Bất chấp dịch COVID-19, doanh nghiệp địa ốc vẫn rầm rộ đi 'săn ' dự án

TPO - Bất chấp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, từ đầu năm đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn tận dụng cơ hội để thâu tóm quỹ đất. Bởi về cơ bản, thị trường bất động sản sẽ còn nhiều tiềm năng để phát triển, doanh nghiệp nào nắm giữ được càng nhiều quỹ đất càng có nhiều cơ hội bứt phá.

Mua bán quỹ đất, dự án diễn ra nhộn nhịp

Tại thị trường TPHCM, Tập đoàn Danh Khôi là cái tên hoạt động sôi nổi nhất trên thị trường M&A bất động sản. Tại Bình Định, Danh Khôi đã mua lại khu căn hộ cao tầng ven biển Quy Nhơn, với tổng diện tích gần 85.000m2, gồm 17 block căn hộ ven biển sở hữu vĩnh viễn với tổng vốn đầu tư của dự án này ước khoảng 25.000 tỷ đồng.

Bất chấp dịch COVID-19, doanh nghiệp địa ốc vẫn rầm rộ đi 'săn ' dự án ảnh 1 Danh Việt Group (DVG) cũng tiết lộ thông tin đã mua lại thành công 100% cổ phần Công ty CP Phú Gia Khiêm Land để triển khai dự án với tên gọi Icon Central.

Thương vụ M&A thứ 2 vừa được công bố là Danh Khôi đã mua xong dự án Aria Vũng Tàu trên đường 3/2, phường 10, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu từ Công ty CP Du lịch và Đầu tư Xây dựng Châu Á. Dự án có quy mô diện tích 76.900m2 bao gồm 4 block căn hộ du lịch cao 18-30 tầng gồm 1.190 căn hộ và 36 căn biệt thự biển.

Thương vụ “săn” quỹ đất thứ 3 được công bố trong đợt này là quỹ đất khu cao tầng thuộc dự án Barya Citi trên đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, phường Long Toàn, TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mà Danh Khôi mua lại từ Công Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Thịnh. Dự án có tổng diện tích 7.788 m2 được quy hoạch bao gồm 2 block, cao 20 tầng với tổng 787 căn hộ, tổng vốn đầu tư khoảng 1.056 tỷ đồng.

Trước đó Tập đoàn Danh Khôi đã mua lại 100% nguồn vốn từ Công ty TNHH MTV Đầu tư Sun Frontier để chính thức trở thành chủ đầu tư dự án Sun Frontier, thâu tóm dự án Đà Nẵng Hotel And Resort Đà Nẵng có quy mô diện tích 7,5ha từ Công ty CP Đầu tư Du lịch Hà Nội Non Nước, mua lại 3 lô đất “vàng” có quy mô diện tích hơn 11.000m2 thuộc Khu dân cư Cồn Tân Lập ở Khánh Hòa. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, Tập đoàn Danh Khôi đã “thâu tóm” thành công 6 dự án.

Tương tự, Danh Việt Group (DVG) cũng tiết lộ thông tin đã mua lại thành công 100% cổ phần Công ty CP Phú Gia Khiêm Land. Sau khi thâu tóm doanh nghiệp này, DVG trở thành chủ sở hữu quỹ đất vàng gần 7.000m2 nằm trên mặt tiền đường huyết mạch DT 743 của TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương. Ông Trần Lê Thanh Hiển, Tổng Giám đốc Danh Việt Group cho biết, công ty đang tiến hành đầu tư xây dựng khu đất này thành dự án căn hộ với tên gọi Icon Plaza, có tổng vốn đầu tư lên đến gần 2.000 tỷ đồng.

Việc mua lại dự án Icon Plaza không phải là thương vụ M&A đầu tiên mà Danh Việt Group thực hiện. Trước đó, doanh nghiệp này từng mua lại một dự án khác tại TP. Thuận An tỉnh Bình Dương, sau đó triển khai dự án với tên gọi Icon Central. Hiện tại, Danh Việt Group đã bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng chỉ sau 6 tháng Icon Central ra mắt thị trường.

LDG Group công bố 5 dự án chiến lược với tổng vốn đầu tư khoảng 61.000 tỷ đồng. Cụ thể, LDG đã mua lại dự án Khu căn hộ cao cấp Sông Đà Riverside tại quận Thủ Đức, TPHCM từ Công ty CP Đầu tư Quốc Cường Gia Lai. Sau khi về tay LDG, dự án này mang tên Khu căn hộ cao cấp LDG River có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 4.153 tỷ đồng. Ngoài ra, LDG còn mua lại một dự án diện tích hơn 2ha tại Khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM và một quỹ đất hơn 223ha tại Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu…

Một “ông lớn” khác trên thị trường M&A cần nhắc tới là Hưng Thịnh Group. Doanh nghiệp này vừa thâu tóm một quỹ đất có diện tích hơn 1.000ha tại tỉnh Lâm Đồng. Trước đó, Hưng Thịnh cũng đã chi hàng ngàn tỷ đồng mua lại nhiều dự án tại Bình Định và thực hiện M&A nhiều dự án căn hộ tại TPHCM và các tỉnh lân cận. Đến nay, quỹ đất của Hưng Thịnh Land vào khoảng 4.500 ha, trải rộng tại TPHCM, Hà Nội và các tỉnh thành có tiềm năng kinh tế lớn như Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng 

Thị trường M&A như lò xo bị nén có thể bật tăng mạnh

Lý giải về việc đi săn dự án, ông Trần Lê Thanh Hiển, Tổng Giám đốc Danh Việt Group cho biết, M&A là con đường ngắn nhất để các chủ doanh nghiệp đẩy nhanh việc phát triển quỹ đất sạch, thực hiện các dự án. Thông qua các thương vụ M&A, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý, cũng như giải quyết những vấn đề liên quan đến đền bù và giải tỏa mặt bằng.

