Bầu Trường cũng tỏ ra bức xúc về bóng đá Việt Nam. |
Con giun xéo lắm cũng quằn
- Cuộc họp tổng kết mùa giải, "bầu" Kiên khiến cả hội trường dậy sóng với những tuyên bố nảy lửa. Sau 1 tuần, cảm giác của ông ra sao khi VFF phản pháo mạnh mẽ ngay sau đó?
- Thực sự chúng tôi rất bức xúc với những gì đã xảy ra, không chỉ với mùa giải vừa qua. Tuyên bố của anh Kiên trong cuộc họp thể hiện đúng suy nghĩ chồng chất trong lòng chúng tôi lâu nay. Chuyện gì cũng có nguồn cơn. Tôi nói thẳng là mùa giải năm nay có quá nhiều vấn đề nổi cộm. Ai cũng thấy là Hải Phòng đã được trọng tài “cứu” như thế nào, hay một mùa giải với bạo lực, sai sót trong khâu điều hành và tổ chức. Chúng tôi đưa ra kiến nghị trong cuộc họp tổng kết để khẳng định V-League 2011 không chỉ có màu hồng như lãnh đạo VFF đã tuyên bố. Nhiều mảng tối đã làm hỏng hình ảnh và niềm tin trong mắt người hâm mộ lẫn cả những người đầu tư bóng đá như chúng tôi.
- VFF khẳng định phát biểu của bầu Kiên chỉ mang tính góp ý và chưa đại diện số đông?
- Thời điểm tuyên bố của anh Kiên gây ra rất nhiều chiều dư luận trong xã hội. Phần đông dư luận đồng tình với những phát biểu thẳng và thật của anh Kiên. Chúng tôi cũng rất bất bình với cung cách xử lý của BTC giải thời gian qua. Thông qua tuyên bố của anh Kiên, tôi, anh Đức (Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai) cùng nhiều người khác đã trao đổi qua điện thoại và nhất trí ủng hộ anh Kiên. Mục đích của chúng tôi là muốn xem VFF lẫn BTC V-League sẽ thay đổi gì trong tư duy quản lý và điều hành bóng đá. Có nhiều hiện tượng lạ mùa giải vừa qua, như chuyện trọng tài, “cò” bóng đá làm loạn hậu trường đội bóng, nhưng VFF với tư cách là cơ quan quản lý, điều hành nền bóng đá vẫn cứ “mũ ni che tai”. Chúng tôi đang chờ câu trả lời từ VFF trước khi đưa ra quyết định cho riêng mình.
- Dường như ông cũng đang mất đi niềm tin với cung cách phát triển bóng đá thiếu bền vững như ở ta?
- Tôi đam mê bóng đá và sẵn sàng đổ nhiều tiền ra để mua cầu thủ mình yêu thích. Nhưng cách làm bóng đá của ta vài năm nay xuống cấp quá, năm nay tôi còn chẳng có ý định mua sắm cầu thủ. Nếu VFF cứ giữ thái độ thiếu thiện chí và tỏ vẻ bề trên, chúng tôi sẵn sàng bỏ đội bóng ngay ngày mai. Làm bóng đá khổ hơn làm kinh doanh, khi chúng tôi đổ nhiều tiền, nhưng chỉ nhận toàn nỗi buồn. Tôn chỉ cao nhất của bóng đá là thu hút khán giả tới sân và là niềm vui mỗi chiều cuối tuần. Nhưng giờ chúng ta đi lệch hướng và nhận sự quay lưng của những CĐV yêu bóng đá. Đó là vấn đề phải xem xét lại và tránh trường hợp không chỉ Tập đoàn Hòa Phát từ bỏ bóng đá Việt Nam như thời gian qua.
- Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn nói VFF cần những "người tử vì đạo" mới giúp tổ chức này phát triển. Theo ông, phải vài hiện tượng từ bỏ bóng đá như “bầu” Long, “bầu” Tuấn, VFF mới “sáng” ra?
