Bật mí về 'bóng hồng' đi vào thơ Trần Quang Quý

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhà thơ Trần Quang Quý ra đi ở tuổi 67, sau một thời gian lâm bệnh nặng, để lại tiếc thương khôn nguôi cho gia đình, đồng nghiệp. Khi còn sống ông dành tình cảm đặc biệt cho người em gái, cũng là một gương mặt không xa lạ của làng văn: Nhà văn, nhà báo Đoàn Thị Phương Nhung.

“Có nhau mấy mùa?”

Nửa đêm, tôi bỗng nhận được tin nhắn của Đoàn Thị Phương Nhung, chị chia sẻ tâm trạng của mình: “Vừa khóc xong một trận”. Chị khóc Trần Quang Quý, một đồng nghiệp, một người anh mà chị yêu quý, có nhiều kỷ niệm.

Thượng tá Đoàn Thị Phương Nhung, Phó trưởng ban Chuyên đề, Truyền hình Công an Nhân dân, Cục Truyền thông, Bộ Công An, là cây bút chuyên dòng truyện ngắn. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều từng khái quát về cây bút này như sau: “Người kể những câu chuyện tình của thời mình sống”.

Ông thừa nhận dù ông nhiều tuổi hơn Nhung song ông không biết nhiều những câu chuyện như chị. Cách kể chuyện của chị cũng thật đặc biệt, như Nguyễn Quang Thiều viết: “Sự khởi đầu mỗi truyện ngắn của chị luôn luôn nổ như một quả pháo không ngòi. Người đọc vừa mở cánh cửa của câu chuyện thì ngay lập tức phải đối mặt với nhân vật hay vấn đề cần được tác giả đặt ra”.

Một cây bút nhiệt huyết, lại sở hữu dung nhan xinh đẹp nên chị được nhiều tên tuổi trong làng Văn yêu quý, không có gì đáng ngạc nhiên. Trong số những người dành tình cảm đặc biệt cho chị, không thể không nhắc đến “người quê” Trần Quang Quý. (Câu thơ của anh: “Người quê đi đến chỗ nào chả quê”).

Bật mí về 'bóng hồng' đi vào thơ Trần Quang Quý ảnh 1

Nhà thơ Trần Quang Quý (1955-2022)

Đoàn Thị Phương Nhung biết đến thi sĩ Trần Quang Quý khi ông đang đảm nhiệm cương vị Phó Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Người kết nối Phương Nhung với Trần Quang Quý chính là nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha. Lúc ấy, Nhung đang cần in một cuốn sách tại Nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Sau một hồi trò chuyện, thi sĩ Trần Quang Quý đã đồng ý giúp đỡ nhiệt tình để “đứa con tinh thần” của Đoàn Thị Phương Nhung ra đời vui vẻ: Anh chịu trách nhiệm bản thảo, đặt tên cho tập truyện ngắn của chị và giới thiệu chị với các nhà văn.

Bật mí về 'bóng hồng' đi vào thơ Trần Quang Quý ảnh 2

Tác giả "Có nhau mấy mùa?" và Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thi sĩ Trần Đăng Khoa

“Sự giận dỗi của đêm” là tập sách thứ 2 trong sự nghiệp cầm bút của Đoàn Thị Phương Nhung. Nhung vẫn giữ cả những trang báo cũ, in truyện ngắn của chị. “Nhan sắc cũ”, “Có nhau mấy mùa?” đều là những truyện ngắn được nhà thơ Trần Quang Quý đặt tên. Chị còn đưa thơ của Trần Quang Quý tặng mình vào truyện ngắn:

“Mình yêu nhau mấy mùa

Thu mấy mùa rụng lá

Sông mấy mùa trôi gầy những giấc mơ xanh

Mắt em nhốt anh trong đáy Thu vàng

Đợi hoa cải gọi buồn vui rực rỡ

Có thể mùa Thu còn rắc lá ưu phiền

Chẳng có gì làm anh thôi ý nghĩ về em về những vẻ đẹp

Bánh xe khuấy men chiều

Em áp ngực mùa Thu đầy lên vai anh

Chiều áp ngực lõm cả ngày thu rỗng”

Đoàn Phương Nhung cảm động vì được thi sĩ làm thơ tặng. Nhưng ở chiều ngược lại, Trần Quang Quý cũng nên cảm ơn nhà văn xinh đẹp đã giúp ông thăng hoa trong câu chữ. “Em áp ngực mùa Thu đầy lên vai anh/Chiều áp ngực lõm cả ngày thu rỗng”, là những câu thơ ấn tượng trong đời thơ Trần Quang Quý.

“Nhốt anh trong đáy thu vàng”

Những câu thơ khác của“người quê” Trần Quang Quý tặng cây bút nữ xinh đẹp: “Những cơn gió đắng còn ngậm trong sương cỏ/Những mắt đêm ngơ ngác khuya buồn/Mình yêu nhau dễ từ ngàn năm trước/Nhân duyên rót ta những ngàn năm sau”... Đoàn Thị Phương Nhung chia sẻ: Thi sĩ Trần Quang Quý đã từng nói với chị, vì đôi mắt chị mà anh đã làm thơ về mùa thu.

Có phải hai người từng yêu nhau? Tôi hỏi Đoàn Thị Phương Nhung. Nhung khẳng định: Nếu yêu theo kiểu tình yêu nam nữ thì không! Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng viết: Ông ủy mị hơn Phương Nhung. Qua những buổi trò chuyện, tôi cũng cảm nhận cây bút truyện ngắn này không dễ run rẩy, rung rinh như người ta thường hay nghĩ về văn sĩ, thi sĩ. “Anh Quý không thích sự nhàm chán lặp lại, anh nhìn mọi thứ tưởng chừng khấp khểnh nhưng nhân văn”, nhà văn nhớ về người vừa nằm xuống. Tại sao thơ Trần Quang Quý tặng Phương Nhung lại bắt đầu bằng câu: “Mình yêu nhau mấy mùa?/Thu mấy mùa rụng lá”? Vì thơ không cần thiết là sự thật trong đời. “Bóng hồng” cũng chỉ là cái cớ giúp thơ bay lên.

Bật mí về 'bóng hồng' đi vào thơ Trần Quang Quý ảnh 3

"Bóng hồng" vào thơ Trần Quang Quý, nhà văn, nhà báo Đoàn Thị Phương Nhung

Những ngày cuối cùng của thi sĩ Trần Quang Quý không có mặt Đoàn Thị Phương Nhung. Cây bút nữ gặp tai nạn, bị ngã gẫy xương, đã nằm nhà nửa tháng. Vài lần gọi điện hỏi thăm, chị vẫn thấy thi sĩ lạc quan, còn hẹn nhau cà phê trong mùa thu Hà Nội. Thế mà anh lại vội vã ra đi, để lại một khoảng thu trống vắng. Những câu thơ anh viết tặng chị hôm nào vẫn còn đây: “Mình yêu nhau không mùa, em bảo/Yêu như sông kiệt dòng, yêu như núi vỡ giọng/Yêu như là em thở/Vừa đầy lên ngực nhau”.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.