Theo ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hưng Thịnh, quỹ đất hiện nay có thể đảm bảo cho Hưng Thịnh Land phát triển các dự án trong 10 năm tới. Tuy nhiên, Tập đoàn vẫn sẽ mở rộng thêm quỹ đất, đón đầu sự phát triển của cơ sở hạ tầng và các nhu cầu bất động sản của đại bộ phận người dân Việt Nam.

Bất chấp dịch COVID-19, doanh nghiệp địa ốc vẫn rầm rộ đi 'săn ' dự án ảnh 2 Dịch chuyển đầu tư và M&A là xu thế không thể đảo ngược và sẽ có diễn biến sôi động trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc Cấp cao Thị trường vốn JLL Việt Nam cho rằng, tâm lý chung của nhà đầu tư đều tỏ ra thận trọng giai đoạn đầu của COVID-19, nhưng đã cởi mở hơn kể từ cuối quý 2, khi Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và hiện tại, nhiều nhà đầu tư trong nước và khu vực đều cho thấy sự hứng khởi, sự quan tâm mạnh mẽ tới thị trường Việt Nam, nhất là lĩnh vực địa ốc.

“Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn đang có xu hướng dịch chuyển vào Việt Nam, các đối tác vẫn đang tìm kiếm dự án tốt, doanh nghiệp tốt để cùng đồng hành. Vì thế, thị trường vẫn sẽ tích cực và phát triển tốt trong năm 2021, cho dù thời gian thực hiện giao dịch có thể kéo dài hơn dự kiến”, bà Khanh nói.

Ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital cho biết, bối cảnh hiện tại mở ra nhiều cơ hội cho thị trường M&A. Theo ông, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ sự quan tâm tới thị trường Việt Nam và đặt vấn đề đầu tư.

“Thị trường bất động sản Việt Nam đang khởi động lại sau thời gian chững lại vì dịch bệnh. Nhiều tổ chức nước ngoài đã cử những đoàn làm việc sang để thúc đẩy quá trình đầu tư. Theo đó, hoạt động M&A sẽ khởi sắc mạnh mẽ, nhất là khi giao thương trở lại bình thường và phân khúc nhận được nhiều sự quan tâm ở thời điểm hiện tại là kho bãi, logistic”, ông Michael Piro thông tin.

Ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng, dịch chuyển đầu tư và M&A là xu thế không thể đảo ngược và sẽ có diễn biến sôi động trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng tại nhiều khu vực trên thế giới, trong khi Việt Nam vẫn đang kìm chế tốt đại dịch này.

“Tác động của COVID-19 như là sự đánh động cho doanh nghiệp nhận thấy việc phụ thuộc vào cơ sở sản xuất ở một quốc gia, một nhà cung cấp sẽ có nhiều rủi ro không thể lường trước. Việt Nam đã trải qua khoảng 10 tháng ròng rã chống dịch, các hoạt động tìm hiểu, nghiên cứu thị trường không thể thực hiện được do giãn cách xã hội cả trong nước và toàn cầu. Vì thế, mối quan tâm của các nhà đầu tư ngoài biên giới hiện rất lớn, thị trường M&A Việt Nam giống như một chiếc lò xo bị nén và có thể bật mạnh trong năm tới”, ông Sử nói.

Một điểm nổi bật khác trên thị trường M&A thời gian qua đó là sự vươn mình mạnh mẽ của khối nội với vai trò bên mua. Các nhà đầu tư trong nước đã cho thấy sự chủ động tham gia sâu rộng, khi giá trị giao dịch của khối này chiếm 33,3% tổng giá trị M&A giai đoạn 2019-2020, tăng mạnh so với mức 11,8% của năm 2018 với nhiều cái tên nổi bật như Masan, Vingroup, Vinamilk, Gelex, REE, Thaco, PAN Group…

MỚI - NÓNG
'Ngậm trái đắng giấc mơ làm việc trời Tây': Nhiều đơn vị ngừng hợp tác với DSS
'Ngậm trái đắng giấc mơ làm việc trời Tây': Nhiều đơn vị ngừng hợp tác với DSS
TPO - Trung tâm Phát triển Giáo dục và đào tạo phía Nam thuộc Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ giải quyết theo hướng dừng hợp tác sử dụng các dịch vụ của Trung tâm đối với Công ty TNHH du học định cư DSS từ ngày 15/10/2024. Trong khi đó, đại diện Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cho biết, "DSS cũng không còn hoạt động tại trường nữa...".