Bay siêu đường dài nhờ trạm xăng trên không

Chiến đấu cơ Mirage 2000D của Pháp được tiếp nhiên liệu trên không - Ảnh: Reuters
Chiến đấu cơ Mirage 2000D của Pháp được tiếp nhiên liệu trên không - Ảnh: Reuters
Những ‘trạm xăng bay’ có thể cho phép thực hiện các chuyến bay đường dài với khoảng cách xa hơn và giúp cải thiện hiệu suất sử dụng nhiên liệu, hãng tin RT trích dẫn một dự án nghiên cứu ở châu Âu.

Theo các nhà khoa học, có thể sử dụng các máy bay tiếp liệu trên không để hiện thực hóa ý tưởng này. Hiện nay, hoạt động tiếp nhiên liệu trên không đã được thực hiện với các máy bay quân sự.

Dự án nghiên cứu được Phòng thí nghiệm Hàng không vũ trụ Quốc gia (NLR) của Hà Lan phối hợp với Đại học Khoa học ứng dụng Zurich, Thụy Sĩ thực hiện, RT đưa tin.

Hiện tại, trọng lượng nhiên liệu trên các máy bay có lộ trình đường dài chiếm khoảng 1/3 tổng trọng lượng của máy bay khi cất cánh. Sử dụng máy bay tiếp nhiên liệu trên không, các máy bay chở khách có thể mang ít nhiên liệu hơn lúc cất cánh và hạn chế được tiếng ồn, theo RT.

Đồng thời, một máy bay chở 250 hành khách bay quãng đường hơn 11.000 km sẽ tiết kiệm được 23% lượng nhiên liệu cần thiết để máy bay cất cánh, các nhà nghiên cứu ước tính. Sau đó, máy bay có thể được tiếp nhiên liệu khi đạt đến độ cao 10.000 m.

Chuyến bay có lộ trình dài nhất hiện nay là của hãng hàng không Qantas (Úc), đi từ vùng đô thị Dallas/Fort Worth, bang Texas, Mỹ đến thành phố Sydney, Úc với cự ly khoảng 13.800 km. Một trong những máy bay có khả năng tiếp nhiên liệu trên không được nhiều người biết đến là chuyên cơ chở tổng thống Mỹ, chiếc Không lực 1 (Air Force One).

Theo Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG