Sáng mùng 3 Tết, hàng phượng trên đường vào chợ Đà Lạt (đường Nguyễn Thị Minh Khai) đã trổ bông tím ngắt. Những tuyến phố gần đó như Yersin, Nguyễn Thái Học, Trần Quốc Toản, Nguyễn Văn Cừ cũng tràn ngập sắc tím. Nhiều bạn trẻ đang háo hức chụp ảnh cùng hoa.
Bạn Nguyễn Lan Hương, du khách đến từ TP.Nha Trang thổ lộ: “Hay tin mai anh đào nở đúng dịp Tết Nguyên đán, chúng em rủ nhau lên Đà Lạt chụp bộ ảnh kỷ niệm. Thật bất ngờ, phượng tím cũng trổ bông vào dịp này. Đà Lạt “chiêu đãi” du khách mùa hoa Tết tuyệt vời, hiếm có”.
Nếu phượng vĩ được trồng khắp mọi miền đất nước thì phượng tím hầu như chỉ nở hoa ở nơi có điều kiện thổ nhưỡng thích hợp và khí hậu mát mẻ như Đà Lạt. Bởi thế du khách dành cho loài hoa này tình yêu đặc biệt.
Còn nhớ, cuối tháng 4/2019, cơn mưa giông quật ngã cây phượng tím hơn 50 năm tuổi khá đẹp trước nhà Thủy Tạ, ven hồ Xuân Hương. Nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối trên báo chí và mạng xã hội: “Tiếc quá, nét đẹp của Đà Lạt là đây”, “Ký ức của bao người Đà lạt xa quê vừa bị giông gió quật ngã, xót quá!”…
Chỉ 2 ngày sau, Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt Tôn Thiện San đã chỉ đạo cơ quan chuyên ngành mang một cây phượng có dáng thế đẹp trồng ngay vào vị trí cây vừa ngã đổ.
Tháng 5 năm ngoái, khi tham quan khu vực hồ Tuyền Lâm, một du khách đến từ Đồng Nai “tiện tay” bẻ một cành phượng tím. Hình ảnh đó lập tức bị chia trên mạng xã hội cùng những dòng trạng thái bày tỏ sự bất bình. Công an Đà Lạt đã vào cuộc truy tìm ra du khách trên và lập hồ sơ xử lý hành chính.
Một nhà nghiên cứu về Đà Lạt cho rằng, đây là thành phố du lịch đặc biệt; ngoài yếu tố dịch vụ nghỉ dưỡng thì khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp đã nuôi dưỡng trong trái tim nhiều du khách một tình yêu thiêng liêng, một sự chăm chút khác thường. Vì thế, sự việc một cành cây bị bẻ, một chùm hoa nơi công cộng bị ngắt đi bởi vài du khách vô tình hay thiếu chín chắn rất dễ trở thành “chuyện lớn”.
Cây phượng tím lâu năm nhất với 60 năm tuổi (do cố kỹ sư Lương Văn Sáu trồng tại khu vực chợ đêm Đà Lạt) được chính quyền thành phố giao cho một đơn vị chuyên trách chăm sóc, năm nào cũng bung hoa rực rỡ.
Được biết, sau khi tốt nghiệp trường Canh nông Versailles (Pháp), kỹ sư Sáu đã mang hạt giống phượng tím từ Pháp về Đà Lạt gieo ươm rồi mang cây con ra trồng thực nghiệm ven đường phố vào năm 1962. Mặc dù được chăm sóc rất kỳ công nhưng chỉ có 3 cây trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, vườn hoa Bích Câu và nhà Thủy Tạ sống sót.
Mãi đến năm 1994, kỹ sư Sáu mới thành công việc nhân giống phượng tím bằng phương pháp chiết cành với bí quyết dùng một loại hóa chất kích thích việc mọc rễ và chăm sóc đặc biệt đối với cây con để tránh một số bệnh do ký sinh.
Đến đầu những năm 2000, sau khi các nhà khoa học thành công trong việc nhân giống vô tính phượng tím, chính quyền thành phố quy hoạch trồng loài cây này trên nhiều tuyến đường và các công viên… tạo nét đặc trưng riêng cho TP.Đà Lạt.