Bảo tàng thì tốn, bảo tồn thì chán

Bảo tàng thì tốn, bảo tồn thì chán
Tháng qua, xôn xao dư luận là dự án xây dựng bảo tàng Lịch sử Quốc gia với tổng mức đầu tư lên tới 11.277 tỉ đồng được trích từ vốn ngân sách nhà nước, nếu đúng lộ trình, sẽ được xây dựng từ tháng 11-2012 đến 5-2016 trên diện tích 10ha tại khu đô thị mới Tây Hồ Tây, Hà Nội.
Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Ảnh minh họa
Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Ảnh minh họa.

Người dân và giới chuyên gia có trách nhiệm bày tỏ hoài nghi về giá trị công năng sử dụng của dự án này là có cơ sở. Bởi vì, rất nhiều bảo tàng trong nước hiện nay đang trong tình trạng... hôn mê sâu, xa lạ với công chúng, giới chuyên môn, thậm chí, một số nơi còn tổ chức cả những loại dịch vụ không đúng chức năng của bảo tàng theo quy định trong luật Di sản.

Dễ hiểu. Có cơ sở, có nhân viên, trong cơ chế vận hành cũ kỹ các bảo tàng phải tự xoay xở làm dịch vụ nuôi cỗ máy. Rất nhiều loại hình dịch vụ được “linh động” để cải thiện tình hình. Có những góc bảo tàng trở thành quán càphê, có những nơi cho thuê chụp hình cưới, cũng có chỗ trở thành điểm kinh doanh tiệc cưới chuyên nghiệp.

Cốt lõi vấn đề vẫn là thực lực chuyên môn hạn chế. Công tác bảo tồn, nguồn vốn hiện vật và công tác chuyên môn bảo tàng chưa hợp lý. Bảo tàng chưa hấp dẫn được du khách, công chúng, chưa cải tạo được giá trị riêng để tạo ra được nguồn lợi tự vận hành mà phải trông chờ vào những giọt nước rót từ chiếc rôbinê gỉ sét có tên “bao cấp”.

Trong khi đó, điều phi lý là kinh phí được phê duyệt và rót xuống lại đầu tư vào cái vỏ ngoài – tức, công trình, cơ sở vật chất. Điều đó sinh ra thực tế là những bảo tàng hào nhoáng nhưng rỗng ruột. Báo chí trích dẫn câu chuyện rất hài hước xảy ra ở toà nhà bảo tàng Hà Nội được đầu tư xây dựng với chi phí 2.300 tỉ đồng, đưa vào sử dụng hai năm nay, nhưng trong tình trạng... thiếu hiện vật trưng bày.

PGS Nguyễn Văn Huy, nguyên giám đốc bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, uỷ viên hội đồng tư vấn khoa học cho ban quản lý xây dựng bảo tàng Lịch sử quốc gia trả lời trên VietNamNet đã chỉ ra thực trạng: “Hiện nay ở ta đang có một trào lưu xây những nhà bảo tàng “khổng lồ” có diện tích rất to lớn và đồ sộ. Nhưng xây xong thì rỗng ruột vì không có đồ để bày, không có người phụ trách nghiên cứu và tổ chức những trưng bày thật hay và hấp dẫn, khách đến xem cũng không biết phải tìm xem cái gì thích hợp với nhu cầu của mình”.

Như vậy, vấn đề là các chuyên gia văn hoá, bảo tàng học cùng cơ quan quản lý các dự án này sẽ phải ngồi lại với nhau để xác định lại hiện nay đời sống bảo tàng điều gì là thiết yếu, đâu là phương tiện, đâu là mục tiêu hiện nay mà các bảo tàng thuộc quản lý của Nhà nước đang theo đuổi?

Một câu chuyện tưởng chừng không liên can nhưng cũng gây bức xúc trong dư luận thời gian qua là ngôi chùa Trăm gian được xây dựng từ thời Lý tại xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội là di tích quốc gia nửa thế kỷ nay một hôm được “trùng tu tôn tạo”... như mới. Hỏi ra, mới hay việc “trùng tu” này được thực hiện khá dễ dàng, không muốn nói là với tư duy tự phát, tuỳ tiện.

Vấn đề nhức nhối trong tấn bi hài kịch có tên “ngôi chùa Trăm gian” đó là, ngay chính những bậc tu hành thuộc “nhà chùa” gắn bó với di sản này đến ban quản lý di sản địa phương đều tỏ ra rất đỗi hồn nhiên trong việc đập cũ xây mới.

Như vậy, câu chuyện nằm ở chỗ nhận thức về giá trị của việc bảo tồn văn hoá. Con người, nếu như bị cắt mất mối dây liên hệ với huyết mạch lịch sử, với tiền nhân với hệ thống cơ tầng văn hoá truyền thống thì chắc chắn, việc khư khư giữ một viên gạch, một phù điêu hay một cây cột gỗ dù được dán nhãn là di sản là một việc làm xa xỉ hình thức.

Nhưng người ta có thể nối lại mối dây thiêng liêng đó ở đâu khi mà trước mắt, ngay chính cả những bảo tàng chỉ phô trương vẻ ngoài hoành tráng và hào nhoáng hiện đại mà thiếu những tiêu bản văn hoá có tính định vị, hướng đạo một cách đầy đủ, gần gũi, trung thực, khách quan và khoa học?

Nội lực bảo tàng sẽ suy yếu nếu ngay trong cộng đồng không tìm thấy nhận thức sâu xa về ý nghĩa bảo tồn, hành xử với các giá trị di sản theo kiểu hồn nhiên – tuỳ tiện. Ngược lại, ý nghĩa bảo tồn sẽ rơi vào hình thức khô khan nguội lạnh nếu bảo tàng, nơi thể hiện rõ nhất chức năng bảo tồn lại chỉ biết đầu tư hàng chục ngàn tỉ vào việc... xây những tòa bảo tàng viện bóng lộn, hoành tráng nhưng hoang lạnh.

Theo Kiến Trúc và Đời Sống

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG