Báu vật rừng với những cuộc chiến ngầm

Báu vật rừng với những cuộc chiến ngầm
Dân gian từ xa xưa đã có câu: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” và xếp thợ rừng vào danh sách đệ nhất tội đồ của thiên nhiên: “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”. Những điều này vận vào trường hợp của nhóm T “fulro” hoàn toàn đúng. Bây giờ họ đã trở thành đại gia rừng già, tài sản hàng trăm tỉ nhưng họ vẫn không chấp nhận ngồi nhà hưởng thụ mà vẫn lang thang lầm lũi trong rừng già, đối mặt với hàng ngàn nguy hiểm như những kẻ “mắc kiếp nạn”.

Báu vật rừng với những cuộc chiến ngầm

Dân gian từ xa xưa đã có câu: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” và xếp thợ rừng vào danh sách đệ nhất tội đồ của thiên nhiên: “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”. Những điều này vận vào trường hợp của nhóm T “fulro” hoàn toàn đúng. Bây giờ họ đã trở thành đại gia rừng già, tài sản hàng trăm tỉ nhưng họ vẫn không chấp nhận ngồi nhà hưởng thụ mà vẫn lang thang lầm lũi trong rừng già, đối mặt với hàng ngàn nguy hiểm như những kẻ “mắc kiếp nạn”.

Hạ trại ngủ giữa rừng sâu
Hạ trại ngủ giữa rừng sâu.
 

Những kho báu giữa rừng hoang

T. "fulro" cho biết, ở Việt Nam có nhiều nhóm thợ săn kho báu rừng già nhưng có đẳng cấp, mạnh vốn như nhóm của anh ta rất hiếm. Trong những chuyến xuyên rừng, khi phát hiện một kho báu, họ lẳng lặng thu gom những báu vật lộ thiên, gọi là "ăn nước nhất" rồi đánh dấu địa điểm để bán lại cho các nhà khai thác "ăn nước hai". Chỉ riêng việc "ăn nước nhất" mỗi người trong nhóm cũng bỏ túi vài tỉ đồng. Trong chuyến đi rừng này, nhóm của T. "fulro" tiếp tục khai thác "ăn nước nhất" mỏ gỗ hóa thạch lộ thiên đã được đánh dấu trước đó. Đó là lý do, T. "fulro" đề phòng tôi cho người bám đuôi.

Sau 2 ngày 1 đêm để tôi tham quan thỏa mãn mỏ đá hóa thạch, N. "Thủ Đức" đưa tôi ra tỉnh lộ 673 để bắt xe đi Gia Lai. Tôi biết ngay đêm tôi rời mỏ đá hóa thạch, nhóm của T. "fulro" cho hàng chục đàn em nhập rừng đào bới những gốc gỗ hóa thạch nặng hàng tấn, bí mật đưa về một địa chỉ nào đó ở thành phố. Sau khi khai thác hết những mỏ lộ thiên, họ sẽ bán địa điểm khu mỏ đó hàng tỉ đồng nữa cho những người “ăn nước hai”.

Tôi đi Gia Lai tìm gặp những nhóm thợ rừng khác để có cái nhìn toàn cảnh hơn về thế giới "người rừng".

Tại Gia Lai, tôi gặp Vương - một thợ rừng thuộc nhóm săn "đồ dân dã". Nhóm của Vương gồm 4 người thuộc loại "cùng khổ" xứ rừng. Tuy không đẳng cấp bằng nhóm của T. "fulro" nhưng nhóm của Vương cũng thuộc loại "vang danh sơn lâm" về khoản săn "đồ dân dã". Vương giải thích, "đồ dân dã" là tất cả những thứ sản vật thượng vàng hạ cám của rừng như thạch anh màu, hái ư, nhặt "đồ" thú (răng, nanh, xương, sừng động vật)… Nếu nhóm của T. "fulro" chỉ chọn những sản vật có giá bạc tỉ để săn thì nhóm của Vương săn tất tần tật thứ gì có thể bán từ giá 10.000 đồng/1 món trở lên.

