Bế mạc SEA Games: Việt Nam thứ ba toàn đoàn

Bế mạc SEA Games: Việt Nam thứ ba toàn đoàn
TP - Tối qua, lễ bế mạc hoành tráng của nước chủ nhà Myanmar, được cho là có kinh phí lên tới 30 triệu USD, đã khép lại những ngày SEA Games sôi động và cũng không thiếu scandal.

> Lễ bế mạc 'triệu đô' của SEA Games 27
> Toàn cảnh SEA Games 27

Lễ bế mạc SEA Games 27 được biết có chi phí lên tới 30 triệu USD. Ảnh: VSI
Lễ bế mạc SEA Games 27 được biết có chi phí lên tới 30 triệu USD. Ảnh: VSI.

Kết thúc SEA Games 27, đoàn thể thao Việt Nam đã vượt chỉ tiêu 70 HCV đã đề ra trước ngày lên đường, khi các vận động viên xuất sắc mang về 73 tấm HCV, xếp thứ 3 toàn đoàn tại SEA Games 27.

Ngôi vị số 1 đã được Thái Lan sớm khẳng định với 103 HCV, 93 HCB và 80 HCĐ. Chủ nhà Myanmar giành ngôi nhì với 82 HCV, 59 HCB và 83 HCĐ. Xếp thứ tư phía sau đoàn thể thao Việt Nam là đoàn Indonesia với 64 HCV, 82 HCB và 107 HCĐ.

Năm nay, nước chủ nhà Myanmar do áp lực thành tích, đã loại và cắt giảm rất nhiều nội dung thế mạnh của Việt Nam. Nhưng các VĐV đã rất nỗ lực thi đấu để đạt được thành tích đó. Vật, bắn súng, võ, bơi lội, điền kinh…là những nội dung có thể cho chúng ta hy vọng.

Bơi lội Việt Nam đoạt 5 HCV, 5 HCB và 2 HCĐ. Đây là thành tích tốt nhất trong lịch sử tham dự SEA Games của bơi lội Việt Nam. Tuy nhiên, những chiếc huy chương này vẫn tập trung vào một cá nhân (mỗi mình Nguyễn Thị Ánh Viên giành 3 HCV) và phần nào đó chưa làm các thành viên đội tuyển bơi lội Việt Nam hài lòng.

Giành tới 5 HCV trong ngày thi đấu cuối cùng, đội tuyển điền kinh từ chỗ hết hy vọng hoàn thành chỉ tiêu, đã xuất sắc giành vừa đủ 10 HCV như mục tiêu đặt ra trước ngày lên đường. Đó là một điều thần kỳ của ĐT điền kinh tại SEA Games năm nay. Đáng chú ý là những gương mặt giành vàng của điền kinh là những gương mặt ít hy vọng nhất như Nguyễn Văn Hùng, Dương Văn Thái, Nguyễn Văn Lai…

Nhưng gây thất vọng nhất phải là tuyển bóng đá U23 Việt Nam. U23 Việt Nam đang bắt đầu một cuộc chuyển giao thế hệ, những cầu thủ dự SEA Games 27 phần lớn là những gương mặt trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong thi đấu. Tổng cục TDTT cũng như VFF đã đầu tư, nỗ lực hết sức và tạo các điều kiện tốt nhất để U23 Việt Nam đi tập huấn ở châu Âu và thi đấu cọ xát với nhiều đội quốc tế để nâng cao thành tích, nhưng kết quả đã bị loại ở vòng bảng, một kết quả kém nhất trong các kỳ SEA Games kể từ năm 2001, năm đầu tiên áp dụng lứa tuổi U23 cho bóng đá nam tại SEA Games.

Bế mạc SEA Games: Việt Nam thứ ba toàn đoàn ảnh 2

SEA Games ra đời với mục đích thắt chặt mối quan hệ của các quốc gia trong khu vực, đồng thời làm bàn đạp để thể thao Đông Nam Á vươn ra tầm châu lục và thế giới. Nhưng căn bệnh chung của thể thao Đông Nam Á bây giờ đã làm tiêu chí ban đầu của SEA Games lệch hướng. Đó là bệnh thành tích, là có huy chương bằng mọi giá, là sức ép của trọng tài, là ngôi vị nhất toàn đoàn, nước nào tổ chức là nước đó “hốt” huy chương để báo cáo chính phủ và để ngành thể thao của quốc gia có được nhiều thứ sau mỗi kỳ SEA Games.

Trên bảng tổng sắp huy chương SEA Games kỳ này thì Việt Nam đứng thứ 3. Nhưng nhìn xa hơn ở các đấu trường Asian Games hay Olympic thì Việt Nam chỉ được 1, 2 HCV là nhiều. Thành tích ở những đấu trường này còn đứng sau Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines. Rõ ràng là Thể thao Việt Nam phát triển mà thiếu chiều sâu, đó là điều mà các nhà quản lý thể thao Việt Nam phải chú y.

Tường Vũ
Từ Myanmar

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG