Bất động sản 'bong bóng vỡ'?

Bất động sản 'bong bóng vỡ'?
TP - Dù đã tung ra khá nhiều chiêu khuyến mãi, giảm giá nhưng hiện thị trường bất động sản tại hai TP lớn nhất nước: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn ảm đạm, thậm chí đóng băng. Nhiều người dự đoán về khả năng vỡ bong bóng thị trường bất động sản cận kề.

Đất nền, thổ cư giảm giá vẫn ế

Chị Minh Hòa (Thanh Xuân, Hà Nội) đang ráo riết tìm người để chuyển nhượng quyền sử dụng mảnh đất 200m2 tại xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh, cách cầu Thăng Long 3km. Nhờ các mối quen không được, chị đành tự mày mò đăng tin rao bán trên mạng. Mảnh đất được chị mua từ đầu năm với giá 33 triệu/m2, chỉ sau hai tháng có người trả 45 triệu/m2 nhưng chị chưa bán.

“Tôi quyết vay ngân hàng để đầu tư vì nghe có dự án cầu Nhật Tân, giá sẽ tăng mạnh. Không ngờ giá đất ở đây lại sụt giảm nhanh chóng. Nay chấp nhận chuyển nhượng với giá 27 triệu đồng/m2 (lỗ 1,2 tỷ đồng), nhưng cũng chưa bán được”. Theo chị Hoà, thà bán để cắt lỗ, còn hơn cứ đeo khoản nợ ngân hàng.

Dạo qua một số văn phòng giao dịch BĐS tại xã Vĩnh Ngọc, không thấy bóng dáng khách đến giao dịch, nhiều văn phòng đóng cửa im lìm. Anh Phạm Văn Hùng, nhân viên môi giới cho biết: “Từ cuối tháng 4 giá chuyển nhượng đất tại khu vực Đông Anh giảm đáng kể, có nơi giảm 10 - 15 triệu đồng/m2 tại các điểm quanh xã Vĩnh Ngọc như thôn Ngọc Giang, Vĩnh Thanh, Phương Trạch… Thị trường thì trầm lắng, cầu Nhật Tân thì chưa thấy đâu, cứ thế này giá sẽ còn giảm mạnh nữa”.

Bà Bùi Thị Thường - Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Ngọc cho hay, sở dĩ giá đất ở quanh xã sốt như vừa qua vì có 5 dự án lớn được triển khai trên địa bàn như: hồ điều hòa, công viên cây xanh kết hợp nghĩa trang… Năm ngoái, người nườm nượp về xã mua, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất tăng chóng mặt. Còn nay không thấy giao dịch, giá giảm mạnh.

Nhiều nhà đầu tư tại Sóc Sơn đang khổ sở vì giá lao dốc không phanh. “Tôi mua một mảnh 70m2 tại xã Minh Phú, Sóc Sơn cách trung tâm Hà Nội 25km với giá 7 triệu đồng/m2 từ tháng 2-2011 nhưng nay giá đất thổ cư ở đây bỗng dưng sụt giảm còn 3 triệu đồng/m2, nhưng bán cũng khó” - anh Đào Minh Kha (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết.

Dạo qua một số địa bàn được coi là tâm điểm sốt đất như: Quốc Oai, Thanh Oai, Hoài Đức, Sơn Tây, Thanh Trì, Mê Linh... giá đều giảm 3 - 5 triệu đồng/m2, có nơi giảm mạnh từ 7 đến 10 triệu đồng/m2 tùy vào từng vị trí.

Tại các sàn giao dịch BĐS giá đất nền tại các dự án lớn giảm mạnh, các nhà đầu tư thứ phát giảm giá mạnh để rút vốn. Dự án khu đô thị Kim Chung - Di Trạch giảm 7- 9 triệu đồng/m2, giá mỗi mét vuông liền kề hiện còn khoảng 40-42 triệu đồng/m2, giá khu A giá 55 - 60 triệu đồng/m2. Dự án Geleximco giá đang giảm mạnh nhất khoảng 10 triệu đồng/m2.

Tại khu A mặt đường nhỏ giá còn 40 triệu đồng/m2, giảm 8 triệu đồng/m2 so với hồi đầu tháng 3, khu B, C cũng giảm, còn 47 - 49 triệu đồng/m2. Giá đất nền thuộc dự án Nam An Khánh cũng gần như bất động khi tiến độ xây dựng dự án quá chậm. Giai đoạn 1 của dự án, giá chuyển nhượng đất liền kề hiện được chào bán gần 40 triệu đồng/m2, biệt thự khoảng 32 - 35 triệu đồng/m2, nay đều giảm 3 - 4 triệu đồng/m2.

Ông Phan Thanh Điệp - Giám đốc Sàn giao dịch Studio cho biết, số lượng giao dịch đất nền, thổ cư giảm mạnh tại các sàn trong suốt một tháng qua. Nhà đầu tư chỉ tìm hiểu thông tin, dù biết nhiều nơi giá hạ 30% như: đất thổ cư Đông Anh, Sóc Sơn họ cũng không mặn mà đầu tư vào thời điểm này. Nhiều sàn giao dịch còn nhận bán hộ một số dự án đất nền do nhà đầu tư gửi gắm.

Giá còn giảm nữa

Ở phân khúc thị trường căn hộ, các chủ dự án tung ra hàng loạt những chiêu hút khách, nhưng vẫn ế hàng. Như dự án Star City (Lê Văn Lương), Ecopark (Hưng Yên), Mulberry Lane (Mỗ Lao, Hà Đông). Indochina Plaza (Xuân Thủy, Cầu Giấy)… thực hiện mức chiết khấu cao từ 5 đến 10%, giá còn 18 - 44 triệu đồng/m2; Dự án FLC Landmark Tower (Lê Đức Thọ, Từ Liêm) hỗ trợ khách hàng gói tín dụng ưu đãi lên tới 85% trị giá hợp đồng mua bán căn hộ; khách hàng mua 1 căn hộ tại dự án Unimax (Hà Đông) được đảm bảo 1 suất đỗ xe ôtô vĩnh viễn và được miễn phí 1 năm gửi xe...

Anh Nguyễn Văn Hùng (Thanh Xuân - Hà Nội) sau khi đến dò hỏi thông tin, xem căn hộ mẫu tại một số dự án ở Hà Nội, nhưng chưa quyết định mua. “Dự án nào cũng có khuyến mãi, chiết khấu cao nhưng giá đó vẫn còn cách xa giá gốc, tôi tin từ nay tới cuối năm giá sẽ còn giảm nữa”.

Theo ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành (TP HCM), việc siết chặt cho vay BĐS khiến nhiều chủ đầu tư không thể trông chờ vào nguồn vốn vay ngân hàng, chỉ còn biết dựa vào tiền của khách mua. Tuy nhiên, khách hàng lại gặp khó vì lãi suất ngân hàng đã lên tới 25%, khiến người dân không dám vay tiền mua nhà. Như thế làm sao bán được nhà. Thị trường trầm lắng là đương nhiên.

“Tôi biết một doanh nghiệp bất động sản đang vay ngân hàng tới 15.000 tỷ đồng. Như vậy, cứ mỗi sáng thức dậy họ mất gần 10 tỷ đồng tiền lãi... Chính vì vậy, để bán được hàng, các doanh nghiệp cần mạnh tay hơn nữa trong việc tung ra các chương trình khuyến mãi hỗ trợ khách hàng bằng lãi suất, chiết khấu, giảm giá… để giải phóng hàng, thu hồi vốn là phương án tối ưu nhất lúc này”, ông Đực nói.

Theo ông Đực, hầu hết các sàn giao dịch BĐS ở các quận thuộc địa bàn TPHCM đều rơi vào cảnh chợ chiều do không có giao dịch. Trong thời gian tới thị trường sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi nhà nước cấm việc phân lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.