Làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 để lại những hậu quả nặng nề, đã cướp đi sinh mạng của trên 22.300 người, gây bao đau thương cho hàng loạt gia đình, đẩy nhiều trẻ em vào cảnh mồ côi. Dịch bệnh kéo dài cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống.
Đến nay, đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát tại TPHCM và nhiều địa phương khu vực Đông Nam bộ, hoạt động kinh tế - xã hội đang từng bước được khôi phục. Tuy nhiên, dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều tỉnh thành thuộc khu vực như Đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên.
Cả nước đang thực hiện chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Bảo vệ sức khỏe, thích ứng an toàn trong tình hình mới là vấn đề đang được đặt ra đối với cộng đồng. Và đó cũng là lý do để hôm nay Báo Tiền Phong tổ chức hội thảo BẢO VỆ SỨC KHỎE, THÍCH ỨNG AN TOÀN VỚI DỊCH COVID-19.
Hội thảo được tổ chức cùng lúc tại hai đầu cầu Hà Nội và TPHCM. Ở đầu cầu Hà Nội, diễn ra tại trụ sở Báo Tiền Phong. Ở đầu cầu TPHCM, diễn ra tại Khách sạn Lavela.
Hội thảo được tường thuật trực tiếp trên các nền tảng điện tử của Báo Tiền Phong là báo điện tử Tiền Phong, livestream trên fanpage, kênh youtube báo Tiền Phong để bạn đọc theo dõi…
Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
24/11/2021 08:42
24/11/2021 08:57
Đồng tâm hiệp lực, chung tay chống dịch, thích ứng an toàn
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Nhà báo Lê Minh Toản, Phó tổng biên tập Báo Tiền Phong chia sẻ, Báo Tiền Phong rất cảm kích và tự hào khi tổ chức cuộc Hội thảo “BẢO VỆ SỨC KHỎE, THÍCH ỨNG AN TOÀN VỚI DỊCH COVID-19”. Chúng ta vừa chứng kiến lễ tưởng niệm ngày 19/11 nơi mà có rất nhiều cung bậc cảm xúc: đau xót, thương đau, chia sẻ và trên hết là trách nhiệm. Qua những mất mát đau thương đó, chúng ta thêm mạnh mẽ để tiến lên phía trước. Qua đại dịch rất nhiều định nghĩa phải định nghĩa lại nhưng trên hết chúng ta phải hướng về phía trước, hướng về tương lai. Đòi hỏi chúng ta phải đồng tâm hiệp lực, chung tay chống dịch, bảo vệ sức khỏe, thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Cuộc hội thảo hôm nay chính là một thông điệp như vậy. Tất cả những gì còn băn khoăn của người dân, của độc giả qua cuộc hội thảo này có thể giải quyết 1 phần để cùng nhau thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Một lần nữa báo Tiền Phong cũng gửi lời tri ân đến các y bác sĩ - những người trên tuyến đầu chống dịch.
24/11/2021 09:06
Nhà báo Lê Minh Toản, Phó tổng biên tập Báo Tiền Phong phát biểu khai mạc Hội thảo |
24/11/2021 09:31
Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả
Mở đầu Hội thảo, PGS-TS-BS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam chia sẻ về Tham luận “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả”.
Cập nhập đến ngày 15/11/2021, trên thế giới có 253,2 triệu ca mắc, trên 5 triệu ca tử vong vì đại dịch COVID-19. Tại Việt Nam, tính đến 15/11/2021: Số mắc: 1.035.138 ca (trong nước: 99,6%), Số tử vong: 23.183 ca; Số tỉnh/thành phố có dịch: 63/63 tỉnh/thành phố.
Tình hình dịch bệnh kéo dài, hiện đến nay chúng ta đã chia thành các giai đoạn như:
- Giai đoạn 1: từ 22/1 - 5/3/2020 có 16 ca nhiễm bệnh.
Chủng virus: Bình thường
-Giai đoạn 2: từ 6/3 - 22/7/2020 có 399 ca nhiễm bệnh.
Chủng virus: Bình thường
-Giai đoạn 3: từ 23/7/2020 đến 26/4/2021có 2.437 ca nhiễm bệnh.
Chủng virus: chủ yếu là chủng Alpha
-Giai đoạn 4: từ 27/4 đến nay có 1.034.723 ca nhiễm bệnh.
Chủng virus: Chủ yếu chủng Delta
Đặc điểm dịch
Dịch xảy ra trên phạm vi cả nước: 63/63 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố có nguy cơ dịch khác nhau. Các tỉnh thành phố có tỷ lệ mắc và tử vong khác nhau. Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm khác nhau.
Theo ông Phu, về thời gian ca mắc COVID-19 ủ bệnh, có những ý kiến cho rằng khoảng 2 – 7 ngày, nhưng thực tế cho thấy phổ biến từ 4-5 ngày, cũng có thể kéo dài tới 14 ngày. Thời điểm phát hiện trên mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu dịch họng là khoảng 2-3 ngày trước khi khởi phát.
Trên thực tế, mọi người đều có thể bị nhiễm SARS-CoV-2 , tỷ lệ mắc bệnh không có triệu chứng cao, khoảng 40-60% tùy khu vực. Đặc điểm này khác với SARS năm 2003, tất cả những điểm có bệnh nhân đều có triệu chứng. Các giai đoạn dịch, gồm 4 giai đoạn dịch, giai đoạn 1 và 2 chủng bình thường, bắt đầu từ giai đoạn 3 có chủng Alpha đến từ Anh, đến giai đoạn 4 chủ yếu là chủng Delta.
Về đặc điểm dịch, dịch xảy ra trên phạm vi cả nước, 63/63 tỉnh, thành phố đều ghi nhận ca mắc. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố có nguy cơ dịch khác nhau, tỷ lệ mắc và tử vong khác nhau, tỷ lệ tiêm chủng cũng khác nhau. Ví dụ ở thành phố HCM khoảng 1.000 ca/ngày, nhưng chúng ta phải xem xét có xét nghiệm được hết không.