Thợ rừng gọi trái đười ươi là trái ư hoặc trái bù chon. Đó là loại trái dùng để ngâm vào nước cho bã ra rồi uống giải nhiệt. Cứ 3 năm, cây bù chon cho trái một lần. Đến mùa bù chon, nhóm của Vương vào rừng hái trái rồi bán cho thương lái. Đợt bù chon năm 2011, thương lái từ các thành phố đổ về mua bù chon giá 500.000đ/kg. Mỗi ngày, nhóm của Vương hái hơn 20kg bù chon. Hái suốt 1 tháng thì dứt mùa, mỗi người đút túi hơn 100 triệu đồng. Trong thời gian chờ đến mùa bù chon 2014, nhóm của Vương lang thang trong rừng săn các sản vật khác.

Nhóm của Vương đã từng phát hiện mỏ thạch anh lục tím, mỏ đá saphia ở rừng Lum Phat (Campuchia) giáp giới Chư Prong (Gia Lai, Việt Nam) vào năm 2004. Tuy phát hiện mỏ đá nhưng Vương không cất đầu nổi vì không biết giá trị thật của đá. Lúc đó, Vương ngỡ đá saphia là thạch anh tím. Vì không biết giá trị nên Vương chỉ bán địa điểm này hơn 100 triệu đồng cho một doanh nghiệp khai thác. Nghe đâu, về sau, doanh nghiệp này bán lại cho một doanh nghiệp khác với giá hàng tỉ đồng.

Vương cũng là người săn được mỏ đá thạch anh trắng, thạch anh chết ở sườn Chư Mom Ray vùng tây bắc Kon Tum. Mỏ này, Vương bán được vài trăm triệu.

Nhóm thứ ba tôi gặp là nhóm thợ săn Hải "Nghệ" đang thuê nhà tạm trú tại TP Pleiku. Hải "Nghệ" và nhóm thợ dân Nghệ An là những thợ săn kỳ nam và nấm hiếm chuyên nghiệp. Nấm hiếm là những loại nấm có giá trị thương mại cao như nấm lim xanh, nấm cổ linh chi. Nhóm của Hải "Nghệ" lùng sục trong rừng quanh năm chỉ để tìm 2 món sản vật đó từ Bắc chí Nam. Hải "Nghệ" thuộc lòng từng cánh rừng đông bắc, tây bắc, Tây Nguyên và một vùng rộng Hạ Lào, đông bắc Campuchia. Hải "Nghệ" đánh dấu từng vị trí nơi có cây thiết lim hoặc dó bầu.

Hải "Nghệ" cho biết, nhóm của anh săn chủ yếu là kỳ nam nhưng mới đây, Công ty T.Ph hợp đồng bao tiêu toàn bộ những mỏ nấm lim xanh và nấm cổ linh chi cho nhóm của anh. Khi phát hiện một mỏ nấm lim xanh, anh bán trọn mỏ cho Công ty T.Ph. Sau khi mua, Công ty T.Ph sẽ cho thợ của công ty đến thu hoạch dần. Trên đường "hành quân" nếu phát hiện các loại mỏ khác, Hải "Nghệ" sẵn sàng hạ trại "thu hoạch".

Nhóm của T. "fulro", nhóm Vương "Gia Lai" và nhóm Hải "Nghệ" là 3 nhóm đặc trưng cho 3 loại đẳng cấp thợ săn báu vật rừng khác nhau. Nhưng họ có chung một đặc điểm là đi săn để khám phá những địa điểm chưa nằm trong tầm mắt của con người. Vì vậy, cả ba loại "người rừng" này luôn canh me, rình rập lẫn nhau.

Để bảo vệ bí mật kho báu giữa rừng cho riêng nhóm mình, họ sẵn sàng tàn sát bất kỳ ai xâm phạm. Giữa rừng già, mạng người và mạng thú hoang bằng nhau. Một con heo rừng bị bắn hạ hay một con người bị sát hại cũng chỉ có đại ngàn chứng kiến.

Nhóm thợ Nghệ An thu hoạch một tai nấm cổ lim xanh hàng ngàn năm tuổi
Nhóm thợ Nghệ An thu hoạch một tai nấm cổ lim xanh hàng ngàn năm tuổi.
 

Kiếp “thú hoang”…

T "fulro" kể, rất nhiều chuyến đi rừng, nhóm anh ta phải đương đầu với những nhóm đi rừng khác. Nếu không biết cách đánh lạc hướng đối phương thì mất trắng những mỏ kho báu lộ thiên. Của rừng không của riêng ai nên ai cũng có quyền khai thác nếu bắt gặp. Và đã có không ít những trận đụng độ suýt mất mạng giữa những thợ rừng với nhau.

