Nặng nhất là một vết thương trên đầu của bé, dài 15 cm, lộ xương sọ, chảy máu nhiều. Bác sĩ Nguyễn Minh Nghĩa, khoa Phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ, Bệnh viện Xanh Pôn, cho biết các bác sĩ đã nhanh chóng vệ sinh, cắt lọc và khâu lại các vạt da trên mặt cho bé.
"Nếu không kịp thời phẫu thuật, các vết thương rất dễ bị nhiễm trùng, nguy hiểm đến tính mạng của bé", bác sĩ Nghĩa nói.
Sau 4 ngày điều trị, vết thương của bé đã khô, sức khỏe ổn định. Người nhà cho biết bé sang nhà hàng xóm chơi và bị con chó nuôi ở đây tấn công.
Đầu em bé có vết rách do chó cắn. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Theo bác sĩ Nghĩa, khi không may bị chó cắn, cần làm sạch vết thương bằng cách rửa dưới vòi nước chảy hoặc dùng bông và thuốc sát trùng như cồn, ôxy già lau rửa nhẹ nhàng, không chà xát mạnh. Sau khi rửa sạch vết thương, dùng băng gạc hoặc vải sạch để băng bó lại nhằm cầm máu cũng như ngăn nhiễm khuẩn. Nếu chó cắn vào chân hay cánh tay, cần giơ cao vùng bị thương của nạn nhân để cầm máu. Sau đó, đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để được xử lý vết thương và tiêm phòng dại.