Từ góc nhìn của giới chuyên môn, chấp nhận có người nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, không thể có “Zero COVID”. Trên thế giới, chỉ còn Trung Quốc đặt mục tiêu “Zero COVID”, nhưng đang phải cân nhắc lại vì kinh tế tổn hại quá lớn. Xu hướng chung là thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế. Do đó, Nghị quyết 128 của Chính phủ phù hợp với xu thế chung “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”.
Theo ông Phu, các giải pháp chuyên môn được đề ra là:
1. Ngăn chặn: Kiểm soát dịch xâm nhập qua biên giới (Theo IHR)
2. Phát hiện: Xét nghiệm: Xác định ca nhiễm, phát hiện ổ dịch, đánh giá nguy cơ. Đối tượng nguy cơ (ho, sốt, khó thở..., cán bộ y tế, lái xe... người đi từ vùng dịch về. Vùng nguy cơ (bệnh viện, siêu thị, chợ đầu mối...). Theo chỉ định dịch tễ truy vết: Khai thác thông tin từ người nhiễm, công nghệ thông tin, quét QR code
3. Cách ly: Cách ly tập trung, cách ly tại nhà
- Người nhập cảnh: Đang sửa đổi thuận tiện cho người nhập cảnh. Đã tiêm 2 liều: 7 ngày. Xét nghiệm ngày 1 và 7 . Khác: cách ly 14 ngày. Xét nghiệm ngày 1, 7 và 14
- Người từ vùng dịch: . Đã tiêm 2 liều: theo dõi sức khoẻ tại nhà 7 ngày. Xét nghiệm ngày 1 . Đã tiêm 1 liều: tại nhà 7 ngày. Xét nghiệm ngày 1 và ngày 7.
Chưa tiêm: cách ly 14 ngày. Xét nghiệm ngày 1- 7- 14
- Người tiếp xúc gần: 14 ngày. Xét nghiệm ngày 1- 7- 14 (đang sửa phù hợp hơn)
4. Phong toả (cách ly y tế vùng): - Theo nguy cơ, nguy cơ đến đâu phong toả đến đó - Hẹp nhất có thể. Tránh ngoài chặt trong lỏng - Đảm bảo an sinh xã hội
5. Giãn cách xã hội rộng: Hạn chế, trừ khi kiểm soát dịch không hiệu quả
6. Dừng các hoạt động có nguy cơ cao: Karaoke, Bar…
7. Các hoạt động hạn chế: môi trường kín, tiếp xúc đông người
8. Các hoạt động, ngành nghề phải có phương án an toàn
9. Điều trị:
- Tiếp cận bệnh nhân sớm, tránh chuyển nặng, hạn chế tử vong
- Phân tầng điều trị: tháp 3 tầng (nhẹ, trung bình, ICU)
- Tiếp cận sớm: tư vấn, hướng dẫn theo dõi, điều trị sớm. Tư vấn qua điện thoại, thày thuốc đồng hành. Điều trị bệnh nhân nhẹ, cung cấp gói thuốc điều trị tại nhà.
10. Dự phòng cá nhân: 5K - Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế
11. Tác dụng vắc xin:
- Phòng bệnh bền vững nhất
- Làm giảm sự lây nhiễm, nhưng ở mức độ nhất định
- Tiêm rồi vẫn có thể nhiễm và vẫn có thể lây lan cho người khác
- Thường mắc nhẹ hoặc không triệu chứng
- Vẫn có thể chuyển bệnh nặng và tử vong đặc biệt người già, người bệnh nền nhưng tỷ lệ nhỏ
- Chú ý lây cho người chưa tiêm chủng, vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp, người già, người có bệnh nền.
12. Công nghệ thông tin
- Báo cáo quản lý dữ liệu: Dịch bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng…
- Bản đồ đánh giá nguy cơ
- Quét mã QR, truy vết…
- Tư vấn, điều trị cộng đồng, thày thuốc đồng hành
- Khám chữa bệnh từ xa (Telehealth)
- Đào tạo từ xa, hội thảo trực tuyến…
GIẢI PHÁP CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Về chỉ đạo điều hành cần thống nhất từ Trung ương tới địa phương; Thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch do Thủ tướng là Trưởng ban. Tại địa phương, người đứng đầu là Trưởng ban và chịu trách nhiệm. Cần sự hiệp lực tham gia của các ban, ngành: Y tế, Quân đội, Công an, Ngoại giao, Thông tin truyền thông, Giao thông vận tải, Công thương…với ngành y tế là nòng cốt. Đồng thời vận động toàn dân tham gia. Các sở ban ngành cũng phải ban hành đủ các hướng dẫn chỉ đạo điều hành, chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương, các cơ sở y tế.
Đồng thời chỉ đạo điều hành cũng phải đáp ứng 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Phương tiện, vật tư tại chỗ; Hậu cần tại chỗ. Đẩy mạnh truyền thông kịp thời, minh bạch, chính xác và tin cậy
PGS-TS-BS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam |
24/11/2021 09:32
Toàn cảnh Hội thảo BẢO VỆ SỨC KHỎE, THÍCH ỨNG AN TOÀN VỚI DỊCH COVID-19 tại đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh |
24/11/2021 09:34
Đảm bảo an toàn trong khám chữa bệnh, phòng chống lây nhiễm
Chia sẻ tại hội thảo, TS.BS Đỗ Trọng Khanh, Giám đốc y khoa Bệnh viện FV cho biết, thực hiện chủ trương của Bộ Y tế, Bệnh viện FV đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và thực hiện các quy trình phân luồng, sàng lọc tiếp nhận bệnh nhân một cách nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn trong công tác khám chữa bệnh.
Trong giai đoạn cao điểm của dịch COVID-19 tại TPHCM vào tháng 7-8-9/2021, Bệnh viện FV triển khai song song công tác khám chữa bệnh thông thường và điều trị COVID-19. Bệnh viện thường xuyên khuyến cáo người dân chăm sóc, theo dõi sức khỏe trong giai đoạn thích ứng với COVID-19.