Trên lưng T. "fulro" vẫn còn hằn một vết sẹo dài vắt từ hông trái sang vai phải như một vết hằn roi. Đó là kỷ niệm trận giành quyền khai thác kho báu "nghĩa địa heo" năm 2008 ở một cánh rừng Modonkiri (Campuchia) giữa nhóm T. "fulro" và một nhóm thợ rừng người Thái Lan. Những con heo "lục chiếc" (heo đực hiếu chiến, thường đi một mình không theo bầy đàn) về già, khi biết mình sức yếu thường chọn những rừng cây dầu đại thụ vắng vẻ nằm chờ chết mòn. Chúng găm những chiếc nanh kiêu hùng của mình xuống đất rồi trút hơi thở cuối cùng giã từ kiếp sống hoang dã. Theo năm tháng, hàng trăm, hàng nghìn cặp nanh heo bị lá cây rừng phủ lên thành lớp đất mùn dày.

Khi phát hiện mỏ nanh heo, nhóm T. "fulro" hạ trại đào bới. Đến ngày thứ 3, khi đang đào bới thì bất thần một nhóm 5 người lạ xuất hiện. Nghe tiếng nói, T. "fulro" đoán họ là thợ rừng Thái Lan. Không hiểu ngôn ngữ của nhau nhưng T. "fulro" biết nhóm thợ Thái Lan cho rằng mỏ nanh heo này họ phát hiện trước. Sau một hồi tranh luận bằng hai thứ ngôn ngữ dị biệt, T. "fulro" nổi đóa xông vào đánh một người trong nhóm thợ Thái Lan. Không ngờ, nhóm thợ Thái Lan có trang bị súng. Sau một loạt đạn, nhóm của T. "fulro" chạy mất dạng. Còn T. "fulro" bị bắt sống. Anh ta bị nhóm thợ Thái Lan dùng lưỡi lê rạch một đường chéo trên lưng rồi trói gô treo lên cây cho chết dần.

Một chiến hữu của T. "fulro" phải cấp tốc bay đi Thái Lan nhờ một ông trùm rừng xứ sở này can thiệp. Chỉ riêng việc tìm đúng ông trùm của nhóm thợ Thái Lan mất hết 1 ngày. Sau khi thương lượng, chiến hữu của T. "fulro" phải mất vài trăm triệu tiền phạt.

T. "fulro" được đưa sang Thái Lan bằng đường rừng rồi nhập viện điều trị vết thương. Khi ấy anh ta đã gần như hồn lìa khỏi xác. Sau trận đụng độ đó, nhóm T "fulro" kết thân được với Khay Tha - một ông trùm kinh doanh sản vật rừng của Thái Lan.

Phóng viên ngủ trưa trên bãi gỗ hóa thạch
Phóng viên ngủ trưa trên bãi gỗ hóa thạch.
 

Đối với thợ rừng, chuyện giơ rìu đe dọa nhau thường như cơm bữa. Giữa rừng, kẻ nào mạnh nhất hoặc khôn lanh nhất sẽ tồn tại. Vì vậy, thợ rừng không ngạc nhiên khi bắt gặp giữa chốn hoang vu một bộ xương người trắng toát. Khi ấy, thợ rừng chỉ biết chắp tay khấn cho người xấu số siêu thoát.

Thợ rừng nào cũng tin tưởng tuyệt đối luật thiêng của rừng. Cái luật thiêng ấy gồm nhiều thứ cấm kị nhưng gom lại một ý là: "Không được tận diệt của rừng". Thí dụ, bắt gặp 1 bộ xương hổ, thợ rừng lấy hết cũng phải chừa lại 1 đốt xương. Nhưng thói đời, xương có thể chừa lại 1 đốt đuôi không giá trị, chứ mỏ đá đỏ thì… chỉ có điên mới chừa lại dù 1 viên nhỏ bằng đầu kim.

Từ điều đó, tất cả những thợ rừng săn báu vật đều "nuôi" trong lòng một cái nợ cần phải trả trong kiếp người.

