Bầy tuần lộc lớn nhất thế giới biến mất gần một nửa

Quần thể tuần lộc lớn nhất thế giới ở Taimyr (Nga) đã suy giảm gần một nửa số lượng từ năm 2000 đến nay. Ảnh: LiveScience.
Quần thể tuần lộc lớn nhất thế giới ở Taimyr (Nga) đã suy giảm gần một nửa số lượng từ năm 2000 đến nay. Ảnh: LiveScience.
Quần thể tuần lộc hoang dã lớn nhất thế giới sống trên bán đảo Taimyr của Nga đã giảm 40% cá thể do biến đổi khí hậu và hoạt động của con người.

Theo BBC, thông tin được công bố tại Hội nghị Mùa thu của Hiệp hội Vật lý địa cầu Mỹ (AGU) diễn ra từ 12 đến 16/12 tại California, Mỹ, tiếp nối những cảnh báo mới nhất về sự suy giảm số lượng một số loài động vật hoang dã như hươu cao cổ, voi, gấu Bắc cực...

"Loài tuần lộc vô cùng quan trọng đối với đa dạng sinh thái", giáo sư Andrey Petrov, giám đốc Trung tâm Bắc cực thuộc Đại học Northern Iowa, phát biểu tại hội nghị. "Chúng là một mắt xích trong chuỗi thức ăn vùng Bắc cực và nếu không có chúng, các loài khác sẽ gặp nguy hiểm".

Taimyr là nơi sinh sống của quần thể tuần lộc lớn nhất thế giới. Chúng được theo dõi chặt chẽ trong gần 50 năm qua bởi các khảo sát trên không cũng như hình ảnh vệ tinh. Quần thể có 1.000.000 cá thể vào năm 2000, tuy nhiên nghiên cứu mới nhất cho thấy số lượng giờ chỉ còn 600.000.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy vào mùa hè, bầy tuần lộc di chuyển về phía bắc và đến những vùng đất cao hơn. Họ cho rằng sở dĩ có hiện tượng này là vì loài vật muốn tìm đến nơi mát mẻ hơn cũng như để tránh muỗi vốn sinh sôi mạnh ở những nơi ấm nóng và ẩm ướt.

Ngoài ra, quá trình phát triển công nghiệp tại khu vực cũng ảnh hưởng đến nơi ở và sự phân bố của quần thể tuần lộc khi chúng phải di chuyển xa hơn về phía đông để tránh con người. Những sự thay đổi này làm gia tăng chiều dài quãng đường mà bầy tuần lộc phải vượt qua mỗi chuyến di cư.

Bầy tuần lộc lớn nhất thế giới biến mất gần một nửa ảnh 1

Bầy tuần lộc phải đối diện nhiều nguy hiểm hơn khi bơi qua sông. Ảnh: Thinkstock.

"Giờ đây chúng phải đưa con mới sinh đi xa hơn nhiều để đến được địa điểm cư trú. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ tuần lộc con chết trên đường đi gia tăng", giáo sư Petrov giải thích. Ông cũng cho biết các dòng sông trong khu vực đang trở nên lớn hơn về kích cỡ, khiến bầy tuần lộc phải đối diện với nhiều nguy hiểm khi bơi thay vì đi qua sông.

Thông tin về sự suy giảm số lượng cá thể của bầy tuần lộc lớn nhất thế giới tiếp nối những cảnh báo mới nhất về nguy cơ tuyệt chủng một số loài động vật hoang dã. Nghiên cứu mới đây của Liên minh Bảo tồn quốc tế (IUCN) đã chỉ ra rằng số lượng hươu cao cổ trên phạm vi toàn cầu đã giảm tới 40% trong vòng 30 năm qua.

Con số này đã khiến hươu cao cổ lần đầu tiên được liệt vào danh sách "sắp nguy cấp" (vulnerable) trong Sách Đỏ. Thống kê trong Sách Đỏ còn cho thấy khoảng 24.307 trong tổng số 85.604 loài được đưa vào danh sách đánh giá trong những thập niên gần đây đều đứng bên bờ vực tuyệt chủng.

Trước đó, Quỹ Thiên nhiên hoang dã quốc tế (WWF) dự đoán đến năm 2020, trái đất sẽ có thể mất đến 67% số lượng động vật, đặc biệt là các loài có xương sống. Các nhà khoa học cảnh báo rằng cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 sẽ diễn ra nếu con người không có hành động ngăn chặn.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG