Bác sĩ Nguyễn Duy Khánh, Trung tâm Nam học (Bệnh viện Việt Đức) cho biết bệnh nhân N.S.T. nhập viện trong tình trạng tinh hoàn phải treo cao, cứng chắc, siêu âm doopler mất hết tín hiệu mạch, hoại tử trung tâm. Bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu, cắt tinh hoàn phải, cố định tinh hoàn trái.
PGS.TS Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học thông tin thêm: “Chẩn đoán xoắn tinh hoàn có thể nhầm với u tinh hoàn, viêm tinh hoàn. Do vậy thông thường một số nơi điều trị nhầm bằng kháng sinh truyền dịch giảm đau đến khi quá 6 tiếng tinh hoàn sẽ bị hoại tử và không còn khả năng bảo tồn. Việc cắt tinh hoàn là tất yếu với những trường hợp xoắn tinh hoàn để muộn”.
Chuyên gia nam khoa khuyến cáo, với những bệnh nhân đau tinh hoàn bất thường thậm chí là đau vùng bụng dưới khi thăm khám lâm sàng cho bệnh nhân thì bác sĩ cần loại trừ nguyên nhân xoắn tinh hoàn đầu tiên để tránh bỏ sót thương tổn. Hiện bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.
Xoắn tinh hoàn là bệnh lí cấp cứu ngoại khoa, thường gặp ở trẻ em và có những triệu chứng gây nhầm lẫn với những bệnh lí khác. Phát hiện và điều trị xoắn tinh hoàn kịp thời giúp tránh những biến chứng nghiêm trọng như hoại tử tinh hoàn, teo tinh hoàn.
Mặc dù tỉ lệ nam giới bị xoắn thừng tinh hoàn rất thấp nhưng nguyên nhân chính vẫn chưa được biết một cách chính xác. Xoắn có thể xảy ra trong lúc đang làm việc, có liên quan đến chấn thương, hoặc xảy ra trong khi ngủ.