Công tác khám chữa bệnh trong trạng thái bình thường mới được thực hiện theo phương châm đảm bảo an toàn phòng chống lây nhiễm, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn bệnh viện theo quy định. Đồng thời, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn phù hợp, đặc biệt trong lĩnh vực ICU và kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, vật tư cho hoạt động phòng chống dịch. Hệ thống xét nghiệm PCR & PCR Fast-track. Khu vực cách ly điều trị bệnh nhân nghi ngờ nhiễm COVID-19 gồm hệ thống phòng có thiết kế áp lực thông khí đặc biệt tại khoa cấp cứu, ICU, nội trú, phòng mổ…
Bệnh viện đã đầu tư hệ thống HFNC, hệ thống bồn trữ Oxy hóa lỏng, huy đội ngũ y bác sĩ tham gia phòng chống và điều trị COVID-19 Bệnh viện đã thực hiện mô hình bệnh viện chia đôi, tiếp nhận bệnh nhân theo tình trạng bệnh. Sàng lọc kép, phân luồng tại các lối ra vào bệnh viện, cách ly người có nghi ngờ mắc COVID-19 để xét nghiệm.
Bên cạnh đó, thực hiện xét nghiệm định kỳ nhân viên và các trường hợp bệnh nhân nội trú bằng RT-PCR trước khi nhập viện và lặp lại mỗi 3 ngày, tổ kiểm soát nhiễm khuẩn thường xuyên rà soát quy trình phân luồng, khoanh vùng, truy vết các ca F0. Tăng cường tư vấn qua dịch vụ y tế từ xa.
Tình trạng bệnh nhân điều trị COVID-19 trong tháng 8-9/2021 tại Bệnh viện FV, đơn vị đã thực hiện tổng số 12.423 mẫu xét nghiệm RT-PCR, trong đó có 2.078 (16,7%) mắc COVID-19. Bệnh viện tiếp nhận 296 bệnh nhân nội trú, có 197 bệnh nhẹ nội trú (chiếm 66,5%), 66 bệnh trung bình nội trú (chiếm 22,3%), 33 bệnh nặng nội trú (chiếm 11,1%).
Trong số các bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại Bệnh viện FV, số ca chữa khỏi xuất viện đạt 73% (bệnh nhẹ 81%, bệnh trung bình 14.8%, bệnh nặng 1.8%); có 44 ca tử vong (chiếm 10,1%). Theo thống kê, số ngày nằm viện trung bình các ca bệnh nhẹ là 9 ngày, ca bệnh trung bình là 14 ngày, bệnh nặng 16 ngày; Số ca chuyển tình trạng bệnh từ nhẹ lên trung bình 27 ngày; Số ca chuyển tình trạng từ nhẹ lên nặng 14 ngày. Có khoảng 41/200 ca nhẹ (20%) chuyển độ nặng. Bệnh viện FV liên lạc với các bệnh viện chuyển bệnh nhân dựa trên tình trạng bệnh nhân đã được phân tầng theo qui định của Bộ Y tế.
TS.BS Đỗ Trọng Khanh, Giám đốc y khoa Bệnh viện FV |
24/11/2021 09:36
TS.BS Đỗ Trọng Khanh, Giám đốc y khoa Bệnh viện FV trình bày tham luận tại Hội thảo |
24/11/2021 09:52
Các đại biểu tham dự Hội thảo BẢO VỆ SỨC KHỎE, THÍCH ỨNG AN TOÀN VỚI DỊCH COVID-19 tại đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh |
24/11/2021 10:00
Hỗ trợ sức khoẻ tâm thần: Tập trung 3 nhóm nguy cơ, từ đó xây dựng chiến lược phòng ngừa – can thiệp mục tiêu – can thiệp chuyên sâu
Trình bày tham luận tại Hội thảo, Tiến sỹ tâm lý Lê Minh Công – Phó trưởng khoa Công tác xã hội trường ĐH KHXH&NV TPHCM cho rằng, COVID-19 là khủng hoảng toàn cầu, dẫn tới gia tăng các vấn đề sức khoẻ tâm thần của người dân. Ước tính khoảng 10-60% dân số có các triệu chứng rối loạn tâm thần, cao gấp 3 lần so với trước dịch COVID-19. Tuy vậy, các quốc gia vẫn chưa quan tâm hoặc chú ý đến sức khoẻ tâm thần của người dân. Các rối loạn, vấn đề sức khoẻ tâm thần khởi phát ngay trong dịch như cảm xúc âm tính; nhận thức tiêu cực; trầm cảm; lo âu, hoảng sợ; ám sợ; triệu chứng cơ thể; tự sát... Các rối loạn tâm thần có thể kéo dài, khởi phát kể cả sau dịch đến 2-9 năm gồm trầm cảm; ám ảnh sợ…
Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần là giãn cách xã hội, cách ly, dương tính; kiệt sức; khó tiếp cận nguồn an sinh xã hội; tiếp nhận thông tin nhiễu loạn, độc hại; khủng hoảng tài chính và việc làm; mất người thân; lo sợ về tương lai.
5 nhóm dễ tổn thương sức khoẻ tâm thần gồm nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu; trẻ em, nhất là các nhóm trẻ có nhu cầu đặc biệt; công nhân (lao động di cư), lao động phi chính thức; người có vấn đề tâm thần hoặc bệnh nền trước đó; người khuyết tật. Do đó, cần chăm sóc sức khoẻ tâm thần trong và sau đại dịch COVID-19. Thúc đẩy nâng cao nhận thức của cộng đồng về COVID-19 và sức khoẻ tâm thần (thông tin COVID-19 minh bạch, duy nhất; nâng cao hiểu biết sức khoẻ tâm thần và chiến lược ứng phó; gia tăng kênh giải trí; tránh kỳ thị bệnh nhân dương tính, nhân viên y tế …). Cân nhắc giãn cách xã hội, cách ly y tế quá dài; hạn chế điều trị nội trú. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình phòng ngừa sức khoẻ tâm thần cộng đồng theo khuyết nghị của WHO (2020) như sức khoẻ tâm thần trường học; chương trình huấn luyện cộng đồng phòng ngừa thiên tai; phòng ngừa sức khoẻ tâm thần trong nghề nghiệp; nâng cao sức khoẻ tâm thần cha mẹ. Thúc đẩy các chương trình phát hiện sớm các rối loạn tâm thần dựa vào cộng đồng (trường học, công ty, phường xã, bệnh viện…). Nghiên cứu về sức khoẻ tâm thần để có các bằng chứng giải pháp.
