> Trưa 3/8, bão số 5 sẽ đi vào các tỉnh Đông Bắc Bộ
Theo ông Tăng, đến 16 giờ ngày 1/8, bão số 5 nằm trên khu vực phía đông quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (từ 62 đến 88 km/h), giật cấp 10, cấp 11. Chiều tối ngày 2/8, bão số 5 sẽ vượt qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào vịnh Bắc bộ.
Sau đó, bão đi theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, vào đất liền các tỉnh Quảng Ninh đến Thái Bình, và có khả năng ảnh hưởng đến Nam Định. Thời điểm bão đổ bộ, nếu sớm sẽ rơi vào 9 đến 10 giờ, muộn sẽ vào thời điểm 18-19 giờ, ngày 3/8, với cường độ gió cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11.
Theo ông Tăng, từ đêm nay 2/8, vùng biển vịnh Bắc bộ có gió mạnh dần lên cấp 6, 7, sau tăng lên cấp 8, vùng tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh. Từ sáng 3/8, vùng biển các tỉnh đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11.
Chuyên gia khí tượng cho biết, bão số 5 sẽ gây mưa lớn trong và sau khi đổ bộ vào đất liền. Các tỉnh từ Thanh Hóa đổ ra sẽ có mưa, đặc biệt vùng đông Bắc và trung du miền núi phía Bắc sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to, lượng mưa 100 -400mm. Mưa cấp tập trong khoảng ngày rưỡi (trong ngày 3 - 4/8) nên vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.
Ông Tăng cũng cảnh báo, thời điểm bão đổ bộ vào lúc triều cường lên, vùng ven biển Quảng Ninh đến Nam Định nước biển có thể dân 3-5 m, nên các đảo như Cát Hải, Vân Đồn, Bạch Long Vỹ phải phải hết sức cảnh giác.
11 tàu cá trong vùng nguy hiểm
Đến đầu giờ chiều 1/8, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 36.634 tàu/170.641 người biết diễn biển của bão để chủ đồng phòng tránh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 11 tàu cá của Quảng Ngãi (8 tàu gần quần đảo Hoàng Sa, 3 tàu gần đạo Hải Nam) đang trong vùng nguy hiểm.
Việc này, Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo PCLB T.Ư Cao Đức Phát đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục có công hàm, đề nghị phía Trung Quốc tạo mọi điều kiện để giúp ngư dân Việt Nam lên bờ an toàn. Ông Phát nói: “Nguy cơ số tàu cá trên nằm trên dường di chuyển của bão. Bằng mọi cách phải đưa ngư dân lên bờ vì, với gió mạnh cấp 10, giật 11, 12, nếu không lên bờ, tàu sẽ tan và sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của ngư dân”.
Theo Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, hiện hồ chứa Tuyên Quang đang mở cửa xả đáy, còn các hồ khác chưa xả lũ. Mức nước ở các hồ khác như Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang đều vượt mức quy định.
Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang muốn giữ nước cao hơn so quy trình vận hành. Việc này, ông Phát cho biết, EVN cần phải tuân thủ theo quy trình vận hành liên hồ chứa, việc tích nước ngoài quy định, cần có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng chính phủ.
“Thủy điện tích nước đầy quá, sau đó có mưa nhiều lại xin xả, trong lúc nước cũng đang đầy đồng thì rất khó khăn”- ông Phát e ngại.
Về hồ chứa thủy lợi, đến ngày 1/8, mực nước của hầu hết các hồ chứa vừa và lớn ở mức dưới thiết kế 1-7m. Riêng ở Vĩnh Phúc, có 2 hồ là Vân Trùng và Suối Sải đã tràn 4-6 cm; Quảng Ninh cũng có 2 hồ chứa đang xã tràn 10-35 cm. Để đề phòng ngập úng, một số hệ thống thủy lợi các tỉnh đồng bằng Bắc bộ đã và đang tập trung bơm tiêu rút nước đệm.
Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo PCLB T.Ư cử đoàn công tác xuống Thái Bình, Nam Định và một đoàn do Ủy Ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chủ trì xuống Quảng Ninh, Hải Phòng chỉ đạo công tác phòng chống bão.
Theo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, lực lượng quân đội đã huy động trên 314 nghìn người; hơn 2.240 phương tiện các loại, trong đó, trên 1.550 ô tô, hơn 680 tàu, xuồng các loại và 6 máy bay tham gia ứng trực phòng chống bão số 5.