Ngày 25/9, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị thông tin, tất cả chủ các phương tiện, tàu thuyền đã nhận được thông tin và hướng di chuyển của bão Noru.
Trong tổng số 2.302 chiếc tàu thuyền của tỉnh Quảng Trị, hiện nay có 2.293 chiếc/6.050 thuyền viên neo đậu an toàn tại bến của tỉnh. Còn lại 9 chiếc/86 thuyền viên đang hoạt động trên biển, gồm 5 chiếc/46 thuyền viên tại khu vực đảo Cồn Cỏ và 4 chiếc/40 thuyền viên tại khu vực biển Quảng Trị đến Quảng Ngãi.
Tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. |
Đến trưa 25/9, phần lớn tàu cá của tỉnh Quảng Trị đã vào neo đậu tránh bão Noru. Ngoài ra, có 9 tàu thuyền ngoại tỉnh với 72 thuyền viên đã vào neo đậu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị: 1 tàu của tỉnh Quảng Bình với 7 thuyền viên, 1 tàu của tỉnh Thừa Thiên Huế với 8 thuyền viên, 2 tàu của tỉnh Quảng Ngãi với 15 thuyền viên và 5 tàu của tỉnh Bình Định với 42 thuyền viên.
Quảng Trị có 126 đập, hồ chứa thủy lợi, bao gồm 124 hồ chứa và 2 đập; trong 126 đập, hồ chứa có 14 hồ chứa lớn, 1 đập lớn, 22 hồ chứa vừa, 88 hồ chứa nhỏ và 1 đập nhỏ. Đến thời điểm hiện nay tổng dung tích các hồ chứa trọng điểm đạt trung bình khoảng 45,60% so với dung tích thiết kế.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị đã có Công điện số 6 về việc ứng phó với bão Noru. Trong đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động rà soát, chuẩn bị sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với bão và mưa lớn, trong đó lưu ý rà soát các phương án ứng phó với bão và mưa lớn; kiểm tra các địa điểm sơ tán dân tránh bão để sẵn sàng sơ tán khi có lệnh.
Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện, hồ đập thủy lợi xung yếu và các hồ đập nhỏ có nguy cơ mất an toàn do địa phương quản lý; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, nơi dễ sạt lở đất… Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn. Chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình ven biển, ven sông có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư thi công...
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị, nếu bão Noru ảnh hưởng đến Quảng Trị, đảo Cồn Cỏ là nơi bị ảnh hưởng đầu tiên, nên địa phương đã lên phương án di dời người dân trên đảo vào hầm trú bão.
Huyện đảo Cồn Cỏ lên phương án phòng chống bão Noru. |
Trước dự báo phức tạp về bão Noru, tại huyện đảo Cồn Cỏ đã triển khai các biện pháp ứng phó. Ông Võ Viết Cường - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ cho hay, nếu bão ảnh hưởng đến tỉnh Quảng Trị thì huyện đảo là nơi hứng bão đầu tiên, nên huyện đảo đã tổ chức họp, kêu gọi tàu thuyền đang neo đậu trên đảo, đang hoạt động trên biển đi vào bờ tránh trú để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, các đơn vị trên đảo đang chằng chống, gia cố các công trình, cắt tỉa cây xanh để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra.
Quân dân huyện đảo Cồn Cỏ đổ cát vào bao để gia cố các công trình phòng tránh bão Noru. Ảnh: CC. |
"Chúng tôi đã lên kế hoạch chi tiết, nếu bão ảnh hưởng, thì sẽ sơ tán người dân vào 2 hầm trú bão ở trên đảo. 2 hầm trú bão này được thiết kế đảm bảo an toàn và sẽ có đủ lương thực cho người dân”, ông Cường nói.
Được biết, vào tháng 11/2020, để phòng tránh bão số 13, hơn 200 người dân và cán bộ chiến sĩ ở trên đảo Cồn Cỏ cũng được di dời vào hầm trú bão và ở lại qua đêm trong hầm.