Đường đi và vị trí của bão số 7. Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương. |
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, chiều tối 1-10, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão. Đây là cơn bão số 7 trên biển Đông, là bão số 20 ở Tây Thái Bình Dương, có tên quốc tế là GAEMI (do Hàn Quốc đề cử, có nghĩa là “con kiến”). Sau khi lớn thành bão, hướng bão thay đổi liên tục.
Theo ông Tăng, từ sáng đến chiều 3-10 bão di chuyển chậm 3-5 km/h, có lúc đứng yên. Đến 16 giờ hôm qua, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 630 km về phía đông đông nam.
Nửa đêm 3-10, bão chuyển sang hướng tây, và đến sáng nay 4-10, bão tiếp tục giữ hướng tây, lao về phía các tỉnh miền Trung với tốc độ tăng dần, từ 5 có thể lên 10, chiều nay bão có thể di chuyển tới 15-20 km/h.
Theo dự báo, từ chiều tối 5-10, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển các tỉnh miền Trung, trong đó trọng tâm là Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, đồng thời cần đề phòng ở các với các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Phú Yên. Còn đến từ trưa đến tối khuya ngày 6-10, bão cập bờ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh nói trên.
Ông Tăng cho biết, trên các đảo, công tác ứng phó với bão phải chuẩn bị trước tối 5-10, còn trên bờ phải sẵn sàng trước 9 giờ ngày 6-10, nếu không sẽ không kịp. Các đảo ở xa đất liền, gió mạnh hơn trên bờ 1,2 cấp. Lúc trên biển, gió bão mạnh cấp 10, cấp 11, giất cấp 12, còn khi vào bờ sẽ suy yếu hơn, có thể đạt cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11.
Dự báo mưa sẽ có ở toàn bộ có cả miền Trung, Tây Nguyên, Nam bộ xấp xỉ trên 100 mm, riêng khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp từ Quảng Bình đến Bình Định, lượng mưa có thể hơn 200 mm. Các tỉnh Tây Nguyên có thể 100-200 mm.
Còn 9 tàu ở Hoàng Sa
Theo Báo cáo của Bộ đội Biên phòng, đến 16 giờ hôm qua, đã thông báo, hướng dẫn cho 48.026tàu/238.808 lao động biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Hiện có 319 tàu/4.447 người ở khu vực Trường Sa, và 76 tàu ở khu vực Hoàng Sa đang trên đường về bờ.
Tuy nhiên, vẫn còn 9 tàu/114 người đang ở khu vực Hoàng Sa, trong đó Quảng Ngãi 6 tàu/88 người ở khu vực Gò Mới (Hoàng Sa); Khánh Hòa 3 tàu/26 người ở khu vực bãi Đá Bắc (Hoàng Sa).
Số tàu này, Bộ đội biên phòng đang hướng dẫn đi lên phía Bắc, tiến về đảo Hải Nam (Trung Quốc) để tránh bão, vì nếu chạy về bờ, nhiều khả năng bão sẽ đuổi kịp, nguy hiểm.
Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo PCLB T.Ư Cao Đức Phát cho biết, bão số 7 đang chạy dọc theo vĩ tuyến 15, vùng ảnh hưởng có thể từ vĩ tuyến 13 đến 17.
Các tỉnh cần theo sát diễn biến của bão để chủ động cấm biển. Ông Phát lưu ý, cơn bão này có thể không mạnh bằng bão Xangsane (năm 2006), nhưng không được chủ quan vì khu vực miền Trung, nhiều nhà lợp bằng mái tôn, xây không kiên cố. Các địa phương cần chủ động chằng chống nhà cửa, tổ chức neo đậu tàu thuyền.
“Đáng lo nhất là mưa sau bão, có thể vùng Quảng Nam, ven biển Đà Nẵng, Quảng Ngãi sẽ ngập. Cùng đó, lũ ống, lũ quét, lốc xoáy, khu vực có nguy cơ sản lở, nên cần sẵn sàng sơ tán dân, bố trí người canh gác ở các ngầm, bến sông, nơi nước chảy xiết, tránh thiệt hại đáng tiếc” - ông Phát nói.
Chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu, cần phải cảnh giác, kiên quyết kêu gọi tàu thuyền. Bão thì tên “con kiến”, nhưng có thể gây thiệt hại “con voi”. Hiện bão đang ở lưỡng lự, sau đó sẽ chuyển hướng, tăng tốc vào bờ.
“Chiều tối ngày 6-10, bão vào có thể đúng lúc triều cường, lại có mưa, nên rất nguy hiểm. Các địa phương cần kiểm tra kiểm tra lại các khu dân cư bị đe dọa, đi kiểm tra tận nơi để có chỉ đạo sát”- Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần đảm bảo an toàn giao thông trong mùa lũ. Các hồ chứa thủy điện, thủy lợi, cần phải phối hợp vận hành chặt chẽ. Nếu xả hết cho an toàn thì sau không có nước cho sản xuất, sinh hoạt, còn quá già thì có thể gây nguy hiểm.