Bảy năm nấu cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo

Bệnh nhân xếp hàng chờ cháo Hòa Hương
Bệnh nhân xếp hàng chờ cháo Hòa Hương
TP - Từ năm 2011 vợ chồng anh chị Hòa Hương đã bắt đầu nấu cháo miễn phí đem tặng bệnh nhân nghèo ở viện K2 Tam Hiệp. Tuần hai buổi chiều, thứ ba và thứ bảy, ngày nắng 40 độ cũng như ngày mưa bão, chưa từng gián đoạn, nồi cháo từ thiện 200 suất của cặp vợ chồng này đã đem đến hơi ấm cho hàng chục nghìn bệnh nhân trong suốt nhiều năm qua.

Đồ thừa kế cho con là cái đòn gánh quấy cháo

Năm 2011 chị Phạm Lan Hương (sinh năm 1980) có thời gian dài chăm sóc người nhà trong viện mới phát hiện ra thứ cần thiết khiến bệnh nhân phải mua nhiều nhất chính là cháo dinh dưỡng. Một bát cháo thường có giá 20-25.000đ, ngày ba bát hết 75.000đ, với những gia đình nghèo nhiều khi nó là “cọng rơm làm gãy lưng lạc đà”.

Về nhà, chị Hương bàn với chồng là anh Đỗ Minh Hòa (sinh năm 1975) nấu một nồi cháo từ thiện cho bệnh nhân. Anh Hòa trước đó từng làm rất nhiều công việc thiện nguyện gật đầu ngay. Thế là ngay sau đó, cháo từ thiện Hòa Hương ra đời, chị Hương vẫn nhớ chính xác là ngày 29/9/2011.

“Lúc đó mới lập nghiệp, kinh tế cũng không phải dư dả. Nấu cháo không phải quá tốn kém nhưng rất tốn công. Sáng sớm vợ đi chợ mua xương, mua thịt, rồi về ngâm gạo, tôi mồi than tổ ong. Nấu xong thì chia vào hai thùng giữ nhiệt 50 lít, thuê xe chở đến viện. Thời gian đầu nhiều người còn nghi ngại chúng tôi làm hình ảnh, họ bảo: được mấy ngày thôi! Không ai nghĩ chúng tôi duy trì được đến năm thứ bảy”, anh Hòa cho biết.

Bí quyết nấu cháo sánh mịn của nhà Hòa Hương là thịt thật, xương thật và gạo tám thơm. Giai đoạn đầu bà bán gạo thấy hai người nấu cháo đi cho, có đôi lần trộn cả gạo thường. Phải qua vài ba lần nhắc nhở mới tạo được nguồn cung ổn định về chất lượng.

Mỗi tuần hai lần, gia đình Hòa Hương mất nguyên hai ngày cho hai nồi cháo. Có khi cả ông bà, con cháu phải thay phiên trông nồi vì cần đến 5 tiếng hầm xương và suốt 2 tiếng quấy cháo liên tục. Vì nồi cháo đại, không loại muỗng nào chịu được, chị Hương phải tự chế dụng cụ quấy cháo từ một chiếc đòn gánh. Qua bảy năm chiếc đòn gánh vẫn dùng tốt, anh Hòa thường nói với các con, đây chính là đồ thừa kế của hai đứa.

Lúc tôi đến nhà phỏng vấn, chị Hương khoe, mùa này nấu cháo thích rồi, chứ mùa hè ai cũng ngại. Mấy năm đầu, chúng tôi phải bắc bếp ngoài vỉa hè để nấu, những ngày trời nắng, nhiệt độ ngoài trời cộng nhiệt độ bếp có khi lên tới bốn mấy độ. Nhưng khổ nhất là những hôm trời mưa, che che chắn chắn nhếch nhác lắm!

