> Thực hư bệnh lạ… mở khóa đầu
> Quanh thông tin bệnh mở khóa đầu: Bác sỹ, thầy lang nói gì?
Ở vùng cao tồn tại vô số bệnh lạ nhưng có lẽ lạ nhất là căn bệnh mang tên "mở khóa đầu". Lạ ngay từ cái tên đặc chất dân gian bởi nó không hề có trong y văn hiện đại, Tây y không có cách chữa trị mà chỉ trông chờ vào các bài thuốc nam gia truyền.
Cơ chế dị thường được giải thích nôm na rằng xương sọ bình thường có những rãnh răng cưa liền khít nhưng khi bị bệnh, cái rãnh đó như một cái khóa “phéc mơ tuya” sẽ mở ra. Người mắc chứng bệnh này sẽ bị đau đầu khủng khiếp, buồn nôn, không ăn, không uống và tử vong nhanh chóng.
Mở khóa đầu thường thấy ở một số tỉnh như Quảng Ninh, Cao Bằng nhưng mật độ dày đặc nhất phải nói đến quanh các xã vùng lòng hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang).
Ông Tô Thanh Dũng, nguyên Trạm trưởng Trạm y tế xã Hộ Đáp, có thâm niên công tác trên 20 năm, cho biết: “Bệnh này rất phổ biến ở xã Hộ Đáp, xưa có lác đác, hay gặp nhiều nhất từ 20 năm trở lại đây, thường bị trên trẻ sơ sinh. Trẻ sinh vào mùa đông tỷ lệ mắc khoảng 60%, mùa xuân 50%, mùa hè 40%...
Mở khóa đầu có những biểu hiện điển hình như đau đầu, nôn mửa, bỏ bú, đường nứt từ đỉnh đầu bị mở ra, đặt ngón tay vào liền lõm xuống (không tính đến thóp mềm mà trẻ em nào cũng có).
Có trẻ bị mở từ đỉnh đầu đến gáy; có trẻ lại mở theo hình chữ thập đến tận mang tai. Đứa nào mở dài qua trán, xuống dưới lông mày là khó cứu nổi.
Trẻ mắc bệnh mở khóa đầu nếu không chữa kịp thời sẽ bỏ bú và chết đói bởi dù có luồn ống xông xuống mũi đổ sữa vào, dùng xi lanh bơm nhưng khi rút xông ra, chúng đau, vặn mình một cái là nôn ra hết.
Tỷ lệ người Kinh bị nhiều hơn người Nùng, hay gặp ở các xóm Héo A, Héo Ba, Cái Cặn 1, Cái Cặn 2, Đèo Trang”.
Con anh Nguyễn Văn Hòa (thôn Héo A) trước đây có những biểu hiện điển hình của bệnh mở khóa đầu, bế đi viện người ta bảo, "có chồng cả gang tiền may ra cứu nổi".
Lúc bệnh viện trả về, có bác sĩ còn khuyên anh Hòa rằng: “Mang về, dọc đường vùi chỗ nào thì vùi chứ không thể sống sót”. Bà nội ôm cháu về nhìn đứa bé quắt queo, thoi thóp như con mèo hen khiến cả nhà, cả họ đều nhếu nháo khóc.
Tình cờ bà Nông Thị Mua, người cùng xóm, đi lùa trâu qua, gặp cảnh đó thương tình soi đèn đi lấy thuốc ở bờ ruộng. Được một nhúm nhỏ chỉ bằng cái mai con cua, bà giã nát ra, đắp theo vệt mở của đứa con anh Hòa (tuyệt đối không được đắp vào thóp kẻo bị câm).
Đắp một lúc, đứa bé đã biết ngậm vú mẹ, đắp vài ngày nó đã khỏi. Bác sĩ năm nào lúc gặp lại anh Hòa hỏi: “Thằng bé nhà anh lúc trước giờ còn hay mất?”.
Anh tủm tỉm mà nói rằng: “Nó nghịch như giặc ấy”, khiến cho vị bác sĩ được phen mắt tròn mắt dẹt trước tài nghệ của những bà lang miệt vườn.
Đường rãnh nứt trên hộp sọ trẻ nhỏ. |
Một trường hợp khác gần nhà trưởng thôn là ông Lại Văn Hà, có 4 cháu nội thì cả 4 đều mắc bệnh mở khóa đầu. Lại Thị Hạnh học lớp 3, Lại Trà My lớp 1, Lại Vũ Duy và Lại Mạnh Hùng đều 3 tháng tuổi; trong đó, Lại Mạnh Hùng bị mở nặng nhất theo hình chữ thập, bỏ bú.
Thấy con bú mẹ bị nôn người nhà hốt hả đi mua sữa ngoài về cho ăn cháu cũng nôn ra hết. Sau đó tìm đến nhà bà Nông Thị Mua, cả bốn đứa cháu ông Hà đều được chữa khỏi.
