuật tạo nối giữa động mạch và tĩnh mạch, nhằm cung cấp dòng máu đủ lớn phục vụ cho quá trình lọc máu".
So với các phương pháp tiếp cận mạch máu khác, AVF có độ bền cao, ít biến chứng như nhiễm trùng hay đông máu và có thể sử dụng lâu dài. Tuy nhiên, trong quá trình lọc máu, cầu nối này cũng có thể gặp phải nhiều biến chứng như hẹp, tắc, phồng, giả phồng hoặc vỡ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu lượng máu và hiệu quả lọc máu.
![]() |
Việc phát hiện sớm các tổn thương và can thiệp kịp thời đóng vai trò quyết định trong việc duy trì chức năng AVF. Những nguyên nhân phổ biến gây hẹp cầu nối bao gồm xơ hóa thành mạch, xơ vữa, quá sản nội mạc hoặc huyết khối bám thành. Khi lưu lượng máu giảm, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, buồn nôn, thậm chí nhiễm độc do chất thải không được đào thải hiệu quả.
Can thiệp ít xâm lấn – Giải pháp hiệu quả và bền vững
Theo BSCKII Nguyễn Thế Huy – Khoa Nội Tim mạch người lớn, việc sử dụng kỹ thuật can thiệp nội mạch bằng nong bóng hoặc đặt stent tái thông dòng chảy là một giải pháp điều trị hiệu quả, ít xâm lấn. Phương pháp này không chỉ cải thiện lưu lượng máu ngay lập tức mà còn kéo dài tuổi thọ cầu nối, hạn chế việc phải tạo cầu nối mới – vốn là một can thiệp phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngoài ra, can thiệp sớm còn giúp giảm thời gian nằm viện, chi phí điều trị và tránh các biến chứng nặng. Người bệnh được đảm bảo quá trình chạy thận liên tục, ổn định, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống đáng kể.
Khuyến cáo
Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch khuyến cáo, người bệnh có cầu nối AVF cần được theo dõi định kỳ, kiểm tra thường xuyên để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường như: sưng, đỏ, đau, giảm tiếng rung, khó tiếp cận khi lọc máu. Ngoài ra, người bệnh cần tránh mang vác nặng, không tạo áp lực lên tay có cầu nối, giữ vệ sinh vùng cầu nối và tuân thủ lịch tái khám theo hướng dẫn.
![]() |
Đặc biệt, người bệnh nên lựa chọn các cơ sở y tế có chuyên khoa sâu như Bệnh viện E để được chăm sóc, theo dõi và can thiệp kịp thời.
Là bệnh viện đa khoa tuyến trung ương, Bệnh viện E sở hữu mô hình điều trị toàn diện với nhiều chuyên khoa mũi nhọn như tim mạch, cấp cứu, cơ xương khớp, tiêu hóa, thận tiết niệu và lọc máu… Điều này giúp bệnh nhân được điều trị khép kín ngay tại một cơ sở, không cần di chuyển giữa các bệnh viện khác nhau – đặc biệt quan trọng đối với những người suy thận mạn vốn đã phải gánh chịu nhiều bất tiện trong quá trình điều trị kéo dài.