Bão Talim sắp đổ bộ, Trung Quốc sẵn sàng kịch bản 'ngày tận thế'

TPO - Ngày 12/9, các nhà chức trách ở đông nam Trung Quốc bắt đầu sơ tán khoảng nửa triệu dân ra khỏi nhà trước nguy cơ khu vực này phải đối mặt với một trận bão khủng khiếp, dự kiến sẽ đổ bộ vào cuối tuần này.

Theo các chuyên gia, siêu bão Talim (theo cách gọi của Trung Quốc là Thái Lợi) có sức mạnh tương đương siêu bão Irma tấn công bang Florida (Mỹ), sẽ đổ bộ các tỉnh đông nam Trung Quốc. Hiện hơn nửa triệu người dân được lệnh đi sơ tán.

Bà Lưu Ái Minh, Giám đốc Cục khí tượng thuỷ văn tỉnh Phúc Kiến cho biết, bão Talim được dự báo sẽ tấn công một số thành phố trung tâm dọc bờ biển Phúc Kiến, bao gồm Phúc Châu và Ninh Đức.

Thông báo sơ tán có thể được ban hành cho khoảng 400.000 hoặc 500.000 người dân, mặc dù con số chính xác có thể thay đổi tùy tình hình thời tiết, bà Lưu cho biết.

Hầu hết những người bị ảnh hưởng đều đang sống trong các ngôi nhà có thể không chịu được gió lớn hoặc ở các khu vực dễ bị lũ lụt hoặc lở đất, hoặc gần các địa điểm xây dựng. Bà Lưu cho biết thêm, trường học và sân vận động  sẽ được sử dụng làm nơi trú ẩn tạm thời.

Bão Talim được hình thành ở phía đông Philippines từ ngày 9/9 và đang trên đường di chuyển tới Phúc Kiến và Đài Loan (Trung Quốc). Bão Talim có sức gió mạnh ổn định và đã gây ra lở đất trên đường đi và nhiều khả năng trở thành cơn bão lớn nhất trong hệ thống cảnh báo bão của Trung Quốc, tương đương với bão cấp 4,5 của Mỹ.

Mặc dù dân số Phúc Kiến nhiều gấp rưỡi bang Florida, nhưng số người dân dự kiến đi sơ tán chỉ bằng 1/10. Bão Irma đổ bộ vào bang Florida cuối tuần qua khiến gần 6 triệu người phải đi sơ tán. Trong khi, người dân Phúc Kiến dự kiến phải đi sơ tán  từ 400.000 đến 500.000 người. 

Giải thích sự khác biệt này, ông Hoàng Phong, giáo sư về kiến trúc và gió tại trường đại học Đồng Tế tại Thượng Hải cho biết, sở dĩ có sự khác nhau về cách bảo đảm an toàn cho người dâncủa chính phủ Mỹ và Trung Quốc là do điều kiện nhà ở và địa lý. Nhà của người dân Florida chủ yếu làm bằng gỗ trên nền đất thấp, dễ bị phá hủy bởi gió mạnh. Do đó, sơ tán dân là cách tốt nhất để  viện trợ và hỗ trợ cho họ sau cơn bão.

Còn cách tránh bão tốt nhất của người Trung Quốc là ở yên trong nhà, không ai được ra đường, trừ những người sống trong những ngôi nhà  chất lượng kém, có nguy cơ đổ sụp. Ngoài ra, theo giáo sư Hoàng Phong, do mật độ dân số Phúc Kiến đông, ngày nghỉ lễ còn thường xuyên tắc đường. Do đó, sơ tán trên diện rộng còn dễ gây hoảng loạn  giao thông trên đường.

Theo ông Vương Khang Hồng, một nhà nghiên cứu thuộc phòng thí nghiệm thiên tai khí tượng thuộc Bộ Giáo dục ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, chính quyền Trung Quốc  rất thận trọng khi đưa ra yêu cầu sơ tán. Lệnh sơ tán chỉ được ban hành nếu  thấy các toà nhà dễ bị tổn thương bởi cơn bão.

"Tuy nhiên khí hậu luôn thay đổi. Có thể một ngày nào đó chúng ta sẽ phải đối mặt với cơn bão lớn mà ít tòa nhà có thể chịu được ", ông nói.

Hiện tại, các quan chức cấp cao ở mỗi thành phố đã có những kế hoạch khẩn cấp để đối phó với kịch bản "ngày tận thế". Ông Vương cho biết, kịch bản này bao gồm các mô phỏng bằng máy tính cho thấy các con đường nào được phép lưu thông hoặc những nhóm người nào cần được sơ tán  trước.

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, không có gì đảm bảo là một kế hoạch như vậy có hiệu quả. Bởi lẽ, chưa bao giờ có một cuộc diễn tập sơ tán bão, nên có nhiều thứ có thể sai. 

Theo SCMP
MỚI - NÓNG