Hỏi chị sao không nấu sớm hơn cho nắng đỡ gắt, hoặc là nhờ người cho đỡ bận, chị bảo: phải nấu vào giữa trưa thì mới kịp 3h chiều đi phát cháo cho bệnh nhân ăn bữa tối. Chính tôi là người khởi xướng nấu cháo nên tôi không muốn bỏ công việc này, hôm nào bận lắm mới nhờ anh em trong bếp trông hộ. Còn việc trực tiếp đi phát cháo thì chúng tôi vẫn làm, nhiều năm nay còn lôi cả hai con đi theo, cháu lớn giờ múc cháo nhanh bằng mẹ rồi!

Cuộc gọi lúc 5h sáng

Hầu hết bệnh nhân ở K2 đều nghèo, sự sống chỉ còn tính theo ngày. Chị Hương kể, người ăn cháo lâu nhất là 4 năm, chưa thấy ai ăn 5 năm, còn thường chỉ một, hai năm, có người vài tháng. Có nhà cả hai vợ chồng cùng nằm nội trú. Bệnh nan y, tài sản trong nhà theo đó mà đi, bệnh nhân phải tiết kiệm từng đồng một. Phát cháo được vài năm anh Hòa mới phát hiện người bệnh mỗi ngày đều phải mất tiền mua nước sạch. Nhiều nông dân than thở, bệnh lâu năm, nhà bán từ thóc, đến trâu, bò, đến vay nặng lãi, có khi tiết kiệm muốn uống ít nước cho đỡ tốn nhưng bệnh nhân xạ trị lại bắt buộc phải uống nước gấp đôi người thường. Anh Hòa nảy ra ý mua máy lọc nước tặng bệnh nhân.

Cái máy đầu tiên anh đặt ở Viện K2, có công suất 250-300 lít, tổng chi phí khoảng 100 triệu đồng. Toàn bộ bệnh nhân ở viện này sau đó được dùng nước sạch miễn phí. Song bởi vì sự miễn phí này ảnh hưởng đến việc kinh doanh của một số hộ thầu, nguồn nước từng bị ngắt vài lần. Anh Hòa để số điện thoại của mình ngay trên hệ thống máy lọc để có vấn đề gì bệnh nhân sẽ gọi phản ánh. Có lần 5 giờ sáng điện thoại dựng anh dậy: “Thế có định cho nước nữa không để chúng tôi còn biết, máy hỏng rồi đây này”!

Thực ra máy không hỏng, mà vì lõi lọc đến thời hạn phải thay. Thế là ngoài tiền đầu tư máy, mỗi tháng vợ chồng anh Hòa lại bỏ thêm mấy triệu thay lõi lọc. Hiện nay, gia đình anh đã tặng máy lọc nước công nghệ Nano cho 6 Viện gồm: Bệnh viện K Quán Sứ, K2 Tam Hiệp, K3 Tân Triều, Viện Nhi TW, Viện Lao phổi TW, Viện Tâm thần Bạch Mai.

Không quyên góp

Tính đến thời điểm này, anh Hòa cho biết, nồi cháo từ thiện nhà anh vẫn là mô hình gia đình, anh chị chưa từng nhận một đồng ủng hộ nào từ các tổ chức, cá nhân. Một số người vì thích công việc thiện nguyện chủ động đề nghị góp tiền, anh đều rủ người ta đi cùng, dùng số tiền định quyên đó mua sữa, mua đường tặng bệnh nhân. Và trong lúc nhà Hòa Hương phát cháo, thì những người bạn tặng quà. Không nhớ nổi đã có bao nhiêu người bạn nhờ những chuyến đi ké ấy mà theo hẳn con đường thiện nguyện. Có những người sau đó thành lập nhóm riêng, gây quỹ làm rất nhiều chương trình lớn.