Do đó, cần duy trì, đầu tư, hỗ trợ các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần trên cơ sở hiện có và mở rộng (nhân lực; mô hình…). Đẩy mạnh mô hình chăm sóc sức khoẻ tâm thần từ xa. Cho phép mở cửa lại các trung tâm chăm sóc, điều trị tâm thần; các trung tâm giáo dục, phục hồi chức năng cho người khuyết tật, trẻ em khuyết tật. “Chiến lược hỗ trợ sức khoẻ tâm thần cần tập trung 3 nhóm nguy cơ và từ đó xây dựng chiến lược phòng ngừa – can thiệp mục tiêu – can thiệp chuyên sâu. Cần có các nghiên cứu về sức khoẻ tâm thần của người dân để có can thiệp dựa vào bằng chứng” – TS Lê Minh Công nói.
Tiến sỹ tâm lý Lê Minh Công – Phó trưởng khoa Công tác xã hội trường ĐH KHXH&NV TPHCM phát biểu tại Hội thảo |
24/11/2021 10:45
Số lượng bệnh nhân trẻ đột quỵ đang gia tăng rất nhanh
TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện S.I.S Cần Thơ |
Nhìn nhận COVID-19 ảnh hưởng tới tất cả mọi mặt trong đời sống xã hội, đặc biệt là những người có bệnh nền, TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện S.I.S Cần Thơ cho biết, theo thống kê, trên thế giới hàng năm có khoảng 15 triệu người đột quỵ, tại Việt Nam có 200.000 ca đột quỵ. Trung bình mỗi 45 giây có 1 người bị đột quỵ và mỗi 3 phút có một người tử vong. Tỉ lệ tử vong ở Việt Nam cao hơn thế giới. Mỗi ngày tại TPHCM có khoảng 300 bệnh nhân đột quỵ, chiếm 10% số giường tại các bệnh viện và luôn trong tình trạng quá tải.
Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế đứng hàng thứ nhất trong tất cả các bệnh. Trung bình hàng năm tại khu vực miền tây, Bệnh viện S.I.S Cần Thơ điều trị cho trên 25.000 bệnh nhân, như vậy mỗi ngày phải cấp cứu 20-30 bệnh nhân. Nguyên nhân có thể là do thời gian dài không tái khám, áp lực, hoặc tâm lý xã hội do lo lắng làm huyết áp tăng. Số lượng bệnh nhân đột quỵ trẻ gia tăng rất nhanh, hiện nay bệnh nhân đột quỵ dưới 40 tuổi đã chiếm 5% trong số bệnh nhân đột quỵ.
Điều trị đột quỵ là vấn đề của cả cộng đồng, nếu bỏ qua việc này do COVID-19 là số lượng tử vong sẽ tăng cao trong tương lai. Đột quỵ tại gánh nặng tài chính, ước tính 2020 thế giới tốn hơn 13 tỉ USD trong điều trị đột quỵ, ở Việt Nam là một năm tốn khoảng 1.000 tỉ cho trang thiết bị cấp cứu đột quỵ, đây chỉ là trang thiết bị y tế và Việt Nam chưa sản xuất được.
Thời gian qua, SIS Cần Thơ đã xây dựng mạng lưới cấp cứu đột quỵ. Trong thời gian qua dù chống dịch nhưng SIS Cần Thơ vẫn không quên nhiệm vụ, tạo được tiếng vang lớn trong phòng chống đột quỵ trên thế giới. Ngày nay với tất cả trang thiết bị, nhân lực, SIS Cần Thơ hoàn toàn có thể chẩn đoán sớm được các triệu chứng đột quỵ ngay từ ban đầu. Ngành y tế Việt Nam luôn luôn bắt nhịp, cập nhật những công nghệ điều trị trên thế giới, với chi phí điều trị thấp hơn các nước. Để phòng chống đột quỵ, người dân cần hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu bia. Khi có các triệu chứng của đột quỵ cần liên hệ ngay với các bệnh viện có khả năng cấp cứu đột quỵ gần nhất để được xử lý kịp thời.
24/11/2021 10:48
Bệnh viện dã chiến góp phần trong điều trị người bệnh COVID-19 nặng, giảm tải cho các bệnh viện tầng trên
TS. BS Phan Minh Hoàng – Giám đốc BV Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 6 chia sẻ về vai trò của bệnh viện dã chiến trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Hội thảo |
Chia sẻ vai trò của bệnh viện dã chiến, TS. BS Phan Minh Hoàng – Giám đốc BV Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 6 cho biết, hiện đã có khoảng 24.000 bệnh nhân mắc COVID-19 được xuất viện. BS Hoàng cho rằng, Bệnh viện dã chiến góp phần trong điều trị người bệnh nặng, giảm tải cho các bệnh viện tầng trên. “Phát hiện sớm, dự trù, dự phòng bệnh nhân trở nặng để chuyển bệnh nhân lên tuyến trên và không làm quá tải, không làm áp lực cho tuyến trên. Chính vì vậy, bệnh viện dã chiến số 6 đã trao đổi liên tục với Bệnh viện Chợ Rẫy, với các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy để tính toán chuyển bệnh nhân đi một cách an toàn, hiệu quả. Song song đó, chúng tôi còn phải tính toán không làm quá tải cho tuyến trên” - TS. BS Hoàng cho biết.
Trong quá trình điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 6 là một trong 3 Bệnh viện được đầu tư hệ thống nguồn oxy lỏng, giường hồi sức để đảm trách tiếp nhận F0 khi các bệnh viện dã chiến khác ngừng hoạt động. Ngoài ra, Bệnh viện còn triển khai hệ thống RO chạy thận nhân tạo và triển khai phần mềm quản lý và điều trị bệnh nhân.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 6 còn phối hợp quản lý và điều trị F0 tại nhà (thực hiện tại Quận 1 và Quận 3) với mục tiêu chung là quản lý và giảm số lượng F0 tại cộng đồng, giảm nguy cơ chuyển nặng, tử vong. Bên cạnh đó, triển khai mô hình phối hợp quản lý và điều trị F0 tại nhà, mỗi khu phố là một khoa lâm sàng, mỗi ngôi nhà là một phòng điều trị, là một giường bệnh để chữa trị cho các F0. Mô hình này là một nơi đáng tin cậy để người dân chia sẻ các vấn đề về bệnh tình để được bác sĩ hướng dẫn cách điều trị cũng như cách xử trí kịp thời nếu tình trạng diễn tiến nặng.
24/11/2021 10:54
Các vị thuốc – bài thuốc YHCT là vũ khí tăng cường cho thầy thuốc chọn lựa trong điều trị chống lại SARS-CoV-2
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay - Chủ tịch Liên chi hội Đông Tây Y kết hợp |
Chia sẻ vấn đề kết hợp đông tây y trong điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay - Chủ tịch Liên chi hội Đông Tây Y kết hợp cho biết, con người có hệ miễn dịch tự nhiên vốn sinh ra đã có và hệ miễn dịch đặc hiệu nhờ vắc xin để hình thành. Y học cổ truyền (YHCT) có vai trò giúp tăng cường miễn dịch tự nhiên, hỗ trợ tích cực, tăng sức đề kháng, giúp chúng ta vượt qua đại dịch. Bộ Y tế nước ta hiện nay đã cho phép sử dụng YHCT trong các phác đồ điều trị COVID-19. Đây là điều rất đáng mừng nhưng thực sự còn đó nhiều khó khăn; vì YHCT mang tính cá thể: mỗi cơ địa, cùng một biểu hiện bệnh có thể có điều trị khác nhau.
Tuy nhiên, cứu người như cứu hoả, với tác dụng hỗ trợ hoạt động miễn dịch giúp tăng sức đề kháng đã được chứng minh, các vị thuốc – bài thuốc YHCT là vũ khí tăng cường cho thầy thuốc chọn lựa trong điều trị chống lại SARS-CoV-2.
Một loạt các nghiên cứu về tác dụng dược lý của Xuyên tâm liên cũng đã được tiến hành cho thấy đây là một dược liệu rất tiềm năng trong tác dụng kháng khuẩn cũng như kháng virus, đặc biệt là một số chủng virus như Influenza A, EBV, HIV, Ebola và gần đây là các nghiên cứu về tác động của Xuyên tâm liên trên virus SARS-CoV-2.
Andrographolid - hoạt chất chính của Xuyên tâm liên có tác dụng ức chế hoạt động của SARS-CoV-2. Đặc biệt ở Trung Quốc, trong một phân tích gộp 33 thử nghiệm lâm sàng có đối chứng trên 7175 bệnh nhân COVID-19 năm 2020 ghi nhận Xuyên tâm liên giúp giảm ho và viêm họng, đồng thời cải thiện các triệu chứng tốt hơn, thời gian hồi phục nhanh hơn so với nhóm chứng trị liệu theo phác đồ thông thường. “Qua đó, từ kinh nghiệm ngàn năm sử dụng các bài thuốc của các thầy thuốc YHCT điều trị Ôn bệnh, đến việc nghiên cứu từng bài thuốc và vị thuốc trên bệnh truyền nhiễm nói chung và SARS-CoV-2 nói riêng ghi nhận những hiệu quả cụ thể trên lâm sàng, giúp chúng ta có thể an tâm hơn trong việc kết hợp Đông – Tây y vào hỗ trợ điều trị COVID- 19”- PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay cho hay.
24/11/2021 11:34
Việt Nam luôn hiện hữu nguy cơ làn sóng dịch thứ 5 sẽ bùng phát nếu buông lỏng cảnh giác
PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế |
PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo cho biết: Qua các báo cáo hàng ngày, chúng ta có thể biết, đất nước ta vừa trải qua 4 giai đoạn dịch. Dịch bệnh căng thẳng với nhiều ca mắc mới tăng liên tục qua các ngày, trong đó có 911.310 người đã khỏi bệnh và hiện tại có tới 5.295 bệnh nhân nặng. Mặc dù dịch bệnh đã qua giai đoạn đỉnh cao, nhưng so với tình hình thế giới hiện nay vẫn đang căng thẳng, nên nguy cơ trong nước có thể sẽ chưa thể chấm dứt được hoàn toàn dịch bệnh. Vì thế, nhiệm vụ số 1 trong giai đoạn hiện nay là: thực hiện nghiêm khắc các biện pháp 5k, các biện pháp phòng chống dịch. Mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng chúng ta hoàn toàn không thể lơ là cảnh giác.
Chúng tôi đã trao đổi với các chuyên gia từ Mỹ cho biết nhiều trường hợp tiêm 2 mũi vắc xin vẫn nhiễm dịch bệnh với các biến chủng như Delta, Lambda,.. Mới đây, Chủ tịch nước đã viết 1 thư tay trao cho Bộ Y tế đặc biệt dặn dò không lơ là chống dịch, thực hiện nghiêm khắc thích ứng linh hoạt, an toàn bảo vệ sức khỏe cho người dân. Các mặt trận phải hết sức cảnh giác.
Chúng ta đề ra mục tiêu: Sống chung với dịch, nhưng sống chung như nào để an toàn, đảm bảo cho đời sống của người dân là vấn đề cần sự chung tay của cả người dân, của y bác sĩ và của hệ thống chính quyền.
Tại Việt Nam luôn hiện hữu nguy cơ làn sóng dịch thứ 5 sẽ bùng phát nếu chúng ta buông lỏng cảnh giác. Bản thân là những người nằm trong bộ máy y tế của đất nước, chúng tôi đã cố gắng đưa ra những chiến lược tối ưu nhất để đảm bảo an toàn cho người dân. Mục tiêu cuối cùng của cuộc chiến là giảm tỷ lệ tử vong đến mức thấp nhất.
Khi thực hiện chiến lược thích ứng an toàn này, chúng ta phải ý thức từ mỗi tế bào của xã hội, thực hiện nghiêm hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, sẵn sàng ứng phó nếu dịch bệnh bùng phát. Đặc biệt các cơ sở khám chữa bệnh, các bệnh viện phải đáp ứng sẵn sàng thích ứng 4 tại chỗ. Các bác sĩ phải được huấn luyện, thực hành để ứng phó sẵn sàng đối phó đại dịch. Sẵn sàng thích ứng với đại dịch ở cấp cao nhất là cấp độ 4. Chỉ đạo các bệnh viện phải thực hiện Chỉ đạo 3088 về Bệnh viện an toàn.
Mặt khác, phải tích cực triển khai công tác điều trị các bệnh thông thường, bởi ngoài dịch bệnh COVID-19, vẫn còn rất nhiều căn bệnh thông thường khác làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Các bệnh viện, cơ sở y tế phải thực hiện linh hoạt chiến lược nhiệm vụ kép. Các bộ ban ngành tiếp tục đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc điều trị và đưa ra kế hoạch cụ thể trong hệ thống y tế để đạt 1 mục tiêu quan trọng duy nhất là giảm thiểu tỷ lệ tử vong đến mức thấp nhất. Với tinh thần chống dịch như chống giặc, toàn dân chung tay bảo vệ sức khỏe cuẩ bản thân và cộng đồng, thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với đại dịch trong thời đại mới. Tôi tin tưởng với sự vào cuộc của các tầng lớp, mọi người dân, chúng ta cùng nhau chung tay đoàn kết ngăn chặn và đẩy lùi các đợt dịch xâm nhập, bùng phát ở Việt Nam trong thời gian tới, để đưa đất nước chúng ta vào trạng thái bình thường mới, tập trung xây dựng kinh tế xã hội, phát triển đất nước.
24/11/2021 11:41
Anh Hoàng Tuấn Anh |
Chia sẻ giao lưu tại buổi hội thảo, anh Hoàng Tuấn Anh, “cha đẻ” ATM gạo - ATM oxy tâm sự: “Trong thời gian làm ATM oxy, tôi đã tiếp xúc với nhiều F0 ở các bệnh viện. Trong thời gian giãn cách, con của mình bị F0 trước, rồi đến tôi. Dù tôi đã tiêm 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 nhưng người trong gia đình bị F0 thì khả năng lây lan rất dễ. Tôi còn ở chung với người cha đã 80 tuổi. Lúc đó, con mình vừa bị F0 vừa bị sốt xuất huyết nên rất khó khăn. Khi được các bác sĩ tư vấn, người lớn tuổi là đối tượng có nhiều nguy cơ nếu trong gia đình có người mắc F0, tôi đã đưa vợ con sang nơi khác để ở và điều trị bệnh. Do tôi là người đã từng mắc bệnh nên hiểu rất rõ nếu F0 không được giúp đỡ về lương thực, tiếp tế oxy thì cảm thấy rất bế tắc”.
24/11/2021 11:44
BS Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch Thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM, Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM |
Tại Hội thảo, BS Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch Thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM, Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM chia sẻ, dù dịch bệnh đã tạm thời được kiểm soát nhưng chúng ta cần nhìn lại những điều chưa làm được và không để điều đó trở thành lối mòn, cần phải xem mình đã làm hết sức chưa.
Trong đợt dịch vừa qua chúng ta có quá nhiều chỉ số, trong khi chỉ số quan trọng nhất là người bệnh được chăm sóc tinh thần, chăm sóc thoải mái trong một môi trường, lẽ đương nhiên là người bệnh phải được điều trị sớm nhất chứ không phải được đi bệnh viện lớn nhất và cuối cùng là người bệnh được sống. Là người làm trong chuyên ngành truyền nhiễm, tôi thấy được lỗ hổng chưa từng có qua đợt dịch vừa qua và sự quá tải của dịch bệnh với người làm truyền nhiễm là hết sức bình thường, nhưng đối với người làm nội khoa, làm chuyên khoa không thấy được. Có những lúc không nghe người bệnh, không biết người bệnh thiếu cái gì, cần cái gì. Do đó, tôi lập ra các trang để hỗ trợ họ. Cũng may là qua nhóm F0 đó, chúng ta tiếp nhận được sự chia sẻ của người bệnh, đó là điều quan trọng hơn nhiều so với những gì bác sĩ nhìn thấy. Bởi vì cuộc chiến này tâm lý diễn ra như nhau, sự cô đơn, bất lực, bơ vơ. Điều quan trọng là sau đợt dịch này, chúng ta có thay đổi hay không trong công tác phòng chống và điều trị COVID-19. Đừng chỉ dựa vào các số liệu mà chỉ cần khuyên người dân thực hiện 5K và vắc xin là quan trọng nhất. Bởi hiện nay trong khu điều trị, khu cách ly không thể có được 5K. trong khi đó 5K là số 1. Cần nhìn lại cuộc chiến để thấy được những điều chưa làm được và đừng để nó tiếp tục xảy ra trong thời gian tới.