Ở thôn Héo A, hầu như nhà nào cũng có con cháu bị mắc bệnh mở khóa đầu. Hai đứa con của anh Lại Văn Kiểm, trưởng thôn, cũng không phải ngoại lệ.
Lại Văn Kiên năm nay 4 tuổi, hồi mới đẻ bị mở khóa từ đỉnh đầu đến trán, còn đứa thứ hai mới sinh được hơn một tháng tuổi, bị nặng hơn, mở một đường từ giáp chân mày đến gáy.
Lúc mới đẻ ra, nó không chịu bú, chỉ khóc ngằn ngặt. Về sau, nó được bà Nông Thị Mua đắp thuốc cho một buổi đã biết ăn, đắp 5 ngày liên tiếp đã khỏi hẳn.
Chị Chín, mẹ cháu bé, miết nhẹ tay trên đầu con, chỉ đường mở khóa là một cái rãnh mềm mềm chạy dọc và bảo: “Vết này phải ba bốn năm mới liền hẳn xương”.
Bệnh không chỉ có trên trẻ sơ sinh mà với cả những người lớn, khi xương sọ đã rắn chắc, định hình rồi nhưng một ngày bỗng nhiên cũng mở khóa. Ông Lại Văn Cống (54 tuổi, ở thôn Héo A) kể, giữa năm ngoái ông tự nhiên sinh đau đầu khủng khiếp.
Bên ngoài sốt hầm hập mà trong người ông như có băng giá tái tê, ra trạm xá mua thuốc giảm đau uống chẳng thấy đỡ. Đến bữa, ăn vào bao nhiêu liền nôn ra bấy nhiêu khiến ông Cống sút đến dăm ba cân trong vòng một vài ngày.
Ông kể: “Đau đâu, buốt nhức đấy! Mắt tôi cứ díp lại, phải lấy hai bàn tay ấn chặt vào chỗ nứt nhưng cũng chỉ đỡ được một tí rồi lại đau như cũ”.
Dùng thuốc tây mãi không đỡ, người ta mới chợt nghĩ đến bệnh mở khóa đầu. Chính vợ ông là bà Nguyễn Thị Dịp đã lấy tay lần sờ kiểm tra rồi giật mình vì đầu chồng mình bỗng nhiên có một kẽ nứt chạy dưới lớp da nhun nhũn.
Hốt quá, bà Dịp vội vã đi lấy thuốc, giã nát, buộc dịt vào đầu chồng. Lạ thay, sáng đắp, chiều ông đã biết cầm bát ăn cơm. Đầu cứ nhẹ dần, cơn đau càng ngày càng lùi xa.
Sau khi đắp thuốc 3 ngày, ông Cống đã khỏi hẳn, mỗi bữa ăn được 3 lưng bát; chẳng bù cho khi trước, một ngày không nổi một bát, chỉ uống nước đường cầm hơi mà vẫn bị nôn.
Ông Tô Văn Bảo cũng mắc chứng bệnh lạ nhưng do chữa trị muộn nên xảy ra biến chứng mù mắt phải. |
Một trường hợp khác, ông Tô Văn Bảo (79 tuổi, ở xóm Héo A), nguyên là một y tá già về nghỉ hưu. 13 năm trước bị đau đầu, ông Bảo cứ chủ quan nghĩ là người già không bị mở khóa đầu nên không đắp thuốc.
Sau đau quá, đau đến vỡ đầu, đau đến không nằm được mà cứ nửa nằm, nửa ngồi, con ông mới sờ lên đầu bố.
Cái đầu nóng như chõ đang đồ xôi. Sờ nắn một hồi, anh thấy ngón tay mình lọt xuống một cái rãnh hệt như khe hở ở bàn tay, mở theo hình chữ thập mới bảo: “Bố bị mở khóa đầu rồi”.
Vợ ông Bảo đi lấy lá thuốc về đắp ba đợt cho chồng nhưng vì đắp muộn, bệnh đã lây sang mắt. Người nhà đưa ông xuống dưới bệnh viện Bắc Giang khám, được chẩn đoán mắc viêm tủy sống mắt, biến chứng hỏng mất mắt phải.
Cao tuổi còn hơn cả ông Bảo là mẹ của chị Tô Thị Kết, mắc bệnh lúc hơn 80 tuổi. Theo một số người già trong vùng, có loại mở khóa 24 giờ, nếu lấy thuốc kịp trong 24 giờ là sống, có loại mở khóa 48 giờ, lấy thuốc muộn sau hai ngày là sinh co giật, biến chứng nguy hiểm.
Về cách giải, cũng có nhiều bài thuốc "giữ khóa" lưu truyền trong dân gian, nguyên liệu, phương pháp có thể khác nhau nhưng cùng chung một tác dụng.
Theo Nông Nghiệp Việt Nam