Thật giả lẫn lộn

Bất thường ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Tiếp theo

Bất thường ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Tiếp theo
TP - Sau khi bóc tách được gần một tỷ đồng khối lượng bên B yêu cầu thanh toán có dấu hiệu khai khống, tổ giám sát thi công báo cáo bằng văn bản với Giám đốc Bảo tàng (bên A). Sau đó, họ không nhận được hồi âm nào từ ông Giám đốc.

Cơ sở hai của Bảo tàng MTVN (số 95 ngõ Giếng, Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội) được nâng cấp đầu năm 2002, kinh phí Nhà nước cấp.

Để theo dõi tiến độ thi công và khối lượng vật tư, ngày 25/12/2002, Giám đốc Bảo tàng (khi đó là ông Cao Trọng Thiêm) ký Quyết định số 27/QĐ-BTMT, thành lập tổ giám sát gồm năm người, do ông Nguyễn Trí Tuệ (nguyên trưởng phòng hành chính tổng hợp Bảo tàng MTVN, hiện nghỉ hưu) làm tổ trưởng.

Nhiệm vụ của tổ: “Chịu trách nhiệm kiểm tra giám sát, xác định khối lượng và chất lượng của toàn bộ dự án”.

Tiền Phong nhận được đơn tố cáo việc thi công và quyết toán dự án có rất nhiều khuất tất. Để tìm hiểu, PV tìm gặp các thành viên của tổ giám sát.
Nguyên Tổ trưởng Nguyễn Trí Tuệ cho biết, dự án nâng cấp cơ sở hai Bảo tàng được thi công trong khoảng một năm.

Đúng thời gian này, ông Cao Trọng Thiêm nghỉ hưu, ông Trương Quốc Bình được điều về làm giám đốc. Khi dự án kết thúc, Giám đốc Bình yêu cầu tổ giám sát kiểm tra, xác nhận khối lượng thi công, phục vụ việc quyết toán.

Theo ông Tuệ, sau khi đối chiếu bảng quyết toán khối lượng do bên B lập với nhật ký giám sát công trình, toàn bộ năm thành viên trong tổ phát hiện có nhiều sai khác giữa bản vẽ hoàn công với thực tế thi công, khối lượng vật tư quyết toán có dấu hiệu bị khai khống.

Tổ giám sát bóc tách các khối lượng không hợp lý, sơ bộ tính ra gần một tỷ đồng sai lệch. Tổ làm bản báo cáo, cả năm người cùng ký, nộp trực tiếp cho Giám đốc Bình. “Sau đó, chúng tôi không nhận được ý kiến ông Bình, cũng không được xem và ký các chứng từ quyết toán. Tóm lại chúng tôi hoàn toàn không biết công trình được quyết toán thế nào” - ông Tuệ khẳng định.

Bà Đồng Hồng Thịnh (nguyên Trưởng phòng KKBQ, nguyên tổ phó tổ giám sát, hiện nghỉ hưu) cho biết thêm: “Tôi được phân công ghi nhật ký giám sát thi công. Tôi ghi chép rất cẩn thận, không sót phần việc nào, và bảo quản kỹ cuốn sổ. Song đến tận hôm nay chưa thấy ai xem đến. Năm 2008, do có đơn tố cáo, Bộ VHTTDL có cử đoàn công tác về Bảo tàng làm việc. Khi họ công bố dự thảo kết luận, chúng tôi mới biết người đã thay mặt tổ giám sát ký các văn bản quyết toán là bà Nguyễn Bình Minh, Phó giám đốc Bảo tàng”.

Một thành viên khác của tổ giám sát, ông Phạm Văn Lợi (đang công tác tại Bảo tàng) khẳng định: “Bà Minh không tham gia giám sát thi công một ngày nào. Bà Minh cũng không hỏi ai trong tổ giám sát, hoặc lấy số liệu từ nhật ký giám sát thi công của chúng tôi”.

“Chúng tôi trực tiếp lên Bộ, xin gặp đoàn công tác để nói rõ chúng tôi là những người đã giám sát thi công, đã phát hiện báo cáo giám đốc những dấu hiệu khai khống khối lượng” - ông Tuệ kể - “Đoàn công tác ghi chép lại, rồi bảo chúng tôi cứ về đi. Từ đấy đến nay không thấy ai mời chúng tôi đến để trao đổi tiếp”.