24/11/2021 11:55
Các khách mời tham gia tọa đàm |
24/11/2021 11:58
BS Đinh Quang Thanh - Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng TPHCM |
Theo BS Đinh Quang Thanh - Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng TPHCM chia sẻ, SARS-CoV-2 là mầm bệnh gây ra đại dịch Corona virus 2019 (COVID-19), dẫn đến khủng hoảng chăm sóc sức khỏe toàn cầu và làm căng thẳng nguồn lực y tế. COVID-19 hiện được công nhận là một bệnh đa cơ quan với nhiều biểu hiện. Do đó, cần đánh giá toàn diện về các tài liệu hiện tại về hậu COVID-19 cấp tính, sinh lý bệnh và các di chứng cụ thể trên cơ quan của nó. Các bằng chứng khoa học và lâm sàng đang phát triển về tác dụng bán cấp và lâu dài của COVID-19, có thể ảnh hưởng đến nhiều hệ thống cơ quan. Các báo cáo cho thấy những ảnh hưởng còn sót lại khi nhiễm SARS-CoV-2 như mệt mỏi, khó thở, đau ngực, rối loạn nhận thức, đau khớp và suy giảm chất lượng cuộc sống. Những người bị bệnh nặng trong giai đoạn COVID-19 cấp tính hoặc yêu cầu chăm sóc trong ICU. Tuổi cao và có các bệnh đi kèm như đường hô hấp có từ trước, béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch mãn tính, bệnh thận mãn tính, sau ghép tạng hoặc ung thư. Các bệnh nhân mắc COVID-19 để lại nhiều di chứng và hiện tại còn 300 bệnh nhân đang nằm ở BV Điều dưỡng Phục hồi chức năng TPHCM.
24/11/2021 12:03
Bà Phúc Tâm - Sáng lập dự án cộng đồng “Bầu trời bên trong”, CEO Công ty Cổ phần ATZ Life |
Bà Phúc Tâm - Sáng lập dự án cộng đồng “Bầu trời bên trong”, CEO Công ty Cổ phần ATZ Life chia sẻ, trong thời gian qua, có rất nhiều người liên quan đến vấn đề sang chấn tâm lý cho những người chưa nhiễm COVID hay những người đã nhiễm bệnh. Đối với nhân viên của doanh nghiệp, trang bị kiến thức y tế, sự an toàn, hiểu sâu hơn chuẩn bị tâm thái của mình trước những diễn biến dịch cao trào. “Phúc Tâm – Bầu trời bên trong" tạo ra nhiều chương trình livestream hướng dẫn cho những thành viên về nội động lực, tư vấn chuyên sâu, kiểm tra trạng thái suy nghĩ, lập trình trạng thái thói quen, hiểu về nền tảng tư duy tích cực. để họ duy trì. Chuyên sâu về thiền định, với phần nội lực như vậy, chuẩn bị sẵn sàng tâm thái. Nếu như ai quá căng thẳng, cần hướng dẫn dọn dẹp, thanh lọc đồ đạc, năng lượng trong không gian sống, nghe âm nhạc, hướng dẫn trạng thái hỗ trợ tư vấn cá nhân khác.
Ngoài về COVID, bản thân họ cũng giải quyết những vấn đề khác của cá nhân” – bà Phúc Tâm nói. Xúc động chia sẻ niềm vui khi được điều trị khỏi hết bệnh, chị Thùy Chi chia sẻ: “Bên cạnh thuốc thang và sự chăm sóc tận tình, ở bệnh viện 7 ngày, tưởng rằng mình không qua khỏi. Nhờ liệu trình điều trị tâm lý đã giúp mình chiến thắng bệnh tật. Mình suy nghĩ tích cực, luôn luôn nghĩ mọi thứ theo hướng tích cực. Bên cạnh đó, thời gian ăn uống, ngủ nghỉ và sinh hoạt được điều tiết phù hợp hơn”.
24/11/2021 12:10
BS CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC |
Theo BS CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, đến thời điểm hiện nay, VNVC là đơn vị đầu tiên ký hợp đồng đưa vắc xin đưa 30 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 về Việt Nam và bàn giao lại cho Bộ Y tế với hình thức phi lợi nhuận. Tất cả các chi phí liên quan lên đến hàng trăm tỉ do VNVC chịu, dự kiến đến tháng 12 sẽ hoàn thành hợp đồng đó. Đầu tháng 11, VNVC tiếp tục ký hợp đồng để đưa thêm 25 triệu liều vắc xin về Việt Nam. Số lượng vắc xin này dự kiến khi về Việt Nam để chuẩn bị tiêm mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu, người có bệnh nền, cao tuổi… để nhanh chóng dập được dịch.
Hiện nay VNVC đã ký hợp đồng để đưa về 55 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 về Việt Nam, điều đó khẳng định uy tín và năng lực của VNVC để đưa được số lượng vắc xin lớn về. Dù mới thành lập được 4 năm nhưng VNVC đã trở thành nơi tiêm chủng an toàn, chất lượng và giá cả tương đối hợp lý cho người Việt Nam. VNVC không ngừng phát triển cơ sở vật chất, năng lực, đào tạo nhân lực để góp một phần nhỏ trong công tác phòng chống dịch.
Khách mời chia sẻ nhiều câu chuyện xúc động trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19 |
24/11/2021 12:14
PGS. TS Trần Quang Bính - Giám đốc chuyên môn BV Tâm Anh |
PGS. TS Trần Quang Bính - Giám đốc chuyên môn BV Tâm Anh cho biết, trong đại dịch COVID-19 và nhất là trong đợt dịch thứ 4, chúng ta không lường hết được nên đã bộc lộ nhiều điểm yếu kém. Cuộc sống không chỉ có bệnh dịch mà còn có bệnh mãn tính, bệnh cấp tính và nhiều bệnh lý khác, rất cần thiết để điều trị dù trong lúc dịch bệnh đang diễn ra. Tuy nhiên, dịch diễn biến phức tạp, có quá nhiều người mắc khiến những người có bệnh lý khác không dám đi khám hoặc cơ sở y tế bị quá tải.
Đến nay, chúng ta thống kê được số người chết vì COVID-19 nhưng chưa ai thống kê bao nhiêu người chết vì bệnh lý trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, do không thể đi đến bệnh viện. Dù còn non trẻ nhưng Bệnh viện Tâm Anh vẫn nhận tất cả bệnh nhân mắc bệnh nền, bệnh lý cấp cứu trong thời gian diễn ra dịch COVID-19. Hàng loạt ca bệnh phức tạp khác cũng được BV Tâm Anh cấp cứu thành công.
