Bệnh nhân COVID-19 là phi công người Anh ngồi xe lăn phơi nắng, tự cầm bút viết bảng

TPO - Bệnh nhân mắc COVID-19 là nam phi công người Anh đã có thể ngồi được trên xe lăn với sự trợ giúp của nhân viên y tế để phơi nắng mỗi sáng.

Chiều ngày 11/6, BV Chợ Rẫy cho biết, sau một tuần cai ECMO, sức khỏe bệnh nhân tốt lên từng ngày.

Cụ thể, về nhiễm trùng ở phổi do virus Burkholderia cenocepacia và Ralstonia Pickettii, mẫu cấy đàm gần nhất của bệnh nhân đã âm tính. Trong 2 ngày qua, bệnh nhân được tập bỏ máy thở ngắt quãng và thời gian bỏ máy thở đang tăng dần. Bệnh nhân không còn sốt, thở chậm hơn với lượng oxy cung cấp chỉ 3 lít/phút.

Bệnh nhân COVID-19 là phi công người Anh ngồi xe lăn phơi nắng, tự cầm bút viết bảng ảnh 1 Sức khỏe nam phi công tiến triển tốt lên từng ngày. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân hiện tại tỉnh táo hoàn toàn, có thể nhớ cả mật khẩu của điện thoại và iPad của mình; vận động hai chi trên dần hồi phục về mức bình thường, có thể cầm bút viết lên bảng và sử dụng được điện thoại, sức cơ hai chân cũng cải thiện 3/5 từ mức 1/5 của một tuần trước đó. Bệnh nhân cũng có thể ngồi được trên xe lăn với sự trợ giúp của nhân viên y tế để phơi nắng mỗi sáng.

Bác sĩ điều trị bệnh nhân 91 cho biết, kế hoạch điều trị tiếp theo là sẽ ngưng kháng sinh khi đã đủ liều, tiếp tục tập bỏ máy thở, tiếp tục dinh dưỡng đầy đủ, tập vận động phục hồi chức năng tích cực, phòng ngừa các nguy cơ nhiễm trùng mới và sau cùng là đánh giá việc rút cannule mở khí quản sau khi đã bỏ được máy thở để bệnh nhân có thể giao tiếp trở lại bằng lời nói.

Theo BV Chợ Rẫy, với sự tiến bộ hiện tại của bệnh nhân, có thể thời gian cần cho việc bỏ hoàn toàn được máy thở sẽ ngắn hơn như đã tiên lượng trước đó.

Bệnh nhân 91 là người mắc COVID-19 nặng nhất, đến nay đã hơn 80 ngày ngày điều trị. Bệnh nhân này có những diễn biến rất bất thường. Từ lúc nhập viện ngày 18/3, bệnh nhân liên tục diễn tiến xấu dần. Đến ngày 5/4, bệnh nhân phải thở máy xâm nhập; ngày 6/4, bệnh nhân phải hỗ trợ máy tim phổi nhân tạo ECMO và lọc máu liện tục; này 24/4 các bác sĩ buộc phải mở nội khí quản cho bệnh nhân. Cả 2 phổi bệnh nhân bị đông đặc, có thời điểm phổi chỉ còn hoạt động 10%, bệnh nhân lệ thuộc hoàn toàn vào máy tim phổi nhân tạo ECMO.

Trong suốt thời gian trên, có những thời điểm bệnh nhân chuyển biến tốt, nhưng sau đó lại chuyển biến xấu, có lúc tưởng chừng bệnh nhân không qua khỏi.

“Dù bệnh nhân đang bỏ máy tập thở, nhưng vẫn cần nhiều tuần để cai máy thở và phục hồi chức năng vận động, trong quá trình hồi phục có thể bị những đợt nhiễm trùng mới” – BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy chia sẻ.

MỚI - NÓNG