Nhiều hạng mục không thành có

Được biết, sau khi có tố cáo của cán bộ bảo tàng, người ta đã mời một đơn vị kiểm toán về làm việc, bước đầu chỉ ra được bất minh qua hóa đơn, chứng từ số tiền 114.761.047đ (hơn một trăm triệu đồng).

Tuy nhiên, tổ giám sát khẳng định con số đó mới chỉ là “phần nổi của tảng băng”; không có tổ giám sát tham gia, cán bộ kiểm toán không thể phát hiện được những gian dối kiểu “thi công một đằng, hoàn công một nẻo”.

PV Tiền Phong cùng các thành viên tổ giám sát giở lại nhật ký giám sát thi công, đối chiếu với bản vẽ hoàn công, và được chỉ cho thấy hàng loạt sai lệch ở rất nhiều hạng mục. Đặc biệt, có những hạng mục bản vẽ thiết kế có, bản vẽ hoàn công có, duy chỉ có thực tế thi công thì tổ giám sát khẳng định không có.

Những sai phạm nghiêm trọng kiểu này trước hết rơi vào phần móng. Theo bản vẽ thiết kế cũng như bản vẽ hoàn công, hệ thống móng phía trước nhà A và nhà C gồm các đế cột của hai dãy cột chạy dọc hai bên hành lang; nối giữa các đế cột - theo cả chiều dọc và chiều ngang - là các giằng móng bằng bê tông cốt thép.

Tổ giám sát khẳng định, theo nhật ký giám sát (phù hợp với trí nhớ của toàn bộ thành viên trong Tổ), đơn vị thi công đã không làm các giằng móng như trong bản vẽ thiết kế. Theo tổ giám sát, ngày ấy, người ta chỉ đào các hố rời nhau (sâu 1m40, rộng 0m80, dài 1m35) để làm đế cột, không đào các rãnh thông nhau giữa các hố để làm giằng móng, vì vậy Tổ giám sát không thể nhớ sai việc này.

Một hạng mục nữa là dãy cột phía trước các nhà A và C. Theo bản vẽ thiết kế và bản vẽ hoàn công, dãy cột này được làm bằng bê tông cốt thép. Tuy nhiên, theo nhật ký giám sát thi công (phù hợp với trí nhớ của các thành viên trong tổ giám sát), thực tế thi công các cây cột phía trước nhà này không xử lý móng, không phải cột bê tông cốt thép, đơn vị thi công chỉ xây ốp thêm gạch vào cột cũ (cũng bằng gạch), nên nhìn nó to lớn hơn trước mà thôi.

Việc bản vẽ hoàn công vẫn đưa vào các giằng móng thực tế thi công không có, và thay cột gạch trong thực tế bằng cột bê tông cốt thép, đương nhiên đã đẩy giá thành quyết toán công trình lên cao hơn giá thành thực tế, và đây rõ ràng là những hành vi gian dối, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo nhận xét của PV Tiền Phong, việc kiểm tra xem hệ thống móng cột phía trước nhà A và nhà C có giằng móng không, cũng như các cây cột phía trước xây gạch hay bê tông cốt thép, hoàn toàn không khó.

“Chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền túi ra để thuê nhân công, phương tiện kiểm tra, nhằm chứng minh những điều chúng tôi trình bày là đúng sự thật. Nếu chúng tôi tố cáo sai, không chỉ bị mất tiền, chúng tôi sẵn sàng chịu xử lý về hành vi vu khống” - ông Tuệ và các thành viên trong tổ giám sát khẳng định - “Vấn đề là đơn thư tố cáo của cán bộ bảo tàng gửi đi đã lâu, Công an quận Thanh Xuân đã về gặp chúng tôi, nhưng rồi thời gian trôi qua, sự việc nghe đồn là lại bị tắc ở đâu đó”.

MỚI - NÓNG
Chuối Việt Nam 'nhảy vọt’ ở Trung Quốc
Chuối Việt Nam 'nhảy vọt’ ở Trung Quốc
TPO - Xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2024 đạt hơn 7,2 tỷ USD - con số kỷ lục từ trước tới nay. Trong đó nhiều mặt hàng trái cây tăng trưởng 20-40%, đặc biệt chuối tươi chiếm tới 42% thị phần và vượt qua cả Philipine, Ecuado tại thị trường Trung Quốc.