Bão số 11: ngang với siêu bão Xangsane

Bão số 11: ngang với siêu bão Xangsane
TPO – Nhận định được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đưa ra trong buổi họp khẩn với Sở chỉ huy tiền phương phòng chống bão số 11, lãnh đạo TP.Đà Nẵng, chiều 14/10.

> Đà Nẵng hối hả phòng chống bão Nari
> Sóng dữ hung hãn đe dọa bờ biển Đà Nẵng

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, hồi 16 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km. Đến 04 giờ ngày 15/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Trị – Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.

Ông Hải cho hay: với tốc độ di chuyển 15km/h, khoảng từ 2 đến 8 giờ sáng 15/10, tâm bão Nari chính thức đổ bộ đất liền các tỉnh thành miền Trung từ Quảng Trị- Quảng Ngãi, trọng tâm giữa Đà Nẵng- Hải Vân với sức gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 14-15. “Điều bất lợi bão số 11 so với những cơn bão gần đây là nó đổ bộ vào ban đêm, người dân dễ chủ quan, trong khi khả năng quan sát, ứng phó của cơ quan chức năng bị hạn chế”, ông Hải nhận định.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nhiều khả năng bão sẽ đổ bộ vào Đà Nẵng nên sở chỉ huy được đặt tại thành phố này để đảm bảo tính cơ động cao.

Nếu bão số 11 vẫn giữ cường độ như thế này thì sẽ mạnh hơn cả cơn bão số 10 vừa đổ vào Quảng Bình. Thậm chí còn có thể mạnh hơn cả siêu bão Xangsane từng tàn phá Đà Nẵng hồi năm 2006 mà tôi đã trực tiếp chứng kiến - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Bão số 11: ngang với siêu bão Xangsane ảnh 1

Đáng lo ngại, bão mạnh kèm theo mưa lớn, thủy triều dâng nên nguy cơ ngập úng, lũ quét sau bão là rất lớn. Chiều 14/10, nước dâng tại Đà Nẵng đo được lên đến 1,4-1,5m, cộng với sóng biển cao 2,5m. Tại Quảng Nam, nước dâng ở mức 1,5-1,6m, sóng biển cao trên 1,5m. Ông Hải dự báo tác động bão, ảnh hưởng giáo mùa Đông Bắc, không khí lạnh khiến mưa lớn kéo dài trên địa bàn miền Trung. Tại huyện miền núi Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên lượng mưa lên đến 200-240mm. Đặc biệt tại các tỉnh thành Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Đà Nẵng lượng mưa nhiều nơi lên đến 400-460mm và có thể kéo dài 4-5 ngày.

Ông Nguyễn Xuân Diệu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Ban chỉ đạo PCLB TƯ cho hay: 5/3 hồ chứa thủy lợi lớn trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên đã đầy, nhiều hồ chứa nhỏ mất an toàn. Đặc biệt, hiện có 14/20 hồ thủy điện lớn đã đầy và xả tràn. Thủy điện A Lưới, A Vương, Đắk Mi, Se San… có mức xả tràn cao hơn ngày 13/10. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, các địa phương, ngành chức năng cần tăng cường cán bộ kiểm tra theo dõi quy trình xả tràn của các hồ thủy điện để tránh tình trạng “lũ chồng lũ”. Nước chảy về hồ chứa bao nhiêu, thủy điện chỉ được xả bấy nhiêu. Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu lực lượng Quân khu 4, Quân khu 5 tập trung lực lượng giúp dân vùng ảnh hưởng nặng tại Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống.

Theo Viết
MỚI - NÓNG