- Có lẽ phải thế thật. Bởi tâm trạng chung của những ông bầu làm bóng đá như tôi là không còn thiết tha gì với việc “chơi” bóng đá nữa. Chuyện 6 đội bóng sẵn sàng tách khỏi V-League là có thật chứ không phải là hù dọa đâu. Chúng tôi đổ tiền để kiếm niềm vui, nhưng sự đóng góp lẫn sự tôn trọng lại chưa được VFF thể hiện gì nhiều. Chúng tôi có cảm giác bị đối xử như “dân đen”, chịu mọi sai khiến từ VFF, thưởng phạt ra sao là tùy ý. Khi thời điểm VFF không chịu thay đổi, 6 đội bóng sẽ thành lập Super Liga là điều không sớm thì muộn. Tôi sợ lúc ấy lãnh đạo VFF hối hận thì đã muộn.
- Nhưng theo luật, Super Liga khó thoát khỏi sự điều hành của VFF, sau khi ra mắt?
- Khi mất đi niềm tin, chúng tôi sẽ tự thành lập giải đấu cho riêng mình và chơi cho thoải mái. Trước khi chuyện này thành sự thật, các CLB bàn thảo và sẵn sàng mời luật sư giỏi nhất tư vấn và giúp chúng tôi hoàn thành việc này. Ở Indonesia cũng đã có 2 giải đấu chuyên nghiệp tách bạch về tổ chức. Chẳng lẽ chúng tôi lại không đủ tâm, lực và khát vọng để làm được chuyện này. Chuyện thành lập Super Liga là “thất sách” khi các CLB và VFF không có được tiếng nói chúng. Còn khi ra đời, VFF sẽ khó mà điều hành, quản lý được chúng tôi là chuyện dĩ nhiên.
'Tôi sự mình cũng “đột quỵ” như anh Long'
- Gia đình bầu Long ở Hòa Phát Hà Nội ngăn cản ông Long tiếp tục làm bóng đá vì sợ ông ta đột quỵ. Ông đã bị phía gia đình ngăn cản hay chưa?
- Mùa giải này, Ninh Bình cũng gặp trường hợp tương tự. Bị thổi ép hay chơi xấu từ phía sau rất nhiều lần mà tôi nhớ không kể xiết. Có lúc tôi cũng rơi cảm giác như anh Long, khi cảm giác mình bị qua mặt từ yếu tố phi chuyên môn, chứ chẳng phải là do đội mình yếu kém hơn người. Tôi còn niềm hạnh phúc khi coi bóng đá, nhưng tôi cũng mệt mỏi và bị gia đình khuyên ngăn nhiều lắm. Lúc này tôi vẫn còn hy vọng sự thay đổi nên nán lại. Còn cứ tình trạng này, tôi cũng sợ mình “đột quỵ” như anh Long mất, và cũng nghĩ tới chuyện bỏ bóng đá thật. Tôi đang tính có nên làm bóng đá hay nghỉ đây.
Khán giả có thể cảm nhận rằng tôi và lãnh đạo đội bóng đang bắt đầu làm bóng đá một cách nghiêm túc, tử tế. Tôi hy vọng ngoài thành tích khả quan vừa rồi của Ninh Bình, thì VFF sẽ mang lại nguồn cảm hứng cho tôi và các ông bầu khác. Chúng tôi thực sự muốn có thay đổi từ phía VFF, nhất là BTC và Hội đồng trọng tài quốc gia, từ chính mỗi trọng tài. Tôi chia sẻ với HLV Nguyễn Thành Vinh là có một nhóm trọng tài thao túng bóng đá ta.
- Dường như VFF đang thiếu đi sự bổ sung chất xám và tài chính từ những ông bầu như ông. Nếu được chọn làm Chủ tịch VFF, ông có tin sẽ cải tổ được VFF?
