56 bức tranh trưng bày tại triển lãm đã từng được Sotheby’s tổ chức bán đấu giá và người mua chúng là những nhà sưu tập quốc nội. Để có được triển lãm này, Sotheby’s đã đi mượn tranh từ 9 nhà sưu tập Việt Nam. Tên tuổi của các nhà sưu tập Việt đến nay vẫn được Sotheby’s giữ kín bởi ở Việt Nam, sự giàu có thông qua việc bỏ nhiều tỷ ra mua tranh vẫn rất dễ bị dèm pha. Và, những người chơi tranh tại Việt Nam, dù rằng đã thể hiện được phông văn hoá cao nhưng vẫn dễ bị đánh đồng với các trọc phú chơi ngông.
Tuy vậy, theo thời gian, những người chơi tranh và sưu tầm tranh Việt vẫn ngày một nhiều với những bức tranh sưu tập ngày càng có giá trị, cho thấy ngày càng nhiều những người giàu có ở Việt Nam có lối thụ hưởng hướng tới những giá trị tinh thần đúng nghĩa. Và, tranh Việt ngày càng có giá trị.
Khách tham quan xếp hàng để xem những bức tranh triệu đô tại triển lãm |
Là một trong những triển lãm hiếm hoi tại Việt Nam, ngay từ khi mở cửa, khách tham quan phải xếp hàng xem tranh. Có những người đến với triển lãm chỉ vì tò mò, muốn chứng kiến “những bức tranh giá khủng” nó ra làm sao. Và họ tới xem và “selfie” bên bức tranh để khoe với mọi người. Cũng có không ít người tới xem tranh bởi đã từng (hay đang) ôm mộng một ngày đẹp trời sẽ vẽ được những bức tranh có giá trị. Thế nhưng, một bức tranh có giá trị không chỉ ở tài năng của họa sỹ.
Một chút đáng tiếc là triển lãm mới chỉ giới thiệu những bức tranh chưa thật tiêu biểu của những hoạ sỹ “triệu đô” gốc Việt. Những bức tranh có giá trị cao của “bộ tứ danh hoạ” như “Chân dung cô Phượng” (Mai Trung Thứ) trị giá hơn 3 triệu USD, “Dáng hình trong vườn” (Lê Phổ) trị giá 2,28 triệu USD, “Người phụ nữ bên các con” (Lê Thị Lựu) có giá trên 900 nghìn USD… không có mặt tại triển lãm lần này.
Theo đại diện nhà tổ chức, những bức tranh tại triển lãm sẽ còn tăng giá trị theo thời gian bởi nhu cầu sưu tập tranh của người Việt đang tăng mạnh. Sotheby’s với góc nhìn của một nhà kinh doanh nhạy bén đã sớm nắm bắt được xu thế này. Việc đưa triển lãm tranh của danh hoạ Việt về với…người Việt không nằm ngoài chiến lược khôn ngoan. Đó là sẽ tiếp tục đưa giá bán của những bức tranh Việt đạt kỷ lục mới, bởi dù đã có những bức tranh giá vài triệu USD, so với tranh của một số hoạ sỹ danh tiếng của các nước lân cận (Nhật, Trung Quốc…), tranh Việt vẫn còn khoảng cách khá lớn về giá bán.
Đến với triển lãm tranh của “bộ tứ danh họa” người Việt sống ở nước ngoài, không ít người trăn trở bởi đến thời điểm này vẫn chưa có những triển lãm đúng tầm để giới thiệu các tác phẩm đặc sắc của bộ tứ danh hoạ tài hoa trong nước: Nghiêm-Liên-Sáng-Phái (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái), dù rằng tranh của họ được đánh giá rất cao trên thị trường tranh thế giới.
Theo nhà phê bình mỹ thuật Lý Đợi, tranh Việt vẫn còn những khoảng cách so với tranh của nhiều nước trên thế giới không phải bởi tài năng hoạ sỹ Việt mà còn bởi sự đánh giá, thẩm định tranh Việt chưa thực sự đúng tầm.
“Tài năng của hoạ sỹ Việt thuộc trường Mỹ thuật Đông Dương đã thực sự được khẳng định trên thị trường tranh thế giới, nhưng để nâng tầm thị trường tranh Việt cần có những đánh giá, định giá từ chính những người Việt có nhu cầu sưu tập tranh Việt”, nhà phê bình Lý Đợi chia sẻ.