Nấu cháo, tặng nước, sau này nhà Hòa Hương còn tặng cả bánh mỳ cho bệnh nhân, và cứ lễ tết thì cả nhà đi mừng tuổi cho những người phải ở lại viện. Kinh phí cho tất cả những hoạt động ấy được trích từ 10% lợi nhuận mỗi tháng của nhà hàng mang tên anh chị trên đường Thụy Khuê. Tuy nhiên, công việc kinh doanh giống như đi câu, không phải lợi nhuận lúc nào cũng ổn định. Có những tháng hai người phải bỏ tiền riêng bù vào. Sau này chị Hương quyết định trích 2 triệu đồng từ 8 triệu tiền lương tháng của mình để bù vào nồi cháo. Hai con của anh chị nhờ nhiều năm theo bố mẹ đi phát cháo cũng tự có ý thức nuôi lợn để góp quỹ.

Kiên trì với công việc “vác tù và” này nhiều năm, cặp đôi Hòa Hương đã lôi kéo được rất nhiều người thân tình nguyện là cộng tác viên góp sức. Ví dụ lúc nào anh bận sẽ có bố vợ lái xe chở cháo xuống Tân Triều. Ví dụ, khi chị Hương không rảnh, có nhân viên nhà hàng nấu cháo thay. Một năm có một tuần gia đình đi nghỉ mát, thì có cả đội chị em bạn dì đi phát cháo hộ. Thùng cháo Hòa Hương chỉ nghỉ đúng hai tuần Tết, sau Rằm Tháng Giêng là bệnh nhân lại xếp hàng dài mang theo cặp lồng đựng cháo. Vào các ngày nghỉ, quầy cháo vẫn phát, vì “đây là lúc nhiều hàng quán nghỉ, bệnh nhân cần đồ của mình hơn ngày thường”, chị Hương cho biết.

Có năm, vào 8/3 một lẵng hoa rất đẹp gửi đến tận nhà hàng đề tặng chị Hương kèm lời nhắn cảm ơn và chúc sức khỏe! Những bệnh nhân nghèo tiết kiệm từng nghìn mua nước tự góp tiền mua một thứ đồ với họ là xa xỉ để cảm ơn hai vợ chồng “nấu cháo ngon nhất viện”. “Đó là 8/3 vui nhất của tôi” chị Hương tổng kết.

Bảy năm nấu cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo ảnh 1

Tính đến thời điểm này, anh Hòa cho biết, nồi cháo từ thiện nhà anh vẫn là mô hình gia đình, anh chị chưa từng nhận một đồng ủng hộ nào từ các tổ chức, cá nhân.

Con trai của ông già 30 năm đi vớt rác ở Hồ B52

Bố đẻ anh Hòa là ông Đỗ Sáng Luyện, là cựu chiến binh từng tham gia mở đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Dân cư khu Ngọc Hà gọi ông là dị nhân, bởi suốt ba chục năm nay cứ 5h sáng là ông vác cái vợt tự chế đi vớt rác ở hồ Hữu Tiệp (hay còn gọi là hồ B52) mà không nhận một đồng trợ cấp nào.

Ông Luyện là người đầu tiên hướng anh Hòa vào con đường thiện nguyện. Bình thường ông sống có thể nói là khắc kỷ. Không bao giờ bỏ cơm nguội, không bao giờ bỏ đồ còn có thể dùng. Sân nhà ông chất đầy vỏ chai, vỏ lon, bìa carton... gom được trong quá trình vớt rác. Cứ đầy một xe cải tiến là ông đem bán. Rảnh, ông nhận trông xe cho khách đến khu tập thể. Tiền kiếm được ngoài tiền lương ông đều bỏ ống. Tích cóp từ 20 ngàn một, được một khoản ông lại đem ủng hộ Quỹ Chữ thập đỏ.

Một nguyên tắc bất dịch nữa của ông là không nhận tiền biếu của con cháu. Anh Hòa, chị Hương được ông dặn: “Không phải biếu bố tiền, bố có lương hưu rồi. Các con dùng tiền ấy đi giúp người khó khăn hơn”.

MỚI - NÓNG