- Bóng đá Việt Nam lúc này không thiếu người tài và có cái tâm với bóng đá. BTC giải hay VFF lâu nay chủ yếu là “người nhà”, thiếu đi những nhân tố từ ngoài liên đoàn. Tôi không hài lòng với phát biểu của Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khi nói rằng nếu BTC từ chức, chẳng có ai ngồi lên ghế cả. Chẳng có ai là không thay thế được, nói gì VFF. Tôi không nói cá nhân mình, nhưng tin chắc nếu được trao cơ hội và được ủng hộ, thì các ông bầu thừa sức làm tốt vai trò Chủ tịch VFF hoặc Trưởng BTC giải. Không tin, cứ thử xem!
- Theo ông, đâu là bất cập lớn nhất ở những mùa giải vừa qua và khiến ông mất niềm tin với BTC giải như thế?
- Năm nay có rất nhiều hiện tượng lạ, những trận đấu có mùi, nhưng BTC giải thường không dám xử mạnh tay. Đôi khi đổ mọi trách nhiệm cho Ban Kỷ luật. Cấp lãnh đạo không mạnh tay chống tiêu cực thì hỏi phía dưới sao có thể an tâm ra sân thi đấu. Ngay chuyện trọng tài “cứu” Hải Phòng lộ liễu, báo chí, dư luận đều biết nhưng VFF lại làm như không có chuyện gì xảy ra. Ngay thời điểm này, tôi thấy giới “cò” cầu thủ đang thao túng thị trường chuyển nhượng. Chính tôi nghĩ lại thì mình cũng là nạn nhân. Tôi cũng đã nói thẳng trên báo rồi đấy. Nhiều trận đấu, ngoại binh của tôi đá dưới sức và cố ý chơi cầm chừng. Sau này tôi mới biết ngoại binh bị nhà môi giới giật dây sau lưng để làm bậy.
Chỉ mong VFF tôn trọng các ông “bầu”
- Còn vấn đề VFF chưa minh bạch số tiền 30 tỷ tài trợ có vẻ gây ấm ức cho các đội...
- Đúng vậy. Bản quyền truyền hình chỉ có thời hạn 5 năm là cùng, việc ký hợp đồng tới tận 20 năm rõ ràng là quá dài và có vấn đề. Ngay chuyện chi tiêu ở VFF ra sao phải được minh bạch, chứ không phải ậm ừ cho qua chuyện. Nhất là trong các cuộc họp, giới truyền thông và phóng viên phải được có mặt và chất vấn. Chứ VFF không thể “đóng cửa bảo nhau” khiến cuộc họp thiếu tính phản biện, minh bạch. Chỉ có mạnh tay làm đúng, công khai mọi hoạt động thì VFF mới lấy lại được niềm tin từ chúng tôi và cả dư luận được.
- Ông có nghĩ VFF cần có cuộc cải tổ mạnh mẽ như chiến dịch “bàn tay sắt” vào năm 2005?
- Có lẽ V-League cần một sự cải tổ mạnh mẽ như thế. Chúng tôi chỉ muốn bóng đá trở lại với vẻ đẹp thật sự và lôi kéo khán giả tới sân. Khi các ông bầu thay đổi tư duy và làm bóng đá có chiều sâu, tất nhiên cũng muốn VFF cùng thay đổi để V-League ngày càng có chất lượng. Tiếc rằng những tuyên bố yêu cầu cải cách của chúng tôi lại chưa được VFF quan tâm và có phản ứng tích cực. Nếu trong trường hợp xấu nhất, chúng tôi quyết định tìm con đường mới cho mình. Đó cũng chỉ là hành động để bóng đá Việt Nam thay đổi thực sự trong cái nhìn và cung cách phát triển bóng đá. Mà chuyện Super Liga đang được chúng tôi ấp ủ và cho ra đời khi cần thiết nhất.