“Chúng tôi đưa ra khuyến cáo, những bệnh nhân mắc bệnh cấp hay bệnh lý thì vẫn nên đến bệnh viện, không nên chờ hết dịch mới đi khám bệnh, vì không ai biết, COVID-19 khi nào hết” - PGS. TS Trần Quang Bính nói.
Thạc sĩ Lê Minh Hiển- Trưởng Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy |
Chia sẻ về chuyện chăm lo hậu cần cho y bác sĩ và bệnh nhân, Thạc sĩ Lê Minh Hiển- Trưởng Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy kể, những ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ, việc mua vật dụng cho y bác sĩ và bệnh nhân rất khó, nhưng phòng Công tác xã hội vẫn cố gắng hoàn thành. “Đó là những ngày đầu tháng 8, khi dịch bùng phát, tôi có hỏi bác sĩ Trần Thanh Linh cần gì để phòng CTXH tiếp xúc. Bác sĩ Linh chỉ cười nói: anh chị em chỉ cần bánh mì của bệnh viện. Câu nói đó làm tôi ghi nhớ mãi, chỉ những việc nhỏ như vậy đã khiến chúng tôi có thêm động lực để tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch”- Thạc sĩ Hiển chia sẻ. Cũng theo Thạc sĩ Hiển, phòng Công tác xã hội của bệnh viện đã thực hiện hệ thống tiếp nhận thông tin ở Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Hồi sức COVID-19. Nhờ hệ thống tiếp nhận thông tin này đã giúp thân nhân có thể tìm người thân đang điều trị, giảm sự sự căng thẳng của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong giai đoạn dịch bệnh. “Mong rằng sắp tới có hệ thống công nghệ thông tin để kết nối các bệnh viện để bệnh nhân và thân nhân có thể tìm nhau được nhanh chóng, giảm áp lực tâm lý cho mọi người”- Thạc sĩ Hiển chia sẻ.
24/11/2021 12:22
Phát biểu kết luận Hội thảo, Nhà báo Lê Minh Toản cho biết, qua hơn 3 tiếng rưỡi hội thảo với nhiều nội dung được truyền tải. Dịch COVID-19 còn diễn biến rất phức tạp nhưng qua hội thảo cho thấy có nhiều nghiên cứu, phương án để phòng chống dịch. Mỗi tham luận là 1 lát cắt rất sắc nét về bức tranh phòng chống đại dịch. Chúng ta cũng đã nghe những chia sẻ về khoảnh khắc những xúc động của những người trong tâm dịch, trực tiếp tham gia phòng chống dịch, những bệnh nhân trên giường bệnh. Chúng ta cũng đã nghe lãnh đạo Bộ Y tế có những ý kiến chỉ đạo về phòng chống dịch. Qua đó, chúng tôi cảm ơn các phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, những người trong tâm dịch đã chia sẻ những hiểu biết trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19. Chúng tôi xin phép sẽ đăng tải trọn vẹn những tham luận để coi như 1 cẩm nang trong phòng chống dịch.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện của các cơ quan nhà quản lý nhà nước Trung ương và địa phương, các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ và các chuyên gia hàng đầu về bảo vệ sức khỏe.
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước:
+ Đại diện Bộ Y tế: PGS-TS-BS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế. Tuy nhiên, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê dự cuộc họp chuẩn bị tháp tùng Chủ tịch nước đi Thuỵ Sĩ và Nga ngày 25/11 nên bác sĩ Khuê xin được tới trễ.
+ TS-BS Nguyễn Vũ Thượng- Phó Viện trưởng Viện Pastuer TPHCM
+Ông Đặng Mạnh Trung- Vụ trưởng- Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM.
+TS.BS Phan Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM kiêm Giám đốc BV Điều dưỡng phục hồi chức năng TPHCM
+Ở đầu cầu Hà Nội: PGS-TS-BS Trần Đắc Phu- Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng. Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam.
*Các diễn giả, chuyên gia vể chăm sóc sức khỏe và lãnh đạo các bệnh viện tại TPHCM, chúng tôi trân trọng giới thiệu sự hiện diện của:
-
PGS-TS-BS Nguyễn Thị Bay- Chủ tịch Liên chi hội Đông Tây Y kết hợp.
-
TS-BS Đỗ Trọng Khanh- Giám đốc Y khoa BV FV
-
Thầy thuốc ưu tú- PGS-TS-BS Trần Quang Bính- Giám đốc Chuyên môn BV đa khoa Tâm Anh TPHCM
-
TS-BS Trần Thanh Linh- Phó giám đốc BV Hồi sức Covid-19- Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy
-
Thạc sĩ Lê Minh Hiển- Trưởng Phòng Công tác xã hội BV Chợ Rẫy
-
BSCKI Bạch Thị Chính- Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC
-
TS Tâm lý Lê Minh Công- Phó Trưởng khoa CTXH, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG HCM
-
TS.BS Trần Chí Cường- Giám đốc Bệnh viện S.I.S Cần Thơ
-
TS-BS Trương Hữu Khanh- Phó chủ tịch Thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM
-
BS Đinh Quang Thanh-Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi Chức năng TPHCM.
-
Bà Phúc Tâm, Sáng lập dự án cộng đồng “Bầu trời bên trong”, CEO Công ty Cổ phần ATZ Life.
-
BS Nguyễn Xuân Chi- Trưởng Phòng chỉ đạo tuyến BV TP Thủ Đức
Các đơn vị tài trợ:
-
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu và cảm ơn sự đồng hành cùng hội thảo của các đơn vị: Đại diện Bệnh viện FV TPHCM, Công ty CP GonSa, Bệnh viện Đột quỵ SIS Cần Thơ, Công ty TNHH Y Việt, Công ty tư vấn Mediconsult Việt Nam, Hệ thống tiêm chủng VNVC, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TPHCM và Công ty Cổ phần ATZ Life.
Hội thảo còn có sự tham dự của các đồng nghiệp đại diện cho trên 50 cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương tại Hà Nội và TPHCM.