Sở hữu một ngôi biệt thự ở Thủ Đức, vài chục ha đất rừng ở Lâm Đồng và một cô vợ trẻ trung xinh đẹp vào loại tuyệt sắc giai nhân, nếu bây giờ N. "Thủ Đức" không làm gì cả, ngồi không ăn chơi phung phí cả đời vẫn không hết của. Tuy nhiên, máu đi rừng đã ngấm sâu vào máu thịt anh ta. Sau mỗi chuyến đi rừng hàng tháng trời, về đến nhà vài ngày, anh ta lại vác balô chui vào rừng. Anh ta tâm sự: "Tôi nghiện rừng nặng. Có khi đứng giữa dòng người đông đúc, tôi tự cảm thấy mình giống như con dã nhân lạc lõng. Tôi là người của rừng già chứ không còn là con người của nhân loại nữa. Khi nằm ngủ giữa rừng sâu, tôi cảm thấy yên tâm hơn ngủ trong khách sạn 5 sao".

Mải miết trong rừng sâu để "tha" từng khối tài sản đem về nhà cho vợ quản lý, N "Thủ Đức" hoàn toàn không hay biết hoặc biết nhưng làm ngơ như để trả nợ rừng: Trong những lúc anh ta trầm mình trong rừng sâu thì cô vợ xinh đẹp đang tuổi xuân phơi phới vung vãi tiền vào các cuộc trác táng ở vũ trường để bao… trai. Chuyện vợ N "Thủ Đức" ngoại tình ở các vũ trường, quán bar ai cũng biết. T "fulro" nhiều lần thông báo cho anh ta biết điều này. Nhưng mỗi lần nghe, N "Thủ Đức" đều trách bạn: "Mày không ưa vợ tao thì thôi, đừng vu khống nó tội nghiệp". Có lẽ đó cũng là cách trả nợ rừng thiêng của N.

Dân rừng thường gọi ông MVM là S. "cọp". S. "cọp" là một thợ rừng đẳng cấp sừng sỏ của cánh Tây Nguyên về các món sản vật thú như: sừng tê giác, móng cọp, răng cọp, da cọp… cũng gặp hoàn cảnh gần giống N. "Thủ Đức". Ngày xưa, S. "cọp" là một cán bộ thuế ở TP HCM. Do mê rừng, S. "cọp" về Gia Lai mua đất cất nhà rồi tậu xe jeep để đi săn sản vật rừng. S. "cọp" rất mê sản vật thú. Nghe tin ai săn được thú, ông ta mò đến mua ngay. Không ai biết ông ta mua để bán cho đường dây lậu nào nhưng càng ngày ông ta càng giàu.

Trong những ngày ông ta vào rừng săn tiền tỉ thì ở nhà bà vợ đang tuổi hồi xuân dùng tiền của ông để săn… "phi công trẻ". Khi S. “cọp” phát hiện thì phân nửa tài sản đã thuộc về gã "phi công" láu cá kia. Hai vợ chồng ly dị nhanh chóng. Bà vợ ôm phân nửa gia sản còn lại chạy theo "gã phi công" về TP HCM hưởng thụ. Khi bị gã phi công "đá" một vố đau điếng, bà vợ S. "cọp" điên tình tự tử. Để rồi sau đó, đứa con gái duy nhất của hai vợ chồng thay mẹ làm vật hiến tế tình dục cho gã "phi công" cho đến tận bây giờ. Còn S. "cọp" thì bỏ vào rừng sâu làm "người rừng" gần 10 năm nay. Suốt thời gian ấy, ông ta chưa một lần đặt chân trở lại thế giới văn minh.

Nếu xét về khía cạnh luật pháp, khai thác sản vật thiên nhiên của rừng phải thực hiện nghĩa vụ thuế. Nhưng nhóm của T. "fulro" ngụy biện: "Tụi tôi chỉ là người thám hiểm khám phá những kho báu cho người ta khai thác. Người khai thác mới phải đóng thuế. Còn tụi tôi đáng được tuyên dương vì có công đánh thức những kho báu rừng sâu".

Bị tôi truy vấn về chuyện giấy phép xâm nhập, thăm dò sản vật rừng thì T "fulro" chỉ cười: "Làm gì có thứ giấy phép đó".

Theo Nông Huyền Sơn
An ninh thế giới

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG