Bất động sản công nghiệp đua nhau theo xu hướng đô thị dịch vụ

0:00 / 0:00
0:00
Các khu công nghiệp hiện tại không chỉ là đơn thuần là nơi sản xuất mà bao gồm cả một hệ sinh thái đa dạng từ khu dân cư đến chuỗi các dịch vụ tiện ích phục vụ nhà đầu tư như văn phòng cho thuê, sân golf, trung tâm dịch vụ, cây xăng, kho bãi, showroom, ngân hàng, hải quan... Khu công nghiệp Sơn Mỹ I ở Bình Thuận cũng đang đi theo xu hướng này.

Hệ sinh thái toàn diện

Trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp của Việt Nam, Công ty TNHH đầu tư Xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sơn Mỹ (IPICO) có nền tảng vững chắc trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp. IPICO sẽ phát triển hệ thống sản phẩm, dịch vụ đa dạng như các khu đô thị, khu dân cư, xây dựng và vật liệu xây dựng, cảng, dịch vụ bảo vệ môi trường, đào tạo nhân lực, cấp nước… để tạo dựng các điểm đến đa giá trị và bền vững.

Theo IPICO, một trong những yếu tố giúp công ty phát triển thành công Khu công nghiệp Sơn Mỹ I là nỗ lực tạo ra sự kết nối đồng bộ từ công nghiệp đến dịch vụ và thương mại nhằm gắn liền hạ tầng khu công nghiệp với hạ tầng xã hội. Theo đó, song song với đầu tư khu công nghiệp, IPICO sẽ phát triển nhiều khu đô thị, khu dân cư và chuỗi các dịch vụ tiện ích phục vụ nhà đầu tư như văn phòng cho thuê, trung tâm dịch vụ khu công nghiệp, cây xăng và dành quỹ đất cho các dịch vụ như kho bãi, showroom, ngân hàng, hải quan. Đồng thời, IPICO cũng đầu tư ký túc xá công nhân, trường mẫu giáo, sân thể thao, công viên… để phục vụ người lao động trong các khu công nghiệp.

Lãnh đạo IPICO khẳng định, bên cạnh hoạt động đầu tư kinh doanh, công ty sẽ ưu tiên dành nguồn lực cho các hoạt động đầu tư trách nhiệm, đầu tư vững bền. Với mục tiêu đồng hành cùng khách hàng và địa phương trong tăng trưởng xanh, IPICO sẽ đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải quy mô lớn, công nghệ tái chế chất thải hiện đại và nhà máy xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp Sơn Mỹ I.

Theo ông Lê Quang Hiếu, Phó Chủ tịch IPICO, Khu công nghiệp Sơn Mỹ I nằm trong nhóm những khu công nghiệp có quy mô lớn, không những trong địa bàn tỉnh Bình Thuận mà còn trên cả nước. Với định hướng phát triển theo mô hình Khu công nghiệp thông minh, sinh thái tuần hoàn và thân thiện với môi trường, với cốt lõi là Trung tâm năng lượng bền vững, Khu công nghiệp Sơn Mỹ I sẽ ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, để giảm phát thải carbon và khí gây hiệu ứng nhà kính.

Ngoài ra, Khu công nghiệp Sơn Mỹ I cũng có vị trí thuận lợi để phát triển hệ thống Cảng biển tổng hợp nhằm phục vụ nhu cầu xuất, nhập hàng hóa và nông sản trong vùng. Khi hoàn thành, Khu công nghiệp Sơn Mỹ I kết hợp với cảng biển Sơn Mỹ sẽ có vai trò chiến lược mang tầm quốc tế và sẽ trở thành ngành kinh tế chủ lực mới không những của Bình Thuận mà còn của cả Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam Trung Bộ. Dự kiến, Khu công nghiệp Sơn Mỹ I sẽ hoàn thành việc xây dựng toàn bộ hạ tầng vào năm 2025.

Bảo chứng để thành công

IPICO không phải là cái tên đầu tiên ở Việt Nam xây dựng bất động sản công nghiệp theo hướng đô thị công nghiệp. Từ năm 2002, Sonadezi đã tiên phong đầu tư mô hình khu công nghiệp-đô thị và tạo được dấu ấn qua nhiều dự án nổi bật như Khu công nghiệp Đô thị Long Thành, Khu công nghiệp Đô thị và sân Golf Châu Đức, Khu công nghiệp Đô thị Giang Điền. Đây là các điểm đến chiến lược và được các nhà đầu tư đánh giá cao do có vị trí thuận lợi, hạ tầng đồng bộ, vận hành thân thiện với môi trường và luôn giữ đúng cam kết với khách hàng.

Một tên tuổi lớn khác là Tổng công ty Becamex IDC cũng đi theo xu hướng này. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Becamex IDC cho biết, các khu liên hợp công nghiệp đô thị đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực xung quanh, trực tiếp tái cấu trúc lại khu dân cư nông thôn trước đây theo quy hoạch hiện đại. Các khu đô thị cao cấp cho chuyên gia, khu nhà ở xã hội, khu tái định cư, hệ thống giao thông cũng như thu hút các nhà đầu tư đã tạo ra sự thay đổi toàn diện và mang lại cuộc sống thịnh vượng hơn cho người dân.

Bất động sản công nghiệp đua nhau theo xu hướng đô thị dịch vụ ảnh 1

Phối cảnh Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 - Ảnh: IPICO

“Các khu công nghiệp Becamex-VSIP ở Bình Dương, Chơn Thành của tỉnh Bình Phước và sự hình thành của VSIP ở các tỉnh thành khác như Nghệ An, Quảng Trị, Bình Định, Bắc Ninh… đã bảo chứng cho sự thành công của mô hình khu công nghiệp đô thị dịch vụ này”, ông Hùng nói.

Hiện tại, ngoài Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 đã khởi công, liên doanh Tổng Công ty Becamex IDC và Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) cũng đang tích cực phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Thuận hoàn thiện hồ sơ, tham mưu UBND tỉnh gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ cấp chủ trương đầu tư đối với dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2. Sơn Mỹ 2 sẽ là khu công nghiệp tập trung đa ngành, thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp liên quan đến năng lượng và các ngành khác, như vật liệu xây dựng, điện tử công nghệ thông tin, cơ khí, chế tạo, lắp ráp, chế biến lâm sản, sản xuất, chế biến hàng tiêu dùng, thực phẩm…

Trong khi đó, chủ đầu tư Khu công nghiệp Tân Đức là Công ty Sonadezi Bình Thuận đang tích cực phối hợp với UBND huyện Hàm Tân và xã Tân Đức triển khai thực hiện công tác đền bù giải tỏa. Đến nay đã hoàn thành hồ sơ kiểm kê thực địa đạt 98,7%, thực hiện chi trả tiền đền bù cho các hộ dân và bàn giao mặt bằng với diện tích 50 ha. UBND tỉnh Bình Thuận đã thống nhất phương án sử dụng nguồn nước từ Nhà máy nước Gia Ray và Tâm Hưng Hòa thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai phục vụ cho Khu công nghiệp Tân Đức.

MỚI - NÓNG