Vụ đổ sập công trình đang xây trường mầm non Vườn Xanh tại khu đô thị Mỹ Đình, Hà Nội ngày 25/9. Ảnh: Bình Min.
Bất an trong lớp
Chiều tối 17/10, một cú sốc lớn ập đến với hàng ngàn sinh viên và giảng viên của Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) khi nam sinh tên L., trong lúc xếp hàng chờ đi thang máy thì một mảng vữa bê tông từ trên cao rơi xuống trúng người. L, ngã xuống ngay giữa sân trường, máu me bê bét, mảng vữa bê tông văng khắp nơi. L, tử vong ngay sau đó.
Một nữ sinh của trường cùng xếp hàng với L, vào thời điểm đó bàng hoàng kể lại: “Em rất sốc. Chúng em đang đứng thì bỗng nhiên nghe một tiếng động lớn, quay lại thì thấy L, nằm giữa sân trường, máu chảy đầy người. Mọi người hoảng hốt bỏ chạy”.
Bà Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó Trưởng phòng Tư vấn - Tuyển sinh - Truyền thông trường HUTECH cho biết, trong lúc chờ thang máy, L. bị máng xối nước từ tầng 16 dãy B rơi trúng làm nam sinh này tử vong. Đại diện của trường đã làm việc với công an và cơ quan quản lý xây dựng để điều tra nguyên nhân sau sự cố này.
Theo bà Dung, công trình đưa vào sử dụng gần 3 năm, thời gian gần đây, trường không có hoạt động sửa chữa, tu bổ nào. “Có thể do trời mưa liên tục mấy ngày qua làm kết nối các mảnh ghép tại máng xối nước bị rời ra, rơi xuống”- đại diện trường lý giải.
Cũng trong chiều 17/10, một tai nạn cũng ập đến với với gần chục học sinh của Trường tiểu học Thạnh Qưới A (xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ, Vĩnh Long). Trong lúc các em đang ngồi học, trần phòng học rơi xuống đầu, 9 học sinh của trường này phải nhập viện cấp cứu.
Theo Ban giám hiệu nhà trường, vào khoảng thời gian trên, có một cơn gió mạnh thổi qua khiến cho la- phông của 5 phòng học, trong đó có 3 phòng có học sinh, bị rơi xuống. “Có khoảng 20 em học sinh bị trúng la - phông trần nhà, trong đó có 9 em bị thương được thầy cô đưa tới bệnh viện gần đó cấp cứu. Một học sinh bị thương nặng nên người nhà chuyển qua bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu”- hiệu trưởng nhà trường thông tin. Được biết, Trường tiểu học Thạnh Quới A vừa được sửa chữa nâng cấp toàn bộ mái tôn, la- phông, đường điện và sơn mới cách đây hơn 1 năm.
Trước đó, vào cuối tháng 8/2017, trong lúc làm vệ sinh lớp học thì sàn phòng học của lớp 6A4 Trường THCS và THPT Đống Đa (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) bất ngờ sập khiến 10 em học sinh rơi xuống phòng học bên dưới. Các em học sinh nhanh chóng được đưa đi cấp cứu và điều trị. Tại hiện trường, nguyên nhân ban đầu được xác định là trường xây dựng đã lâu nên xuống cấp. Toàn bộ trần phòng học được làm bằng gỗ, phía trên lát gạch bông. Phía trường Đống Đa đã kiến nghị cơ quan chức năng ngành giáo dục nâng cấp mấy năm nay, nhưng do chưa bố trí được nguồn vốn sửa chữa thì bất ngờ xảy ra tai nạn.
Chị L, giáo viên một trường THCS quận Tân Phú, TPHCM chia sẻ, thời gian gần đây nhiều vụ tai nạn xảy ra trong trường học khiến giáo viên và học sinh rất bất an. “Trường mới trường cũ gì cũng lo cả, chất lượng công trình “có vấn đề” nên nhiều vụ việc trong thời gian qua khiến cô trò chúng tôi bất an lắm”, chị L nói. Một giáo viên dạy ở trường ĐH M tại TPHCM kể chị suýt chết khi bị chiếc quạt trần rơi từ trên xuống. “Chiếc quạt rơi đúng nơi tôi đang dạy. Rất may tôi thấy và chạy kịp”- chị kể.
Trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ sở hữu
Trao đổi với PV, Luật sư Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, khi tai nạn xảy ra, trường học thì có 2 trách nhiệm đối với các bên liên quan đó là trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự.
“Lấy ví dụ như vụ nam sinh của trường đại học HUTECH trong lúc xếp hàng thì bị một mảng vữa bê tông rơi trúng người và tử vong, trách nhiệm ở đây thuộc về chủ sở hữu (tức là hội đồng quản trị, các thành viên góp vốn liên quan), có trách nhiệm phải bồi thường cho gia đình nạn nhân. Sau đó, chủ sở hữu mới kiện lại nhà thầu thi công (có thể là đang thi công hoặc đã thi công nhưng công trình đang còn trong thời hạn bảo hành) bởi, sự cố xảy ra trong khuôn viên nhà trường thì nhà trường phải chịu trách nhiệm”- LS Út phân tích.
Theo ông, về trách nhiệm hình sự, đối với trường hợp này có thể khởi tố hình sự nhưng chưa khởi tố bị can để tìm nguyên nhân ở đây là cố ý hay vô ý. Phải xem mảnh vỡ bê tông này rơi xuống là do có người ném, do thi công công trình hay do khách quan, ngoài ý muốn từ đó đưa ra quyết định có khởi tố bị can hay không.
Lãnh đạo một trường đại học ở TPHCM cho biết, hiện nay đa phần các trường đều có phòng cơ sở vật chất hoặc người phụ trách lĩnh vực này. “Tuy nhiên, hầu hết hoạt động của phòng này chưa hiệu quả, sơ sài nên góp phần làm cho cơ sở vật chất nhanh xuống cấp dễ xảy ra sự cố. Sau các sự cố gần đây, các trường cần nghiêm túc nhìn lại chức năng của phòng này trước khi sự việc đáng tiếc xảy ra với trường mình”, lãnh đạo này nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Đực - Ủy viên Ban chấp hành Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho biết: “Việc bảo đảm chịu lực là căn cứ trên các bản vẽ thiết kế, hồ sơ kỹ thuật thi công hay kiểm định độ lún độ lệch độ võng và thí nghiệm xác suất một số cấu kiện. Nên kết quả bảo đảm chịu lực chỉ mang tính tổng thể tương đối, không thể kiểm định hết cả công trình đến từng chi tiết cấu kiện. Do đó, các công trình xây dựng có thể xuất hiện vài vết nứt tường sàn thì cũng chưa hẳn là do kết cấu chịu lực, chưa phải gây nguy hiểm. Cho nên kiểm định vẫn xác nhận bảo đảm an toàn tổng quát, chỉ trừ trường hợp kết cấu quá kém hay công trình quá tuổi sử dụng thì kiểm định mới không bảo đảm chất lượng”.
Cũng theo ông Đực, việc tai nạn hi hữu như sàn bê tông cốt thép rơi chết người ở Trường đại học Công nghệ TPHCM thì có thể do đây là lỗ gen hay lỗ kỹ thuật chờ sẵn, sau đó lắp lại không kỹ và không có thép nên rơi xuống. Không ai có thể kiểm định ra được lỗi do thi công dối này. Còn việc sập sàn trường học ở Lâm Đồng do công trình quá cũ, xuống cấp trầm trọng mà vẫn sử dụng, không theo dõi niên hạn sử dụng.
Ngày 18/10, một bàn lễ đặc biệt được đặt trong khuôn viên sân Trường ĐH Công nghệ TPHCM để mọi người đến tưởng niệm N.T L, nam sinh năm thứ 3 ngành kỹ thuật môi trường bị bê tông rơi trúng đầu tử vong. Rất nhiều giảng viên và sinh viên đã đặt hoa cầu nguyện cho L. ra đi được thanh thản.